Bệnh viện Bạch Mai: Phát hiện 2 ca viêm phổi nặng do nghi nhiễm cúm gia cầm

Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tại Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác vì đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, có tỷ lệ tử vong cao.

Hai trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1 vừa nêu đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm sâu. Trước đó, các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương và cơ sở y tế tiếp nhận điều trị hai bệnh nhân đã tiến hành khử trùng môi trường và đang theo dõi sức khỏe của những người tiếp gần xúc gần với hai người bệnh này.

Với người chăn nuôi, cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y để tránh vi rút cúm gia cầm. (Ảnh: Minh Khuê).

Với người chăn nuôi, cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y để tránh vi rút cúm gia cầm. (Ảnh: Minh Khuê).

Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tuần tới sẽ có kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kết luận hai ca bệnh viêm phổi nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai có phải nhiễm cúm AH5N1 hay không.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 thường từ gia cầm lây sang người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh, qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.

Biểu hiện của bệnh thường là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ… Bệnh thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Tại Việt Nam, trước đó đã từng ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 tại một số hộ gia đình. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm và không để lây truyền dịch bệnh sang người.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm sang người trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc. Bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/benh-vien-bach-mai-phat-hien-2-ca-viem-phoi-nang-do-nghi-nhiem-cum-gia-cam-87042.html