Bernadotte - vĩ nhân của Thụy Điển

Thụy Điển luôn luôn đứng hàng đầu trong các bảng xếp hạng thành công quy mô toàn cầu về phồn vinh kinh tế, an lành xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.

Nước Thụy Điển tí hon, thời điểm chưa tới 1,5 triệu dân, từng nuôi mộng bá vương, trước hết là thống lĩnh biển Ban tích. Tham vọng nảy sinh từ năm 1611. Chiến tranh nổ ra triền miên giữa Thụy Điển và các quốc gia láng giềng. Năm 1709, Charles XII (1682-1718) thảm bại ở Poltava trước Pierre Đại đế (1672-1725).

Một trăm năm sau trận thua đau đớn Poltava, vào năm 1809, Thụy Điển mất Phần Lan, vốn được sáp nhập vào Thụy Điển từ thế kỷ XIV. Kẻ phải chịu trách nhiệm về những thất bại chua cay, Gustave IV (1778-1837) bị phế truất. Charles XIII (1748-1818) lên ngôi. Charles XIII không có con nên giới quý tộc Thụy Điển đã bầu chọn hoàng thân trẻ tuổi Chrístian-Auguste d'Augustenborg làm người kế vị. Chẳng may, năm sau, 1810, vị vua tương lai ngã ngựa và qua đời.

Thế là chớm nở một trong những chuyện lạ chính trị kỳ thú bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Giới quý tộc Thụy Điển vẫn mơ ước lấy lại Phần Lan từ tay Nga. Không gì hơn dùng bàn tay sắt của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte (1769 - 1821). Đảng Thụy Điển thân Pháp bèn tìm cách lôi kéo một nhân vật lỗi lạc và thân cận của Napoléon, nguyên soái Jean Baptiste Bernadotte (1763-1844).

Jean-Baptiste Bernadotte khi làm Vua Thụy Điển Charles XIV Jean.

Sôi sục nhất cho việc này là nam tước Thụy Điển Carl Otto Morner (1782 - 1868), người đã kết thân với Bernadotte từ năm 1806, sau trận Lubeck khủng khiếp, qua đó, Napoléon chiếm được thành phố cảng này của Đức, yết hầu của cả lục địa già. Nam tước không thể tin rằng người chiến thắng trân trọng đầy tình người kẻ chiến bại, trong đó có các tù binh Thụy Điển. Ông được nguyên soái Pháp mời đến dùng bữa, trò chuyện nhiều về hiện trạng và tương lai của Bán đảo bắc Âu, đồng thời trả lại cho các sỹ quan Thụy Điển ngựa chiến cùng quân trang quân dụng của họ.

Morner cũng được Bernadotte tiết lộ một bí mật. Đó là năm 1809, khi Gustave IV bị lật đổ, Napoléon đã lệnh cho Bernadotte tấn công xâm chiếm Thụy Điển. Bernadotte lấy cớ trì hoãn, vì biết rằng người dân Thụy Điển và Bắc Âu sẽ tổn thương mất mát gấp bội.

Như một chuyện cổ tích, lòng nhân ái và tài điều phối công việc (hành chính và quân sự) của Bernadotte được truyền tụng trong quân đội Pháp, và lan sang cả các đội quân Thụy Điển và Bắc Âu. Đức độ và thiên tài lãnh đạo của nguyên soái Pháp vì thế được Morner và thân cận của ông coi là phù hợp với việc hóa giải rối ren bấy giờ của Thụy Điển.

Ngày 21 tháng 8 năm 1810, nghị viện Thụy Điển bầu Bernadotte làm người kế vị. Ngày 5 tháng mười hai năm ấy, vua Charles XIII nhận ông làm con nuôi. Tám năm sau, ông lên ngôi báu với tên Charles XIV Jean. Ông chủ trương lấy chung sống hòa bình và phát triển nội lực hết cỡ làm định hướng đối nội và đối ngoại của Thụy Điển. Vua cha ốm đau nhiều, nên từ năm 1811, ông điều hành mọi việc triều chính.

Ông khôn khéo từ bỏ việc đòi lại Phần Lan, bí mật giao kết với Nga, lập nên liên minh miền Bắc, gồm Nga, Thụy Điển và Phổ. Được suy tôn thống lĩnh quân đội Liên minh, ông lần lượt đánh bại quân Pháp hùng hậu ở những vị trí chiến lược, và ở Leipzig (1813), trận chiến quyết định sự cáo chung của tham vọng Hoàng đế Pháp (bằng mọi giá phải làm chúa thiên hạ).

Đáng chú ý, ông luôn luôn thuyết phục Napoléon đình chiến để sớm lập lại hòa bình. Khi Napoléon rút chạy, ông không cho quân Thụy Điển tràn vào nước Pháp. Từ đó, ông nhất quyết chọn chế độ trung lập, bảo đảm hòa bình vững chắc cho Thụy Điển suốt hai thế kỷ. Bản thân ông và triều đình Thụy Điển bấy giờ không xa hoa lãng phí. Ông và gia đình từ chối cung điện Cungliga Slottet tráng lrệ ở trung tâm Stockholm và lui về ở trong những ngôi nhà bình thường trên một hòn đảo. Ông tiết kiệm được những món tiền lớn, dành cho những việc từ thiện hay việc chung tối cần. Ông không ngừng dọc ngang khắp đất nước, gặp gỡ thần dân, thường xuyên và sẵn sàng đón tiếp họ ở cung cấm.

Biết bất cứ đâu có tai nạn hay tai họa, ông tức tốc đến hiện trường để giúp xử lý sự cố và an ủi động viên người bất hạnh. Năm 1838, một đám cháy lớn bùng lên ở một khu tây Stockholm. Dù đang đêm khuya, lại đã 75 tuổi, ông vẫn vượt đường thủy rồi đường bộ, từ nhà ông ở hòn đảo phía Đông kinh đô, sang tận chỗ giặc lửa, góp một tay cứu của và cứu người.

Không ngẫu nhiên, năm 1843, ở tuổi 80, Charles XIV Jean tổ chức ở nơi công cộng lễ kỷ niệm 25 năm trị vì của mình. Ông tâm niệm rằng lòng yêu tin của dân chúng dành cho ông mới là tất cả. Lý tưởng của ông là làm sao để đất nước vĩnh viễn thái bình, thần dân muôn đời được yên ổn làm ăn và vui sống. Ông nhận thức được rằng lý tưởng ấy chỉ thực hiện nổi với điều kiện tiên quyết là ông được thần dân ủng hộ.

Jean-Baptiste Bernadotte khi còn làm Nguyên soái của nước Pháp.

Đáng ngạc nhiên, từ thời Napoléon chuẩn bị bành trướng sang Nga và lên Bắc Âu, ông đã âm thầm nghiên cứu về những vùng đất xa lạ. Với Bắc Âu, ông phát hiện ra hai điều không thể xem thường. Một, do mùa Đông rất dài và nhà cửa quá thưa thớt và cách xa nhau, cư dân, mà phần lớn làm nông nghiệp, gắn bó với nhau vô cùng sâu nặng qua truyền thống tình làng nghĩa xóm và tương thân tương ái không gì suy suyển được. Hai, quốc giáo là Đạo Luther, mà căn cốt là sự thuần khiết của niềm tin vào Chúa và của đạo làm người. Những phong trào thức tỉnh và tiến bộ đang khuấy động đông đảo dân chúng bấy giờ càng khiến Quốc giáo thêm màu nhiệm: sự thanh đạm và chừng mực trong ăn uống và sinh hoạt được coi là tiêu chuẩn quan trọng nhất của giá trị cá nhân.

Những phát hiện này kết hợp với chiêm nghiệm của ông kết tinh thành cốt lõi tư tưởng của ông được thực tế chúng minh là đúng. Đó là phương châm xử thế muôn thuở của người dân thường: biết điều. Tư tưởng giản dị ấy được con cháu ông, lần lượt thay nhau lên ngai vàng Thụy Điển cho đến hôm nay, lưu truyền và không ngừng phát triển. Hơn 200 năm qua, các dòng họ vua chúa xưa của Thụy Điển không hề kèn cựa với dòng họ Bernadotte, đòi lại vị trí chúa tể của mình. Vua Thụy Điển hiện tại, Charles XVI Gustave, sinh năm 1946, là người thứ bảy của nhà Bernadotte, tiếp quản ngôi báu năm 1973. Hơn ở tất thảy các thể chế còn vua làm vì, nó đã là máu thịt di truyền của người dân.

Chính quyền Thụy Điển khuyến khích và tiếp thu những đóng góp mới cho tư tưởng ấy của các nhà khoa học và chính trị nhiều thời đại. Từ "Tối lửa tắt đèn có nhau" của dân gian, qua "Ngôi nhà chung" của chính khách Per Albin Hansson, rồi "Sự hài hòa được kiến tạo" của nhà kinh tế học Karl Gunnar Myrdal…, tất cả khơi nguồn từ tâm niệm của Charles XIV Jean và đều góp phần vào phép màu Thụy Điển.

Nền tảng của thần kỳ Thụy Điển hiện tại đã được vị vua có một không hai xây dựng. Charles XIV Jean cương quyết trả hết nợ nần của các triều truớc, rồi xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch, rồi hiện đại hóa nông lâm ngư nghiệp, đồng thời với công nghiệp hóa mạnh mẽ, rồi chú trọng xuất khẩu, từ nguyên liệu thô sang thành phẩm chất lượng ngày một cao, giữ chữ tín đối với thần dân và bạn hàng ngoại quốc, không vơ hết cho mình và nước mình, tôn trọng lợi ích người khác…

Những điều đó đòi hỏi cả tâm lẫn tài. Tâm và tài không chỉ của người đứng đầu, mà cả của người thừa hành hay giúp việc. Các học giả hôm nay không khỏi giật mình, khi ông ưu tiên tuyệt đối cho giáo dục và đổi mới sư phạm. Từ 1842, phổ cập cấp một đã là bắt buộc…

Chuyệt thật như đùa, ông không sao học được tiếng Thụy Điển, suốt đời phải có "thông ngôn". Và do ông lệnh dịch ra tiếng Pháp và lưu giữ toàn bộ tư liệu về ông và triều đình của ông, giờ đây, chúng ta mới biết một vĩ nhân vô danh và một kỳ tích phi thường. Jean-Baptiste Bernadotte là hình mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng mà thế giới hôm nay nóng lòng muốn có. Hình mẫu ấy là sự kết hợp giữa khát vọng tập thể và tài năng cá nhân vì mục đích chung tốt đẹp. Sự kết hợp vượt ra ngoài lãnh thổ, phong tục và tiền đề thể chế của một dân tộc. Đó là chuyện cổ tích chung, hoặc thần kỳ duy nhất của toàn nhân loại…

Triệu An Bình (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-su-kien-noi-bat/bernadotte-vi-nhan-cua-thuy-dien-612854/