BESA: Bộ ba mới nổi chơi trò cao bồi

Chuyên gia Burak Bekdil viết trên tạp chí BESA rằng, Khối Hồi giáo mới nổi do Thổ Nhĩ Kỳ thống lĩnh trông giống như ba đứa trẻ chơi trò cao bồi…

Mối liên kết hồi giáo mới nổi

Khối Hồi giáo mới nổi gồm ba quốc gia Hồi giáo - Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Pakistan – thoạt nhìn có vẻ khả thi về mặt lý thuyết, nhưng sự phát triển của khối này bị hạn chế bởi thực tế: Azerbaijan vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga nhiều hơn của Thổ Nhĩ Kỳ, còn Pakistan vẫn là đối tác trung thành của Trung Quốc.

Chuyên gia Burak Bekdil nhận xét trong “Báo cáo Quan điểm số 2.002, ngày 20 tháng 4 năm 2021” của Trung tâm BESA rằng: “Khối Hồi giáo mới trông giống như ba đứa trẻ chơi trò cao bồi trong khi bố mẹ chúng mỉm cười và quan sát”.

Có mối quan hệ lịch sử, sắc tộc và tôn giáo mạnh mẽ đã liên kết ba quốc gia Hồi giáo có vị trí địa chiến lược dưới sự bảo trợ của một liên minh chiến lược mới nổi, với khả năng bổ sung thêm thành viên thứ tư là Bangladesh.

Một trong ba nước là thành viên mạnh của NATO và là ứng cử viên gia nhập câu lạc bộ những quốc gia giàu có ở châu Âu (Thổ Nhĩ Kỳ); một nước có nguồn hydrocacbon phong phú và khả năng quân sự ngày càng tăng (Azerbaijan); và một là quốc gia Hồi giáo duy nhất trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân (Pakistan).

Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Pakistan và Bangladesh là bộ ba quốc gia hiếm hoi chưa từng có bất kỳ tranh chấp chính trị nào.

Ngược lại, Pakistan và Bangladesh là đồng minh tinh thần của Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu thế kỷ 20 nhờ có chung tôn giáo và kinh nghiệm tương tự trong cuộc chiến giành độc lập với các cường quốc đế quốc phương Tây.

Ngoài việc cung cấp nền tảng chính trị màu mỡ cho quan hệ đối tác chiến lược, sự hợp tác quân sự hiện tại với các nước này, với người dẫn dắt là Thổ Nhĩ Kỳ, có thể củng cố cơ sở cho liên minh.

Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Pakistan gắn bó với nhau bởi mối quan hệ lịch sử, sắc tộc và tôn giáo

Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Pakistan gắn bó với nhau bởi mối quan hệ lịch sử, sắc tộc và tôn giáo

Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác sâu rộng với Pakistan

Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống là nước ủng hộ Pakistan trong tranh chấp chính với nước láng giềng Ấn Độ về khu vực Kashmir, khiến Ankara và Delhi rơi vào xung đột.

Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết: “Chúng tôi ủng hộ giải quyết vấn đề [Kashmir] này thông qua đối thoại… và đặc biệt là phù hợp với kỳ vọng của người dân Kashmir”.

Ấn Độ lên án tuyên bố của Erdoğan, cáo buộc rằng nó “tạo ra sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Ấn Độ và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thổ Nhĩ Kỳ nên học cách tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và phải thận trọng cân nhắc các chính sách của mình”.

Năm 1988, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan thành lập “Nhóm Tư vấn Quân sự” nhằm tăng cường quan hệ mua sắm quân sự và quốc phòng. Khi hợp tác ngày càng sâu rộng, Nhóm đã mở rộng và phát triển thành “Hội đồng Hợp tác Chiến lược Cấp cao” (HLSCC).

Đầu năm 2020, ông Erdoğan và Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đồng chủ trì phiên họp thứ sáu của HLSCC và ký kết 13 biên bản ghi nhớ (MOU), mà 5 trong số đó liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

Trước đó, vào năm 2000, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã ký một hợp đồng quan trọng về việc bán 4 tàu hộ tống đa năng trong khuôn khổ Dự án Tàu thuyền Quốc gia (MILGEM) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Esad Akgün, Tổng giám đốc của Military Factory and Shipyard Management Inc., một nhà thầu do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, nhấn mạnh rằng, việc Pakistan sở hữu 4 tàu hộ tống MILGEM sẽ thay đổi cán cân trong khu vực và đưa đất nước này lên vị thế của một “tay chơi trong khu vực”.

Năm 2018, Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) đã ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD để bán 30 trực thăng tấn công T129 cho Pakistan. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa được tiến hành vì TAI đã không đảm bảo được giấy phép xuất khẩu của Hoa Kỳ cho hợp đồng.

T129 là máy bay trực thăng tấn công đa năng hai động cơ được sản xuất theo giấy phép của công ty AgustaWestland của Ý-Anh. Nó được cung cấp bởi hai động cơ turboshaft LHTEC T800-4A của nhà sản xuất động cơ LHTEC, là liên doanh giữa công ty Honeywell của Mỹ và công ty Rolls-Royce của Anh.

Pakistan đã đồng ý - một lần nữa - gia hạn thỏa thuận T129 với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức mua sắm hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Ismail Demir, nói với các phóng viên vào ngày 12 tháng 3 rằng: “Chúng tôi đã xin được gia hạn thêm sáu tháng từ Pakistan”.

Nhưng theo quan điểm của Washington đối với việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 Triumph do Nga sản xuất, một quan chức mua sắm cấp cao khác của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Defense News rằng, việc gia hạn không có nghĩa là cuối cùng thì thỏa thuận sẽ thành công.

Ông này cho biết, đây không phải là vấn đề công nghệ hay thương mại, mà đó hoàn toàn là mục đích chính trị, và chừng nào các lý do khiến Hoa Kỳ phong tỏa vẫn còn hiệu lực…, thì có vẻ như thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Pakistan sẽ là nạn nhân tiếp theo trong cuộc đấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hoa Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đắc lực cho Azerbaijan

Vào tháng 6 năm ngoái, Azerbaijan thông báo rằng họ đang có kế hoạch mua máy bay không người lái có vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. “Những nỗ lực theo hướng này đang được tiếp tục và bây giờ chúng tôi đã đạt được kết quả” - Bộ trưởng quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov nói. Trong cùng tháng, quốc hội Azerbaijan đã thông qua dự luật nhận hỗ trợ tài chính từ Thổ Nhĩ Kỳ để sử dụng cho việc mua các hệ thống vũ khí.

Đó là một động thái hoàn toàn đúng lúc của Azerbaijan. Chỉ 4 tháng sau, Azerbaijan và Armenia lại xảy ra chiến tranh vì tranh chấp biên giới và quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ly khai [khỏi Azerbaijan] là Nagorno-Karabakh (chiến tranh Azerbaijan- Armenia 2020, hay còn gọi là “Cuộc chiến Karabakh lần 2 tháng 10/2020”).

Các nhà quan sát quân sự nhất trí rằng máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất là nhân tố thay đổi cuộc chơi theo chiều hướng có lợi cho Azerbaijan. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi các thiết bị quân sự và huấn luyện viên khác đến Azerbaijan, cùng với sự hỗ trợ của hàng nghìn lính đánh thuê Syria.

Trước đó, đã xuất hiện những cảnh quay video đen trắng xuất hiện từ tài khoản Twitter và Telegram có liên kết chặt chẽ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, mang tên Clash Report, dường như cho thấy một chuỗi các cuộc tấn công bằng Bayraktar TB-2 nhắm vào các vị trí của Armenia.

Các cảnh quay trong video khác do Bộ Quốc phòng Azerbaijan đăng tải cho thấy những hình ảnh được cho là máy bay không người lái TB-2 đang tấn công các lực lượng Armenia và sử dụng thông tin này để gọi tên lửa từ nơi khác đến.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bán UAV chiến đấu cho Azerbaijan có liên quan gì đến việc Ankara xây dựng mối liên kết bền chặt với Baku và Islamabad? Điều này có ý nghĩa gì đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ?

Về mặt lý thuyết, ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp cận với công nghệ quân sự của Trung Quốc thông qua đồng minh của Trung Quốc là Pakistan, bao gồm cả công nghệ máy bay chiến đấu quan trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ cần có ngay lập tức để phát triển ngành công nghiệp hàng không nội địa của mình.

Nga-Trung không để Thổ Nhĩ Kỳ đạt mục đích

Nhưng đằng sau những hy vọng từ việc hình thành liên minh hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ - Azerbaijan - Pakistan là những thực tế khó khăn.

Sự im lặng kéo dài của Thổ Nhĩ Kỳ khi đối mặt với những cáo buộc Trung Quốc áp bức người thiểu số đã khiến Ankara không sa vào những rắc rối trong quan hệ với Bắc Kinh. Các mối quan hệ thương mại đang được cải thiện và Thổ Nhĩ Kỳ - đang thiếu tiền mặt - ngày càng phụ thuộc sâu sắc vào đầu tư của Trung Quốc.

Nhưng tất cả những điều kiện đó có thể không đủ điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác chiến lược, có khả năng tiếp cận công nghệ quân sự của Trung Quốc.

Thứ nhất, Bắc Kinh không có xu hướng đưa ra các quyết định chiến lược dựa trên các diễn biến chiến thuật và xu hướng chính trị theo mùa.

Trung Quốc coi Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdoğan là một mối đe dọa tiềm tàng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo/ly khai, đặc biệt là khi liên hệ với những đe dọa của các nhóm khủng bố thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, có liên quan mật thiết đến Tân Cương như Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP), chi nhánh Syria của Phong Trào Hồi Giáo Đông Turkestan (ETIM).

Thứ hai, những ký ức cay đắng về mối quan hệ hợp tác quân sự thất bại trước đây giữa Ankara và Bắc Kinh vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người Trung Quốc, mặc dù nó có thể đã bị lãng quên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào tháng 9 năm 2013, trước sự sửng sốt của các đồng minh phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn nhà sản xuất Trung Quốc CPMIEC - cha đẻ của hệ thống phòng không Hồng Kỳ-9 (HQ-9) - để chế tạo hệ thống phòng không và chống tên lửa tầm xa đầu tiên của mình.

Dưới áp lực của NATO và phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã sớm hủy bỏ thỏa thuận sơ bộ với CPMIEC và mở ra một cuộc cạnh tranh quốc tế mới cho hợp đồng tương tự. Sự cạnh tranh mới đó đã dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumph do Nga sản xuất.

Nhìn chung, mặc dù Ankara, Baku và Islamabad đã xây dựng được một quan hệ dựa trên những điểm tương đồng về lịch sử, sắc tộc và tôn giáo, nhưng trên thực tế, Azerbaijan vẫn là sân sau của Nga, không phải của Thổ Nhĩ Kỳ; và Pakistan vẫn là một đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc.

Vì sao Moscow và Bắc Kinh thừa hiểu Ankara đang làm gì và tìm kiếm lợi ích gì nhưng vẫn để cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục?

Trong ngắn hạn, liên minh mới có lợi cho cả lợi ích của Nga và Trung Quốc vì nó sẽ đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục can dự về phía đông và làm suy yếu hơn nữa mối quan hệ vốn đã căng thẳng với các thể chế phương Tây, bao gồm cả NATO.

Moscow và Bắc Kinh chắc chắn sẽ hứng thú với những nghi ngờ của Mỹ, EU và NATO đối với “thành viên nửa mùa” [Thổ Nhĩ Kỳ] của liên minh phương Tây. Moscow sẽ rất hào hứng với viễn cảnh lôi kéo được Ankara về phe mình chống lại trục phương Tây, nhưng họ sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ tạo lập một liên minh đe dọa đến lợi ích của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đừng nghĩ mình có đủ tố chất để trở thành thủ lĩnh. Khối Hồi giáo mới nổi trông giống như ba đứa trẻ đang chơi trò cao bồi trong khi cha mẹ chúng đứng bên cạnh mỉm cười và quan sát. Cha mẹ sẽ để bọn trẻ chơi thoải mái cho đến khi họ cảm nhận được bất kỳ loại nguy hiểm nào đối với lợi ích của mình.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/besa-bo-ba-moi-noi-choi-tro-cao-boi-3430994/