Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đầu độc môi trường đến bao giờ?

Mỗi ngày, có khoảng 500m3 nước thải từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương xả trái phép ra môi trường.

 Trạm xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã sử dụng hàng chục năm theo công nghệ cũ (CN2000) đã lạc hậu, do đó không xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Ảnh: Minh Phúc.

Trạm xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã sử dụng hàng chục năm theo công nghệ cũ (CN2000) đã lạc hậu, do đó không xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Ảnh: Minh Phúc.

Hệ thống máy móc trạm xử lý nước thải cũ, ngâm nước 10 năm không hoạt động

Tháng 6/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã bị Tổng cục Thủy lợi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 triệu đồng và yêu cầu chấm dứt ngay việc xả thải trái phép vào hệ thống thoát nước của thành phố Hải Dương, đổ vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương vẫn tiếp diễn hành vi vi phạm pháp luật thủy lợi và chưa khắc phục được hậu quả.

Tại buổi làm việc với đoàn liên ngành gồm đại diện của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05) cùng các đơn vị liên quan vào sáng 30/12, ông Lê Quang Đức – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương thừa nhận, kể từ khi Tổng cục Thủy lợi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bệnh viện vẫn xả nước thải hàng ngày ra môi trường.

Buổi làm việc giữa đoàn liên ngành gồm đại diện Tổng cục Thủy lợi và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05) với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Theo ông Lê Quang Đức, “Năm 2018 Bệnh viện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường ASENCO để triển khai khắc phục”. Tuy nhiên, báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho thấy hệ thống điện, máy móc và các thiết bị của trạm xử lý nước thải hoạt động chưa ổn định. Các máy bơm đôi lúc không hoạt động hoặc bị quay ngược chiều; các máy thổi khí chìm tại 3 bể điều hòa thi thoảng bị nghẹt, bị dừng hoạt động; bơm định lượng hóa chất (bơm định lượng hóa chất PAC là hóa chất trợ lắng) bị tắc, không hoạt động được.

Các số liệu quan trắc mẫu nước thải sau khi xử lý từ 1/10/2018 đến nay vẫn còn chỉ số vượt ngưỡng. Cụ thể, chỉ số NH4+-N vẫn thường gấp 2,1 đến 3,4 lần so với Quy chuẩn 28 về nước thải y tế . Chỉ số Ni tơ tổng quan trắc tại các thời điểm từ quý IV/2018 đến Quý II/2019 vượt ngưỡng cho phép từ 1,18 đến 1,6 lần.

Cán bộ C05 lấy mẫu nước tại hố ga hệ thống nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để mang đi phân tích, kiểm định chất lượng. Ảnh: Minh Phúc.

Lý do được Bệnh viện đưa ra là: Do hệ thống máy móc đã cũ, ngâm trong nước gần 10 năm không hoạt động nên việc sửa chữa, khắc phục có nhiều khó khăn, phức tạp nên không thể hoạt động được ổn định ngay sau khi sửa chữa, khắc phục.

Bên cạnh đó, trạm xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương được thiết kế có công suất 500m3/ngày đêm, phù hợp với tiêu chuẩn 500 giường bệnh của bệnh viện tại thời điểm năm 2008. Hiện nay số giường bệnh của bệnh viện hiện nay đã lớn hơn gấp 2 lần so với thiết kế ban đầu nên hàm lượng ni tơ và amoniac cao, khó xử lý để đạt được dưới ngưỡng cho phép bằng công nghệ hiện hữu.

Ông Lê Quang Đức – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Phúc.

Đặc biệt, cho đến nay, Sở Xây dựng Hải Dương chưa chấp thuận nghiệm thu dự án khắc phục, sửa chữa trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Yêu cầu bệnh viện dừng ngay việc xả nước thải ra môi trường

Đoàn công tác liên ngành của C05 và Tổng cục Thủy lợi đã kiểm tra thực tế tại khu vực trạm bơm; đồng thời lấy mẫu nước tại một số hố ga trong hệ thống thoát nước thải của bệnh viện để phục vụ quá trình phân tích, kiểm nghiệm chất lượng.

Tại kho hóa hóa chất xử lý nước thải của bệnh viện không được vệ sinh, số lượng hóa chất còn lại rất ít. Thậm chí có một số chai hóa chất chỉ ghi tiếng Anh trên bao bì, không có nhãn phụ tiếng Việt. Nhân viên phụ trách trạm xử lý nước không biết hóa chất còn hạn sử dụng hay không.

Kho chứa hóa chất xử lý nước thải nhếch nhác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Những quy chuẩn nước thải ra môi trường đã được ban hành cách đây hàng chục năm rồi. Năm 2018, Tổng cục Thủy lợi và Cục Cảnh sát Môi trường cũng đã làm việc, có xử phạt vi phạm. Thậm chí, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã ra chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng sự chuyển biến từ phía Bệnh viện chưa nhiều, còn chậm trễ trong việc xử lý”.

Tại Biên bản làm việc, đoàn liên ngành yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chấm dứt ngay việc xả nước thải trái phép vào hệ thống thoát nước của thành phố Hải Dương và đổ vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/benh-vien-da-khoa-tinh-hai-duong-dau-doc-moi-truong-den-bao-gio-d280751.html