Bệnh viện Quân y 211: Đột phá về chuyên môn kỹ thuật

Để làm chủ và sử dụng có hiệu quả các phương tiện máy móc hiện đại, ba năm qua, Bệnh viện Quân y 211, Cục Hậu cần, Quân đoàn 3 đã nâng cao năng lực quản lý, tạo đột phá về kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, 'bắt con bệnh' cho bà con, thực sự là địa chỉ tin cậy của quân và dân trên địa bàn.

Đại tá Lê Mạnh Hùng, Chính ủy Bệnh viện Quân y 211 cho biết: Cách đây 54 năm, ngày 31-12-1965, Bệnh viện Quân y 211 được thành lập. Sinh ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, sống giữa lòng dân, hằng ngày tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, những ca bệnh hiểm nghèo, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 đã ý thức rõ tình cảm, trách nhiệm của mình đối với đồng đội và bà con đồng bào ruột thịt. Để thực sự là địa chỉ tin cậy trong công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, Ban giám đốc bệnh viện đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp. Ngoài phát huy dân chủ tập thể, trí tuệ cá nhân, nâng cao năng lực quản lý, tạo đột phá về kỹ thuật, trình độ chuyên môn, đơn vị còn làm tốt công tác giáo dục nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ bệnh nhân cho các thầy thuốc. Thực hiện văn hóa công sở, đổi mới về kỹ năng giao tiếp, đề cao tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bằng thái độ niềm nở, thân mật.

 Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị đứt lìa chân.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị đứt lìa chân.

Xác định mục tiêu chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn là tôn chỉ, mục đích, là hành động và nhiệm vụ của người thầy thuốc, Bệnh viện Quân y 211 đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, như: Hệ thống cộng hưởng từ 1,5T Magnetom Essenza, máy siêu âm đàn hồi mô, hệ thống chụp CT Scanner 64 lát cắt, máy xét nghiệm huyết học thế hệ mới phân tích đầy đủ 5 thành phần bạch cầu, xét nghiệm tầm soát ung thư… Cùng với đó, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp đào tạo, khuyến khích tinh thần tự học tập, nên đội ngũ y bác sĩ đã làm chủ các kỹ thuật nội-ngoại khoa, gồm: Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm, cắt u xơ tiền liệt tuyến qua niệu đạo, phẫu thuật thần kinh sọ não... Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ ở đây đã thực hiện thành công kỹ thuật nối chi thể đứt rời cho hơn 100 bệnh nhân. Chỉ năm 2019, các bác sĩ đã nối ghép thành công 17 ca bệnh bị đứt rời cẳng chân, cổ tay, đem đến niềm vui cho người bệnh khỏi bị tàn phế.

Khám bệnh cho nhân dân tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Không giấu được niềm vui khi bàn chân của mình bị đứt do tai nạn được phẫu thuật và nối ghép thành công, anh Nay Kô, trú tại làng Hrai, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện chia sẻ: Nhờ các bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 phẫu thuật kịp thời, nên bàn chân của tôi đã “sống lại”. Tôi đã hết tàn phế. Tôi thật sự cảm ơn các y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 211.

Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Quân y 211 đã khám bệnh cho gần 110.000 lượt người; nhận điều trị 27.825 lượt bệnh nhân; phẫu thuật thành công cho 9.859 ca; tiếp nhận cấp cứu và cứu sống hơn 340 bệnh nhân bị tai nạn và các bệnh hiểm nghèo, được bà con đồng bào các tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tin tưởng, đánh giá cao.

Cùng với việc tập trung khám chữa bệnh cho quân, dân, Bệnh viện Quân y 211 còn tổ chức các đội công tác về các thôn làng ở Chư Sê, Đắc Đoa, để thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.150 lượt người. Trở về từ một chuyến công tác cơ sở, Thượng tá Đỗ Văn Nguyên, Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 211 khẳng định: Ngay từ buổi đầu thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, y bác sĩ đơn vị đã xác định, nghề y là một nghề đặc biệt. Bệnh nhân lúc đến thường đau ốm, nhăn nhó, cọc cằn… khi có được nụ cười vui vẻ cũng là lúc họ lành bệnh, ra về. Cái quý nhất còn đọng lại mãi là tình cảm quân dân, tình cảm đồng đội, niềm hạnh phúc của người thầy thuốc.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/benh-vien-quan-y-211-dot-pha-ve-chuyen-mon-ky-thuat-606498