Bệnh viện 'ba không'

Đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện đa khoa Sông Thương (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) được bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về y đức và phong cách phục vụ. Uy tín đó là kết quả của sự vun đắp mối đoàn kết, thống nhất, sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám đốc và tổ chức đảng trong quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân viên y tế.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sông Thương khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

“Địa chỉ đỏ” về phong cách phục vụ

Bệnh viện đa khoa Sông Thương luôn đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Họ ngồi trật tự bên các hàng ghế chờ đến lượt khám. Bác sĩ và nhân viên y tế niềm nở, tận tình phục vụ. Chị Phạm Quý Linh, cán bộ một ngân hàng ở huyện Lạng Giang cũng như nhiều bệnh nhân, chị chọn đến bệnh viện khám ngoài giờ hành chính. Theo chị Linh, các bác sĩ ở đây có uy tín chuyên môn, thái độ, phong cách phục vụ khoa học, tận tâm.

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Bắc Giang, Bệnh viện đa khoa Sông Thương (BV Sông Thương) được thành lập năm 2006 với 12 chuyên khoa. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, bệnh viện có uy tín về chuyên môn ở một số chuyên ngành điều trị, đồng thời được bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về y đức và trách nhiệm phục vụ. Những năm gần đây, bệnh viện liên kết với một số bệnh viện tuyến cuối trong điều trị. Riêng chuyên khoa mắt, theo thống kê năm 2017, bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương, tiến hành phẫu thuật pha-cô (đục thủy tinh thể) hơn ba nghìn ca, không có ca nào gây tai biến. Bình quân có gần một nghìn bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày. Các khoản thu được công khai, minh bạch. BV Sông Thương được nhiều người đánh giá cao về tinh thần, thái độ phục vụ, đáng chú ý là phương châm “ba không: phục vụ không theo giờ, không phong bì bồi dưỡng, không thu phí bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt”.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, chị Triệu Thị Mười, sinh năm 1987, là lao động tự do được đưa đến bệnh viện cấp cứu do tai nạn lao động gây chấn thương khá nặng ở phần mềm và gãy xương chày phải. Những người lao động cùng đã đưa chị vào cấp cứu cho biết, chị quê ở Tuyên Quang, nhà rất nghèo, không có tiền, không người chăm sóc. Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, Ban giám đốc Bệnh viện đã miễn phí cho bệnh nhân Mười khoản chi phí điều trị hơn 16 triệu đồng. Chị Mười là một trong hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn đã được bệnh viện khám, điều trị miễn phí.

Nhiều năm nay, BV Sông Thương được đánh giá cao trong hoạt động thiện nguyện sơ cứu, cấp cứu những nạn nhân tai nạn giao thông. Trong hai năm qua, bệnh viện đã sơ cứu, cấp cứu cho 263 ca nạn nhân tai nạn giao thông, phần lớn bị tai nạn trên cung đường từ TP Bắc Giang đi Yên Tử (Quảng Ninh). Tấm lòng thiện nguyện của cán bộ, nhân viên bệnh viện theo đúng tên gọi, phương châm “Sông Thương”-dòng sông nghĩa tình đất Kinh Bắc. Các nạn nhân tai nạn giao thông được đưa đến bệnh viện dù là ngày hay đêm đều được tiếp nhận, cứu chữa miễn phí hoàn toàn.

Sức mạnh từ tổ chức và tính kỷ luật

Tại phòng khách của bệnh viện, Bác sĩ Phạm Xuân Giang gặp lại bệnh nhân cũ khi vừa tham gia một ca điều trị. Anh là một trong số những thầy thuốc uy tín được nhiều bệnh nhân đánh giá cao. Nguyên là Thượng tá, bác sĩ Chủ nhiệm Quân y của Trường Sĩ quan chính trị, anh về BV Sông Thương từ ngày mới thành lập. Cùng với anh còn có gần 20 bác sĩ lâu năm, chuyên môn cao từ các bệnh viện công lập và quân y có uy tín đầu quân về bệnh viện.

Người được các thầy thuốc ở đây tôn trọng, mến nể, trước hết phải kể đến Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bệnh viện Phạm Văn Túc. Được biết, năm 1974 ông tốt nghiệp chuyên khoa ngoại Trường đại học Y Hà Nội. Về công tác tại Bắc Giang, ông trải qua các đơn vị y tế công lập, từ bác sĩ ngoại khoa, ông trở thành giám đốc một bệnh viện tuyến huyện. Theo yêu cầu công tác, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo hiểm y tế tỉnh Bắc Giang. Tâm huyết với nghề, khi về hưu, ông cùng nhiều anh em đồng nghiệp lâu năm, giàu kinh nghiệm thành lập và điều hành Phòng khám đa khoa Sông Thương, là tiền thân của bệnh viện hiện nay. Với uy tín của mình, ông cùng Ban giám đốc “chiêu hiền đãi sĩ” nhiều thầy thuốc có uy tín từ các đơn vị y tế, nhà trường của trung ương và địa phương.

Chi bộ Đảng của BV Sông Thương được thành lập năm 2013, với tám đảng viên. Sự hoạt động, lãnh đạo hiệu quả của chi bộ gắn liền với việc các tổ chức đoàn thể quần chúng được thành lập, đi vào hoạt động nền nếp. Đến nay, sau 5 năm, chi bộ đã bồi dưỡng kết nạp được nhiều đảng viên mới, nâng đảng số của chi bộ lên 30 đảng viên.

Bệnh viện có nhiều tấm gương đảng viên được đánh giá cao như bác sĩ Chủ nhiệm khoa chẩn đoán hình ảnh Nguyễn Đức Vạn; bác sĩ Hải Đường, Đào Hữu Tiến, Nguyễn Đức Thắng hay dược sĩ Phùng Văn Trung... Có được thành quả đó một phần từ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động thông qua triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương của Bác, đề cao tính gương mẫu của Ban giám đốc, đảng viên trong chi bộ.

Trong nhiều năm liền, chi ủy và lãnh đạo bệnh viện có sự trao đổi, thống nhất giải pháp, định hướng phát triển chuyên ngành; thu hút nhân sự và tạo điều kiện để nhân viên học tập nâng cao trình độ, gắn liền coi trọng giáo dục nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ và kỷ luật công tác. Từ hoạt động, vai trò lãnh đạo của chi bộ, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên của bệnh viện, tính tổ chức và kỷ luật của đội ngũ nhân viên y tế nơi đây không ngừng nâng cao. Đó là nhân tố quan trọng nâng cao y đức, tính kỷ luật nghiêm minh đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, tạo nên uy tín của Bệnh viện đa khoa Sông Thương.

Bài, ảnh: THỤY ANH và VIỆT CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/36579002-benh-vien-%E2%80%9Cba-khong%E2%80%9D.html