BHYT ở quận, có được khám chữa bệnh ở tuyến trên?

Tôi đăng ký nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu ở BV quận 12. Tuy nhiên, nhà tôi ở gần BV Gò Vấp hơn.

Nếu có bảo hiểm y tế (BHYT) ở quận, huyện thì có thể khám ở tất cả bệnh viện trên toàn quốc được không? Luật quy định việc này như thế nào?

Nếu có bảo hiểm y tế (BHYT) ở quận, huyện thì có thể khám ở tất cả bệnh viện trên toàn quốc được không? Luật quy định việc này như thế nào?

Ngoài ra, giấy chuyển viện lên tuyến trên thì bệnh viện quận, huyện nào cấp cũng được có đúng không?

Quang Huy (Phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM)

Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Hiện nay việc thông tuyến thực hiện tại các bệnh viện tuyến quận/huyện, vì vậy bạn đăng ký KCB ban đầu tại BV quận 12 thì bạn có thể đi KCB tại bất kỳ bệnh viện quận/huyện, bệnh viện đa khoa khu vực trên địa bàn TP.HCM (trong đó có BV quận Gò Vấp).

Khi đến KCB tại các nơi KCB, người tham gia BHYT phải trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh thì sẽ được quyền lợi KCB như đúng tuyến. Trường hợp quá khả năng điều trị của bệnh viện quận/huyện (nơi bạn đang điều trị) thì người bệnh sẽ được bệnh viện chuyển sang tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Kinh doanh khó khăn, được tạm dừng đóng bảo hiểm?

Hiện công ty tôi có 50 công nhân may túi xách. Mấy năm trước, đầu ra của sản phẩm ổn định nên công ty có rất nhiều ưu đãi cho công nhân.

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh của công ty xuống thấp và đang gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Công ty đang định ngưng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) cho công nhân đến khi nào tình hình kinh tế của công ty ổn định trở lại. Như vậy, luật có cho phép công ty tạm dừng đóng BHXH bắt buộc cho người lao động không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?

Trần Tuấn (Huyện Bình Chánh, TP.HCM)

BHXH TP.HCM trả lời: Theo Điều 16 Nghị định 115/2015, đơn vị được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất trong trường hợp tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ một tháng trở lên do gặp khó khăn, thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế hoặc gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Người sử dụng lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau: Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Thực hiện theo quy định trên, đơn vị cần cung cấp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định doanh nghiệp đủ điều kiện tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất để cơ quan BHXH đang quản lý có cơ sở giải quyết đề nghị của đơn vị.

VÕ HÀ ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/toi-muon-hoi/bhyt-o-quan-co-duoc-kham-chua-benh-o-tuyen-tren-775266.html