Bệnh viện nhi TW xin lỗi, có thể truy cứu hình sự nhóm bảo vệ?

Với hành vi cản trở, lạm quyền của nhóm bảo vệ đối với xe cứu thương chở bệnh nhân về quê thì ngoài việc bị đình chỉ công việc, họ còn phải chịu chế tài, hình phạt nào?

Hành động cản trở xe cứu thương chở bệnh nhân đang hấp hối của nhóm bảo vệ ở Bệnh viện nhi Trung Ương đang gây phẫn nộ trong dư luận nhiều ngày qua. Nhiều người cho rằng, việc làm này là không thể chấp nhận được, nhất là khi gia đình cháu bé đang chịu nỗi đau mất người lại phải gặp cảnh sách nhiễu vô lý như vậy.

Để kịp thời xử lý thông tin , ngày 6/7/2016 Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương phối hợp với các bên liên quan kiểm tra thông tin báo nêu, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Văn phòng Bộ chậm nhất ngày 15/7/2016.

Ngay sau đó, bệnh viện này đã có văn bản phản hồi, trong đó nói rõ việc đình chỉ e kíp bảo vệ đã ngăn cản xe cứu thương đưa bệnh nhận về Nghệ An. Đồng thời, bệnh viện này cũng gửi lời chia sẻ sự mất mát và bức xúc với gia đình người bệnh sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên.

Hình ảnh nhóm bảo vệ ra ngăn cản xe cứu thương (ảnh cắt từ clip).

Tuy nhiên, dường như những động thái có phần chậm trễ của Bệnh viên nhi Trung Ương mới đây đã không soa dịu được làn sóng bức xúc từ phía dư luận. Bởi lẽ trước đó, chính Phó giám đốc bệnh viện này đã vội vã kết luận rằng: Không có việc bảo vệ ngăn cản xe ô tô cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân như trên mạng lan truyền.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là với hành vi cản trở, lạm quyền của nhóm bảo vệ thì ngoài việc bị đình chỉ công việc, họ còn phải chịu chế tài, hình phạt nào?

Chia sẻ với PV báo điện tử Người đưa tin, nhận định về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm: Theo dõi clip thì thấy sự uất ức của gia đình bệnh nhân vì cho rằng bảo vệ bệnh viện ngăn cản không cho xe cứu thương chở bệnh nhân ra ngoài... khiến nhiều người cũng bức xúc theo.

Theo luật sư Cường, về nguyên tắc thì bảo vệ bệnh viện có trách nhiệm duy trì an ninh, trật tự tại bệnh viện, họ có quyền kiểm tra giấy tờ khi ra vào viện.

Những trường hợp mang bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em) trước đó đã nhập viện điều trị ra khỏi viện thì phải có giấy tờ của bệnh viện về việc chuyển viện, xuất viện...

Trường hợp này, việc bảo vệ bệnh viện kiểm tra giấy tờ xuất viện của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đó khi ra khỏi cổng bệnh viện là đúng thủ tục để tránh trường hợp trốn viện hoặc các trường hợp khác như bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em... cũng vì mục đích bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân và lợi ích chung của cộng đồng.

"Nhưng nếu khi xe cứu thương hoặc các xe tư nhân trở bệnh nhân ra khỏi bệnh viện đã xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh họ được ra viện, chuyển viện... mà bảo vệ vẫn không cho ra, cản trở việc vận chuyển bệnh nhân vì lý do vô lý thì hành vi này rõ ràng là trái quy định pháp luật .

Nếu việc ngăn cản trái phép bệnh nhân chuyển viện, xuất viện dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng (chết người) thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những người có hành vi ngăn cản đó...

Nếu hành vi ngăn cản đó còn vì mục đích vụ lợi khác thì hành vi này cũng phải bị xử lý trước pháp luật", luật sư Cường nêu rõ.

Cũng nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng, Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng nói: Theo dõi clip thì việc người dân bức xúc là điều đương nhiên. Song với hành vi cản trở của bảo vệ khó có thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi cản trở gây rối trật công cộng.

Để chấm dứt vụ việc tương tự có thể xảy ra thì bệnh viện nhi Trung Ương cần công khai dịch vụ xe cấp cứu, đồng thời nghiêm cấm việc bảo vệ cản trở xe bên ngoài đưa rước bệnh nhân, chuyện bệnh nhân, quy định rõ những giấy tờ cần thiết khi chuyển người ra khỏi viện.

Nhất Phiến - Hằng Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/benh-vien-nhi-tw-xin-loi-co-the-truy-cuu-hinh-su-nhom-bao-ve-a249086.html