Bếp ấm của mẹ

Tôi thường tự hỏi bản thân rằng, tết ấm áp nhất là ở nơi đâu? Và cũng tự trả lời: Tết ấm áp nhất là nơi gian bếp quê của mẹ, gian bếp nho nhỏ được nấu bằng củi đầy muội than, bồ hóng. Nó gợi cho tôi những điều thật gần gũi, thân thương với hình ảnh mẹ luôn ngồi đó nấu những món ngon để đợi con về. Ngày tết thì nỗi mong ngóng ấy lại càng rực đỏ như ngọn lửa nơi bếp củi khói cay.

Ngày tết, mẹ thường tỉ mẩn cọ rửa thật kỹ xoong nồi cho thật bóng. Mặc dù nấu bếp củi sẽ lại đen như thường nhưng mẹ bảo năm mới cái gì cũng phải sáng bóng, tinh tươm. Mẹ dọn dẹp, sắp đặt gian bếp thật gọn gàng rồi mới chuẩn bị lá dong, gạo nếp gói bánh chưng. Thường vào ngày 28, 29 tết là mẹ gói bánh chưng. Lá dong được mẹ rửa sạch sẽ, bóng lên một màu xanh mát. Tôi thường thích ngồi xem mẹ gói rồi lấy lạt giang buộc bánh. Mùi gạo nếp, đỗ xanh thơm nức lan ra cả một góc nhà. Mùi thơm ấy neo vào hồn tôi lâu lắm, nó sống dậy trong tôi mạnh mẽ những lúc xa quê đi làm...

Gian bếp củi của mẹ là ấm áp nhất mỗi dịp tết về. Năm nào cũng thế, mẹ chuẩn bị nào dưa hành, giò thủ cùng các món ngon ngày tết. Dù từng thời điểm kinh tế khác nhau nhưng những món ấy bao giờ mẹ cũng cẩn thận lựa chọn kỹ để mâm cỗ cúng tất niên và 3 ngày tết thật tươm tất. Từ gian bếp nhỏ, dưới bàn tay mẹ, hương vị tết bay lên, tỏa ra những điều thiêng liêng, vừa vặn những ân cần, chăm chút.

Hồi bé, tôi thường ngồi canh nồi bánh chưng cùng mẹ, hai má tôi đỏ lựng vì hơi lửa. Nồi bánh chưng sôi ùng ục, hương gạo nếp thơm ngạt ngào tỏa ra. Mẹ bảo, tết là dịp để người đi xa trở về, anh em, con cái đoàn viên. Hồi đó còn nhỏ, tôi chưa hiểu được những điều ấy, chỉ sau này khi xa nhà mưu sinh nơi phố thị, thấy người hàng phố tấp nập mua sắm tết, lòng tôi mới thấm câu nói của mẹ. Và ở gian bếp củi nơi quê nhà, nơi ấy có bóng dáng mẹ hì hụi gói bánh chưng, chờ mong những đứa con xa nhà lại hiện lên trong tôi thật gần, thật rõ. Mắt tôi cay xè, muốn chạy ngay về gian bếp ấy, nghe tiếng lửa cười, ngửi mùi thơm của tết, được mẹ kể chuyện xưa…

Rồi tôi cũng có gia đình riêng, phố thị không níu được chân tôi. Tôi cùng vợ con về quê nhà, nơi ấy có mẹ và gian bếp củi ấm áp tình thân. Gian bếp nay đã được xây mới, có sắm bếp gas nhưng mẹ vẫn giữ lại bếp củi. Bếp củi có lẽ là một điều thiêng liêng và mang nỗi niềm riêng của mẹ. Bếp củi đã gắn liền với mẹ từ hồi son trẻ, khi mẹ mới về làm dâu. Đó là nơi mà mẹ có thể dùng tình yêu thương của mình chăm chút cho gia đình. Có lẽ bếp củi là kỷ niệm, là tình yêu thương và bao điều sâu lắng của người phụ nữ thôn quê…

Bếp củi của mẹ luôn đỏ lửa trong những ngày tết. Với mẹ giữ lửa bếp không chỉ để gợi cảm giác ấm cúng trong những ngày đầu năm mới, mà sâu xa hơn mẹ muốn giữ lại những gì của truyền thống, của nỗi lòng những người phụ nữ Việt một đời luôn đau đáu vì gia đình, chồng con. Và hơi ấm bằng tình thương có lẽ là điều bền chặt nhất sưởi ấm tâm hồn những người con xa xứ. Với tôi, hình ảnh bếp củi luôn có bóng dáng mẹ với bao điều gần gũi thương yêu!

Lê Minh Hải

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/144330/bep-am-cua-me