Benzen thầm lặng gây hại sức khỏe người dùng như thế nào?

Theo các chuyên gia, benzen là hóa chất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người có thể gây ung thư, ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng tới não bộ.

Tại Canada, một số sản phẩm dầu gội khô dạng bình xịt nhãn hiệu Dove, TRESemmé và Bed Head của Công ty Unilever chứa hàm lượng benzene bị thu hồi vì chứa chất gây ung thư.

Theo Bộ Y tế Canada thông báo Công ty Unilever tự nguyện thu hồi một số lô sản phẩm dầu gội khô dạng bình xịt của nhãn hiệu Dove, Tresemmé và Bed Head do liên quan đến hàm lượng benzene (chất có thể gây ung thư) trong sản phẩm dưới dạng vết, mặc dù nghiên cứu độc lập cho thấy việc tiếp xúc với benzene với mức nồng độ vết phát hiện tại các lô sản phẩm này chưa ghi nhận có ảnh hưởng sức khỏe.

Theo Unilever Việt Nam, việc thu hồi chỉ áp dụng với sản phẩm dầu gội khô dạng bình xịt được sản xuất trước tháng 10/2021 tại thị trường Mỹ và Canada, vì mục đích cẩn trọng.

Việc thu hồi là tự nguyện và không chịu ảnh hưởng bất kỳ quyết định hay lệnh cấm của cơ quan quản lý sở tại. Đại diện của Unilever Việt Nam khẳng định các sản phẩm của doanh nghiệp đều được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho tới thành phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế và các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Được biết, từ năm 2019 và năm 2020, Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam có công bố 3 sản phẩm dầu gội khô (TRESemme Fresh & Clean Dry Shampoo; TRESemme Volumizing Dry Shampoo và Dove Invisible Dry Shampoo) sản xuất tại Mỹ.

Từ năm 2020, công ty đã ngừng nhập khẩu, phân phối sản phẩm Dove Invisible Dry Shampoo và từ tháng 9/2021 đã ngừng phân phối sản phẩm TRESemme Fresh & Clean Dry Shampoo, TRESemme Volumizing Dry Shampoo.

Không riêng gì sản phẩm của Unilever, năm 2021, P& G cũng đã thu hồi hơn 30 sản phẩm chăm sóc tóc dạng xịt, bao gồm nhiều loại dầu gội khô và dầu xả khô do sản phẩm này có thể chứa benzen. Tập đoàn này cũng đã thu hồi hơn chục sản phẩm xịt khử mùi và bình xịt nhãn hiệu Old Spice and Secret do nghi chứa benzen.

Theo PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, benzene là chất cấm có thể gây ung thư đã được ngưng sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm hay thực phẩm.

Việc sản phẩm tồn dự benzene, PGS Côn cho rằng khi sản xuất có thể thành phần Carboxybenzene và dracylic acid.

Theo PGS Côn, benzen là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H6. Benzen là một hydrocacbon thơm, trong điều kiện bình thường là một chất lỏng không màu, mùi dịu ngọt dễ chịu, dễ cháy.

Trong công nghiệp, benzen là nguyên liệu tổng hợp chất hữu cơ như nitro-benzen, anilin, clorobenzen, phenol, v.v... Benzen phần lớn được dùng làm dung môi hòa tan chất mỡ, cao su, vecni; tẩy mỡ ở xương, da sơị́, vải, len, dạ, lau khô, tẩy mỡ các tấm kim loại và dụng cụ có bám bẩn chất mỡ. Benzene có trong thành phần các chất dùng để chế tạo vật dụng bằng nhựa plastic, cao su, nilông và các loại sợi tổng hợp.

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, benzen có thể tiếp xúc qua các đường khác nhau. Ví dụ như qua đường tiêu hóa, qua da và đường hô hấp. Khi tiếp xúc với lượng benzen cao trong không khí, khoảng một nửa lượng benzen hít vào đi qua niêm mạc đường hô hấp và đi vào máu.

Trường hợp bạn tiếp xúc với benzen trong thực phẩm hoặc đồ uống, hầu hết benzen đưa vào qua miệng đều đi qua lớp niêm mạc của đường tiêu hóa và đi vào máu.

Tiếp xúc với benzen qua các loại mỹ phẩm thì một lượng nhỏ benzen đi vào cơ thể qua da và vào máu trong quá trình tiếp xúc. Benzen dính vào da thì làm da khô, ngứa, sưng đỏ. Nếu rơi vô mắt sẽ gây kích thích đau rát và tổn thương giác mạc.

PGS Côn cho biết, người ta chứng minh rằng khi tiếp xúc với benzene ở nồng độ rất cao có thể gây tử vong. Nồng độ thấp hơn có thể bị liệt, hôn mê, lú lẫn, choáng, buồn ngủ, tim đập nhanh, nặng ngực, khó thở, nôn ói.

Tiếp xúc với benzen lâu ngày ở nơi làm việc, các sản phẩm chứa benzen mà bạn không biết có thể gây ra thiếu máu, mờ mắt, tổn thương não không phục hồi. Nhiễm độc benzene rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/benzen-tham-lang-gay-hai-suc-khoe-nguoi-dung-nhu-the-nao-5004924.html