Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM đạt chứng nhận vàng điều trị đột quỵ

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa nhận danh hiệu Chất lượng điều trị vàng của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu (ESO) tại Hội nghị Đột quỵ Châu Âu (ESOC) 2019 diễn ra ở thành phố Milan (Ý).

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là bệnh viện thứ 2 của Châu Á được vinh dự nhận danh hiệu Chất lượng điều trị vàng của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu (ESO). Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 đã đạt chứng nhận này.

Danh hiệu Chất lượng điều trị vàng là giải thưởng vinh danh của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu dành cho các Đơn vị đột quỵ, nhằm tăng cơ hội cho nhiều người bệnh đột quỵ được điều trị đúng chỗ, đồng thời nâng cao chất lượng chuyên sâu của các đơn vị đột quỵ, giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, sớm quay về cuộc sống bình thường. Chứng nhận này đòi hỏi nhiều tiêu chí, từ cấp cứu người bệnh đột quỵ, đến lúc nhập viện, điều trị giai đoạn cấp cho đến phục hồi chức năng, và giai đoạn phòng ngừa lâu dài sau khi xuất viện.

Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, để đạt được chứng nhận này, cơ sở y tế phải tổ chức và thành lập một đơn vị đột quỵ đúng chuẩn, có sự phối hợp đa chuyên khoa và đạt các tiêu chuẩn riêng của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng là tiêu chuẩn của ESO, tổng thời gian từ lúc người bệnh tới bệnh viện tới khi hoàn tất mọi việc và tiêm thuốc tan cục máu (gọi là thời gian cửa-kim) cần đạt dưới 60 phút. Đơn vị đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã đạt được thời gian cửa-kim chỉ 30 phút.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng (trái) - Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - nhận chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ tại hội nghị. Ảnh: BVCC

TS.BS Nguyễn Bá Thắng (trái) - Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - nhận chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ tại hội nghị. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Thắng, một nỗ lực khác là nâng tỉ lệ người bệnh được điều trị thông mạch từ 6% (năm 2017) lên 12% hiện nay. Tỉ lệ này không chỉ phụ thuộc vào bệnh viện, mà còn phụ thuộc vào hệ thống cấp cứu ngoại viện và kiến thức của cộng đồng. Người bị đột quỵ phải được nhận biết nhanh chóng và đưa đến bệnh viện kịp thời thì mới có thể cấp cứu hiệu quả. Thuốc tan cục máu chỉ dùng được trong vòng 4,5 giờ (4 giờ rưỡi), và can thiệp lấy huyết khối cũng chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi bệnh khởi phát.

“Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông để giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh đột quỵ nhằm nhận diện và đưa người bệnh đột quỵ tới bệnh viện kịp thời. Một khi đã đến bệnh viện, mọi người bệnh đột quỵ đều được đánh giá đầy đủ và kịp thời, minh chứng là 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chụp CT hoặc MRI não trong 60 phút đầu tiên, hầu hết là trong vòng 15 phút”, bác sĩ Thắng cho biết thêm.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, danh hiệu đã khẳng định chất lượng điều trị đột quỵ của nước ta tương đương các nước phát triển như ở Châu Âu. Mục tiêu tiếp theo của Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là nâng tỉ lệ người bệnh được điều trị thuốc tan cục máu và can thiệp thông mạch lên trên 15% và hơn nữa, đồng thời rút ngắn thời gian cửa-kim trung bình dưới 30 phút với 100% người bệnh được điều trị trong thời gian cửa-kim dưới 60 phút.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/benh-vien-dh-y-duoc-tphcm-dat-chung-nhan-vang-dieu-tri-dot-quy-post59886.html