Bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư ở TP.HCM quá tải

Được kỳ vọng giảm áp lực điều trị ung thư cho cơ sở 1, nay Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở TP Thủ Đức lại rơi vào tình trạng quá tải.

 Bệnh nhân đang được xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bệnh nhân đang được xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trao đổi với Tri thức - Znews, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết cả hai cơ sở của bệnh viện này đang xảy ra tình trạng quá tải.

Mỗi ngày, ở cả hai cơ sở của Bệnh viện Ung bướu tiếp nhận 4.800 người đến khám. Trong đó, bệnh nhân ở các tỉnh chiếm 84,5%, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh viện hiện có 950 bệnh nhân nội trú.

Áp lực quá tải rơi vào nhóm bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú. Mỗi ngày, trung bình các bác sĩ tại đơn vị này phải xử lý 550 lượt hóa trị, 780 lượt xạ trị.

Tuy nhiên, đến nay, số lượng bệnh nhân chờ phải phẫu thuật đã xếp vào một danh sách dài. Bệnh nhân phẫu thuật phải chờ khoảng 3-4 tuần, xạ trị chờ khoảng 4-6 tuần. Số ca phẫu thuật trung bình trong một tuần dao động khoảng 350-400 ca.

"Hiện bệnh viện có 13 máy xạ trị gia tốc, dù làm hết công suất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh", TS Thịnh chia sẻ.

 Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) với kinh phí đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, công suất 1.000 giường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) với kinh phí đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, công suất 1.000 giường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Điều đáng nói, cơ sở 2 của bệnh viện được xây dựng với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 và phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lân cận. Nhưng chỉ một năm từ khi chính thức đưa vào hoạt động, cơ sở này cũng rơi vào quá tải. Số bệnh nhân đến khám ở đây tăng so với cơ sở 1 từ 5-10%.

Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng nhấn mạnh bệnh viện luôn ưu tiên chăm sóc, tiếp nhận và điều trị người bệnh tốt nhất và đã sớm đưa ra giải pháp để kéo thời gian chờ của người bệnh ít nhất có thể.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh cũng cho hay không thể dựa vào tình trạng quá tải này mà đánh giá người bị ung thư đang tăng ở Việt Nam. Dựa vào số liệu của chương trình ghi nhận ung thư được thực hiện ở nhiều thành phố, ông dự báo mỗi năm tỷ lệ ung thư ở nước ta tăng thêm 5%.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tuyến cuối phía Nam trong điều trị ung thư. Cơ sở 2 của bệnh viện tại TP Thủ Đức với kinh phí đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, công suất 1.000 giường, được đưa vào hoạt động một phần từ năm 2021, nhưng rất ít bệnh nhân.

Đến tháng 4/2023, cơ sở này chính thức hoạt động toàn đơn vị, người dân khắp nơi đổ về đây khám và điều trị tăng cao.

Hiện 1.700 nhân viên y tế của cả hai cơ sở phải làm việc liên tục. Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ có bác sĩ khám xuyên trưa, không thể nghỉ ngơi vì bệnh nhân còn chờ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/benh-vien-tuyen-cuoi-dieu-tri-ung-thu-o-tphcm-qua-tai-post1475767.html