Bệnh viện Thẩm mỹ Emacs: Sử dụng bác sĩ dùng chứng chỉ 'dởm' để phẫu thuật hút mỡ, cắt da bụng cho phụ nữ mang thai

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bệnh viện thẩm mỹ Emcas ( địa chỉ 14/27 Hoàng Dư Khương, Phường 12, Quận 10, TPHCM) liên tục xảy ra những sự việc nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas

Nối tiếp những sự việc đau lòng

Dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ việc nữ khách hàng tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas dưới bàn tay của bác sĩ Đinh Viết Hưng. Mới đây, Bệnh viện Emcas và bác sĩ Đinh Viết Hưng tiếp tục bị chính khách hàng của mình tố cáo khi đã gây mê sâu và tiến hành phẫu thuật hút mỡ vùng bụng, lưng, vai, bắp tay trên hai cánh tay, đồng thời cắt da bụng, tạo hình thành bụng cho một phụ nữ mang thai.

Theo đó, chị Đ.T.N.A. (28 tuổi) từ Hà Nội vào TPHCM hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Sophie International (phường Tân Định, Quận 1). Tại thẩm mỹ viện Sophie International, chị N.A được một người tên Khoa tư vấn các dịch vụ đại phẫu và chỉ định qua Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas để làm phẫu thuật.

Ngày 27/09/2019, tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, các bác sĩ khám tổng quát và kết luận chị N.A. đủ điều kiện để phẫu thuật. Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 28/9/2019, chị N.A. được căng da bụng, hút mỡ vùng lưng, vai, nách, bắp tay trên 2 cánh tay, cắt da bụng, nối lại dây chằng ở vùng bụng. Sau 2 ngày phẫu thuật, chị N.A được xuất viện được hẹn tái khám sau 1 tháng.

Sau phẫu thuật, chị N.A. có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, khó thở và các biểu hiện này ngày càng nặng hơn. Đến ngày 24/10, nhận thấy tình hình sức khỏe không cải thiện, gia đình đã đưa chị N.A. đi khám tại 1 bệnh viện tư ở Hà Nội. Tại đây, bác sĩ thông báo chị mang thai được 8 tuần, nghĩa là tại thời điểm thực hiện phẫu thuật hút mỡ bụng, chị đã mang thai được 4 tuần.

Ngày 28/10, chị N.A. tiếp tục đến một bệnh viện tư ở TPHCM để kiểm tra. Sau khi kiểm tra bác sĩ kết luận chị N.A. có một thai sống trong tử cung, tuổi thai là 8 tuần và dự sinh vào tháng 06/2020.

Phía gia đình cho biết thêm, chị N.A. đã được đưa đi thăm khám tại bệnh Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội). Tại đây, bác sĩ tư vấn không thể giữ được thai nhi bởi lẽ khi thai phát triển đến tháng thứ 4, vùng bụng lớn lên và lớp mỡ bị hút đã bị cắt bỏ lớp da, bụng nên không còn độ đàn hồi. Hiện tại, theo thông tin từ phía người nhà, sức khỏe của chị N.A. có chiều hướng xấu.

Bác sĩ “dởm” hành nghề tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas

Sản phụ được tiến hành hút mỡ nhiều vị trí và cắt thành bụng ngay tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas. Thế nhưng, theo thông cáo báo chí được Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, bệnh viện này vẫn khẳng định quá trình xét nghiệm và tiền phẫu theo đúng quy định của bệnh viện và hướng dẫn của Thông tư 49/2018– BYT hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Cụ thể, Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas cho rằng bệnh viện đã tiến hành siêu âm bụng, khảo sát lòng tử cung và không thấy túi thai.

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas cho biết, khách hàng N.A là khách hàng do bác sĩ Đinh Viết Hưng là người trực tiếp phẫu thuật. Bác sĩ Hưng cũng chính là người trực tiếp thực hiện ca nâng ngực cho chị V.N.A.T (33 tuổi) và sau đó nạn nhân đã tử vong vào ngày 17/10.

Bác sĩ Đinh Viết Hưng – người trực tiếp phẫu thuật cho thai phụ

Theo Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, bác sĩ Đinh Viết Hưng có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ và có hợp đồng hợp tác chuyên môn với bệnh viện từ năm 2016. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã kết luận bác sĩ Đinh Viết Hưng đang giả mạo giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngày 22/10/2019, Thanh tra Sở Y tế TPHCM gửi Văn bản số 1572/TTr tới Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đề nghị xác minh thông tin người hành nghề đối với ông Đinh Viết Hưng (sinh năm 1975, quê Nghệ An, ngụ tại phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, TPHCM).

Quyết định giả mạo mà bác sĩ Đinh Viết Hưng sử dụng để hành nghề

Sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề, xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh, ông Nguyễn Mạnh Dũng- Chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ của các cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề, xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh không có hồ sơ Đinh Viết Hưng. Đặc biệt, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định, con dấu của Sở Y tế Đồng Nai và chữ ký của đồng chí Giám đốc Sở trong tờ Chứng nhận khám, chữa bệnh chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ của bác sĩ Đinh Viết Hưng là hoàn toàn giả mạo.

Tại sao khi xảy ra những vụ việc thương tâm, Sở Y Tế TPHCM mới phát hiện ra sự bác sĩ “dởm”? Còn bao nhiêu bác sĩ “dởm” như bác sĩ Hưng đang hành nghề tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas? Những hệ lụy của vấn đề này là gì? Sở Y tế TPHCM đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa? Có hay không việc buông lỏng quản lý?

Thu Hiền

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/benh-vien-tham-my-emacs-su-dung-bac-si-dung-chung-chi-dom-de-phau-thuat-hut-mo-cat-da-bung-cho-phu-nu-mang-thai-27300.html