Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương thành lập đơn vị Đột quỵ - trực thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu

Trong bối cảnh tình trạng đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa, thực hiện chủ trương 'kết hợp hai nền y học trong hồi sức cấp cứu nội khoa và điều trị bệnh nhân đột quỵ não cấp để mang lại lợi ích tốt hơn cho bệnh nhân', BV YHCT TW đã quyết định thành lập Đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Hồi sức cấp cứu.

Khoa Hồi sức cấp cứu-BV YHCT TW được thành lập ngày 01/6/2005, đây là khoa Hồi sức cấp cứu đầu tiên và duy nhất trong hệ thống các Bệnh viện YHCT trên toàn quốc. Kể từ khi thành lập đến nay khoa đã cấp cứu và điều trị hơn 10 ngàn bệnh nhân, triển khai toàn diện nhiều kỹ thuật cấp cứu và điều trị các bệnh nặng như: đột quỵ não, suy tim, suy hô hấp nặng, rối loạn chuyển hóa, nước và điện giải,...

PGS. TS. Vũ Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV YHCT TW trao quyết định thành lập đơn vị đột quỵ cho BSCKII. Lê Văn Sĩ - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu.

Khoa Hồi sức cấp cứu đã thường xuyên đón nhận cấp cứu và hồi sức tích cực nội khoa nói chung, trong đó tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não cấp và phục hồi cho các bệnh nhân sau đột quỵ não cấp, sau chấn thương sọ não từ các bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, BV 108, BV Hữu nghị, BV Lão khoa trung ương….

Để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng cao và chuyên sâu cho nhân dân, việc phát triển mở rộng khám, điều trị bệnh đột quỵ não là thật sự cần thiết.

Việc thành lập Đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Hồi sức cấp cứu thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương giúp hoàn thiện nâng cao năng lực cho hệ thống khám chữa bệnh của Bệnh viện cũng như góp phần giảm tải cho các chuyên khoa, bệnh viện khác trong việc khám và điều trị đột quỵ não.

Chụp ảnh lưu niệm tại lễ công bố Đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Hồi sức cấp cứu thuộc BV YHCT TW

Phát biểu tại buổi lễ, BSCKII Lê Văn Sĩ – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Trưởng Đơn vị Đột quỵ cho biết: Đột quỵ não hay tai biến mạch não nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch, ung thư và là nguyên nhân hàng đầu để lại di chứng tàn tật. Chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ não là vấn đề rất quan trọng, góp phần giảm thiểu tỉ lệ tử vong và tàn tật cho người bệnh bị đột quỵ.

Trước yêu cầu cấp bách trên, với chủ trương "kết hợp hai nền y học trong hồi sức cấp cứu nội khoa và điều trị bệnh nhân đột quỵ não cấp để mang lại lợi ích tốt hơn cho bệnh nhân", bệnh viện đã quyết định thành lập Đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Hồi sức cấp cứu. Để thành lập đơn vị đột quỵ, bệnh viện có quá trình chuẩn bị công phu, xây dựng đội ngũ nhân lực cùng với hệ thống những thiết bị hiện đại dành cho chẩn đoán và can thiệp – BS Lê Văn Sĩ nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, các bệnh nhân đột quỵ cấp và bán cấp đã và đang được điều trị tại các khoa phòng trong bệnh viện và tại khoa Hồi sức cấp cứu. Các bệnh nhân được điều trị chủ yếu bằng thuốc y học hiện đại và bằng Y học cổ truyền, sử dụng thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt …, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại thực sự cho hiệu quả cao, bệnh nhân trong và ngoài nước rất tín nhiệm. Số lượng người bệnh đến khám và điều trị các bệnh đột quỵ và sau đột quỵ, tại bệnh viện ngày càng tăng.

Một số hình ảnh tại Đơn vị Đột quỵ - BV YHCT TW

Cho đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị nội trú cho rất nhiều bệnh nhân đột quỵ cấp và bán cấp, phục hồi di chứng sau đột quỵ đồng thời nghiên cứu, ứng dụng rất nhiều các bài thuốc Y học cổ truyền, các liệu pháp Y học cổ truyền và kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại trong điều trị sau đột quỵ cấp, cụ thể:

- Giai đoạn cấp tính: cần kết hợp đông, tây y điều trị sớm, hạn chế những biến chứng nguy hiểm

- Giai đoạn hồi phục và di chứng: cần điều trị tổng hợp, đề phòng bệnh tái phát. Tổng hợp các liệu pháp điều trị như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, luyện tập, khí công dưỡng sinh, chế độ ăn uống, tránh căng thẳng tâm lý.Tuy nhiên, với cơ cấu như hiện tại, việc khám chữa bệnh đột quỵ tại Bệnh viện còn tồn tại một số những khó khăn :Về cơ cấu tổ chức hiện nay các bệnh nhân vẫn đang được chẩn đoán và điều trị tại nhiều khoa trong bệnh viện.Thêm vào đó, do chưa có cán bộ phụ trách riêng biệt về khám chữa đột quỵ nên việc khám chữa vẫn chưa thật sự chuyên sâu, chưa có khoa phòng điều trị riêng nên chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và mở rộng, phát triển trong tương lai. Nhiều bệnh nhân chưa được phát hiện và xử trí kịp thời trong giai đoạn cấp nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị, tiên lượng, và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại đang có chiều hướng gia tăng, trẻ hóa, chuyển biến phức tạp, cần đòi hỏi về một đội ngũ chuyên sâu, tâm huyết, khám chữa tập trung để đáp ứng với nhu cầu ngày càng đông bệnh nhân, và có những phác đồ điều trị chuyên sâu, linh hoạt đối với các dạng của bệnh lý này.

Phạm Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-y-hoc-co-truyen-trung-uong-thanh-lap-don-vi-dot-quy-truc-thuoc-khoa-hoi-suc-cap-cuu-169230602203635826.htm