Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cứu sống nhiều ca bệnh nguy hiểm

Trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội, do đặc thù công việc, các thầy thuốc luôn sẵn sàng cấp cứu và điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Từ xuất huyết não...

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) vừa điều trị thành công cho bệnh nhân Đ.V.T (nam, 65 tuổi, ở Ninh Bình) bị xuất huyết não - não thất nặng bằng phương pháp dẫn lưu máu tụ trong não ra ngoài.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp điều trị không thường xuyên. Ngày 19/3, bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ được chẩn đoán bị xuất huyết não - não thất và chuyển lên tuyến trên. Bệnh nhân được điều trị theo hướng bảo tồn, sau đó chuyển về Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp tiếp tục theo dõi. Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân diễn tiến nặng dần lên, tri giác giảm, chụp CT sọ não cho thấy hình ảnh chảy máu tăng lên.

Tiên lượng tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa và quyết định phẫu thuật dẫn lưu máu tụ trong não thất ra ngoài vào ngày 24/3. Sau phẫu thuật ngày thứ 10, bệnh nhân được rút dẫn lưu và máy thở. Hiện tại, tình trạng người bệnh ổn định, tri giác tiến triển tốt, dự kiến cuối tuần này sẽ được xuất viện.

Theo các bác sĩ, xuất huyết não là một dạng đột quỵ (tai biến mạch máu não) nguy hiểm, chiếm tỉ lệ 15% các trường hợp đột quỵ nhưng tỉ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề như rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác, tàn phế... Xuất huyết não có thể điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật mở hộp sọ lấy máu tụ, giải tỏa chèn ép não...

Với phương pháp phẫu thuật dẫn lưu não thất và khối máu tụ trong não sẽ kiểm soát tốt các nguy cơ trong và sau mổ, giảm thể tích khối máu tụ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và giảm thiểu các di chứng do bệnh lý.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật dẫn lưu máu tụ trong não thất ra ngoài cứu bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật dẫn lưu máu tụ trong não thất ra ngoài cứu bệnh nhân.

Đến ca sản khoa khó

Sản phụ 31 tuổi, nhập Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trong tình trạng thai 37 tuần, chảy máu âm đạo rất nhiều, ối phồng, tim thai dao động mạnh, có tiền sử 2 lần đẻ thường. Xác định đây là ca khó, kíp trực nhanh chóng khám, tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ cấp cứu lấy thai, hồi sức sơ sinh.

Tuy nhiên, khi lấy bánh rau ra khỏi buồng tử cung, kíp mổ phát hiện đây là trường hợp dây rau bám ở mép dưới của bánh rau, trong khi bánh rau bám thấp ở mặt sau tử cung và chảy máu rất nhiều ở đoạn dưới tử cung. Khâu cầm máu và dùng thuốc tăng co cơ tử cung không có kết quả nên buộc phải cắt tử cung bán phần thấp để cứu sống bệnh nhân.

ThS.BS Phan Đức Long - Trưởng kíp trực cho biết, dây rau bám mép là trường hợp khá hiếm gặp trong quá trình mang thai (gặp ở khoảng 7% các thai phụ) và rất khó phát hiện vì không có triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp này chỉ có thể phát hiện sớm trên siêu âm khi thai từ 18 đến 20 tuần bằng cách xác định vị trí bám của gốc dây rốn.

Sau ca mổ cấp cứu lấy thai, hiện tình trạng sức khỏe của cả 2 mẹ con sản phụ đã khỏe mạnh hoàn toàn.

ThS.BS Phan Đức Long khuyên các thai phụ nên khám thai đều đặn theo lịch hẹn hoặc các mốc thời gian của thai kỳ nhằm được tư vấn và chăm sóc, điều trị kịp thời.

Phạm Hiệp

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-ca-benh-nang-duoc-cuu-song-tai-y-te-co-so-giam-tai-cho-tuyen-tren-n172038.html