BHXH Việt Nam lấy ý kiến y tế địa phương, bệnh viện về lập dự toán chi Bảo hiểm y tế

Chiều 1/12, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý của các Sở Y tế và bệnh viện về việc lập, giao dự toán chi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định mới.

Tìm căn cứ nào lập dự toán chi BHYT

Từ tháng 12/Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực, với việc bỏ trần tổng mức thanh toán khám chữa bệnh (KCB) BHYT; lập dự toán và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT… Cơ bản, các quy định mới sẽ áp dụng cho năm tài chính 2024.

Nghị định 75 cũng yêu cầu, trên cơ sở dự toán được Chính phủ giao, BHXH Việt Nam giao dự toán chi KCB BHYT các địa phương, tối đa bằng 90% số thu BHYT dự kiến cả năm. Sau khi được BHXH các địa phương thông báo dự toán chi BHYT của năm, nếu dự kiến số chi trong năm tăng/hoặc giảm, cơ sở y tế phải thông báo bằng văn bản tới BHXH trước ngày 15/10 hằng năm để điều chỉnh; các địa phương có biến độ số chi cũng phải thông báo về BHXH Việt Nam trước ngày 30/10 hằng năm để xem xét điều chỉnh.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa cho hay, hiện đã phần bệnh viện vẫn thanh toán chi phí KCB BHYT theo phí dịch vụ. Hiện, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị định 75, chưa rõ cách thức làm như thế nào để tính toán và xây dựng dự toán chi KCB BHYT. Do đó, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị để chủ động lấy ý kiến từ ngành y tế và cơ sở trực tiếp sử dụng để xây dựng dự toán chi BHYT năm 2024.

Chuyên gia của Ngân Hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, xác định chi phí bình quân theo từng khối và loại dịch vụ y tế để giao dự toán là giải pháp khả thi nhất nhằm kiểm soát lãng phí. Đồng thời, việc phân tích dữ liệu giám định BHYT giúp đưa ra những mức thanh toán hợp lý cho từng loại và nhóm dịch vụ cho các cơ sở y tế tham khảo để áp dụng phù hơp với nguồn lực quỹ BHYT.

Cụ thể, với vấn đề “tính đúng, tính đủ như thế nào?”, theo chuyên gia WB, trước hết phải đảm bảo được nguyên tắc “mua dịch vụ hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất”. Việc quản lý sử dụng quỹ BHYT trong năm được căn cứ theo hợp đồng xác định khối lượng dịch vụ; nguồn lực được dự toán theo khối lượng và chi phí bình quân năm trước.

Chia sẻ dự thảo đề xuất của BHXH Việt Nam về việc thực hiện lập, giao dự toán chi và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT theo Nghị định 75, b

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam đang xây dựng dự thảo đề xuất lập, giao dự toán chi và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT theo Nghị định 75. Dự toán chi được xây dựng theo hướng đảm bảo chi bình quân lượt ngoại trú/nội trú tại từng cơ sở KCB cùng tuyến, cùng hạng, cùng chuyên khoa. Trong đó các cơ sở KCB được phân loại như sau: Theo tuyến KCB (gồm trung ương, tỉnh, huyện, xã); theo hạng bệnh viện (hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, hạng 3, hạng 4); theo chuyên khoa; dự kiến chi phí có tính đặc thù, kỹ thuật cao…

Nguyên tắc cần được quan tâm là sử dụng hiệu quả quỹ BHYT trong phạm vi nguồn lực hiện có và đảm bảo tính bền vững của quỹ BHYT; đảm bảo công khai, minh bạch; giúp cho cơ sở KCB chủ động sử dụng kinh phí để KCB.

Lập dự toán theo 5 bước

BHXH Việt Nam dự kiến quy trình lập dự toán, số dự kiến chi KCB BHYT được xây dựng 5 bước; điều chỉnh dự toán và số dự kiến chi KCB trong năm có 3 bước. Với quy trình bổ sung kinh phí cho cơ sở KCB do vượt số dự kiến chi (gồm số thông báo đầu năm và số điều chỉnh trong năm), BHXH tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với Sở Y tế, cơ sở KCB BHYT rà soát, xác định chi phí KCB BHYT vượt số dự kiến chi được thanh toán để báo cáo BHXH Việt Nam.

Đại diện các Sở Y tế, bệnh viện cũng chia sẻ các ý kiến nhiều chiều quanh các nội dung này. Xác định đây là “đề bài” khó, tuy nhiên quan điểm được cả cơ quan BHXH và ngành Y tế đồng thuận là “không vì dự toán mà “thắt chặt” làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh”.

Việc xác định chi phí trung bình làm cơ sở đề xuất dự toán chi của cơ sở KCB cũng cần xét một số yếu tố đặc thù của từng loại hình cơ sở KCB, đối tượng bệnh nhân... Đồng thời, có bệnh viện đề cập băn khoăn cần cân nhắc việc mức giá trung bình không đánh giá hết chất lượng dịch vụ, liệu có khiến các cơ sở ngại ngần đầu tư trang thiết bị mới cũng như trình độ chuyên môn...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa cho biết, đây là hội nghị đầu tiên của BHXH Việt Nam lấy ý kiến về nội dung này, mục tiêu là đảm bảo công khai, minh bạch và đạt được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện KCB BHYT. BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ phía ngành y tế để sớm hoàn thành “phiên bản cơ bản” về quy trình lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT cho cơ sở KCB năm 2024.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương có trách nhiệm trao đổi, lấy ý kiến các cơ sở KCB, xác định và đề xuất các giải pháp để đảm bảo bao hàm được cả các yếu tố đặc thù của từng bệnh viện, làm cơ sở lập và giao dự toán chi phí KCB BHYT.

Khánh Chi

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/bhxh-viet-nam-lay-y-kien-y-te-dia-phuong-benh-vien-ve-lap-du-toan-chi-bao-hiem-y-te-post1592144.tpo