Bếp ăn tình thương ở quận 9

Gần một năm nay, 'Bếp ăn tình thương' tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) quận 9 trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân nghèo, người lang thang, cơ nhỡ, người già neo đơn. Bếp ăn phục vụ từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, thu hút ngày càng nhiều tình nguyện viên, tạo thêm sự lan tỏa yêu thương...

Các tình nguyện viên chuẩn bị bữa ăn.

Bếp ăn tình thương được hình thành từ sự chung tay của Hội CTÐ cùng Hội Doanh nghiệp quận 9 và sự góp sức của nhiều người, phục vụ bà con khó khăn khoảng 100 đến 130 suất ăn suốt từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần.

Những ngày hoạt động, các tình nguyện viên Hội CTÐ quận 9 luôn có mặt từ rất sớm để cùng các thanh niên, sinh viên chuẩn bị những phần cơm chứa đựng tình yêu thương dành cho người già neo đơn, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo. Gần 10 giờ trưa, bếp ăn bắt đầu đón "khách". Một số phần cơm được cho vào hộp để các tình nguyện viên mang đến những cụ già, người khuyết tật không thể đi lại.

Chủ tịch Hội CTÐ quận 9 Phạm Thị Hương tâm sự: "Với tinh thần "nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách" của người dân thành phố nói chung và quận 9 nói riêng, bếp ăn ra đời nhằm giúp đỡ phần nào người nghèo qua được những lúc khó khăn trong cuộc sống. Bà con dùng cơm ở bếp ăn này cũng như chính bản thân mình hay người trong gia đình mình dùng, do vậy phải bảo đảm chất lượng chứ không phải làm cho có. Gạo, thức ăn đều được chúng tôi chọn lựa và kiểm tra kỹ trước khi chế biến...".

Khi biết quận 9 có bếp ăn miễn phí dành cho người nghèo, cô Ðoàn Liệp, một giáo viên đã về hưu tham gia rất nhiệt tình. Sau khi kết thúc những buổi dạy học tại nhà, cô tranh thủ qua bếp ăn để phụ giúp mọi người. Cô còn kêu gọi học sinh của mình đến
làm tình nguyện viên cho bếp ăn. "Tôi thấy bếp ăn này rất ý nghĩa. Người nghèo, người khó khăn còn nhiều lắm. Lo được cho họ một bữa ăn đầy đủ là vui lắm rồi. Thấy bà con ăn ngon miệng mình rất vui", cô Ðoàn Liệp nói.

Chia sẻ về hoạt động của "Bếp ăn tình thương", bà Phạm Thị Hương cho biết, bếp được thành lập từ tháng 10-2017, ban đầu có chừng bốn, năm tình nguyện viên tham gia, sau đó, nhiều sinh viên theo học tại các trường chung quanh cũng đến phụ bếp. Kinh phí hoạt động chủ yếu là nguồn vận động từ các nhà hảo tâm.

"Mối ruột" của bếp ăn là những người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dân lao động nghèo. Lần đầu tiên đưa con trai 9 tuổi đến đây ăn, chú Lê Hữu Dũng, chạy xe ôm, nhận xét, món ăn ở đây rất vừa miệng, bếp ăn sạch sẽ từ khay đũa, ly nước đến khay để thức ăn…

Gần 13 giờ, khi "khách hàng" đã vãn là lúc các tình nguyện viên lại cùng nhau dọn dẹp, rửa chén và lên thực đơn cho ngày hôm sau. Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, tình nguyện viên ở phường Tân Phú, quận 9 cho hay: "Tuy có hơi mệt, nhưng vui vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa".

GÀY mưa ướt át hay ngày nắng nóng oi bức, nhiều mảnh đời cơ cực, nghèo khó ít nhiều cũng nhận được sự sẻ chia từ tấm lòng thơm thảo của những người chung quanh. Mong sao tình người đẹp đẽ ấy ngày càng lan tỏa rộng rãi ở nhiều nơi khác…

Bài và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37166702-bep-an-tinh-thuong-o-quan-9.html