Bí ẩn bảo vật tượng Tu sĩ Champa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký công nhận 22 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Tỉnh Quảng Ngãi có bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (niên đại: C14: 3370 ± 40 năm cách ngày nay) và tượng Tu sĩ Champa Phú Hưng (niên đại: thế kỷ IX-X). Riêng tượng Tu sĩ Champa Phú Hưng vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, càng làm toát ra vẻ bí ẩn của bảo vật này.

Tượng Tu sĩ Champa vẫn còn những ý kiến bàn luận, tạo sự chú ý với nhiều người yêu văn hóa. Ảnh: Lê Văn Chương

Tượng Tu sĩ Champa vẫn còn những ý kiến bàn luận, tạo sự chú ý với nhiều người yêu văn hóa. Ảnh: Lê Văn Chương

Mới đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tiên giới thiệu bảo vật quốc gia vừa được công nhận. Những người dân đến xem không khỏi tò mò trước bức tượng tu sĩ đang chìm đắm vào vũ trụ vô tận, sâu thẳm. Cấu trúc bằng đá, nhưng vẫn phảng phất phần hồn mềm mại ẩn giấu sau khuôn mặt và câu chuyện về bức tượng này.

Tu sĩ Champa được điêu khắc có bộ râu dài, đôi tai như tai của Phật, tư thế ngồi thiền kiết già - bàn chân phải để ngửa đặt lên bàn chân trái. Phần lớn người Chăm theo đạo Bà La Môn (có từ khoảng thế kỷ thứ II, thứ III) biết đến hình tượng này. Trong bia ký của vương triều Bhadresvaravamin có viết về tu sĩ này.

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi nằm trên đường Lê Trung Đình. Từ năm 1997 đến nay, du khách vào thăm bảo tàng này thường dừng chân trước bộ xương và đồ tùy táng người Sa Huỳnh, được khai quật ở xóm Ốc, huyện đảo Lý Sơn, có niên đại hơn 2.000 năm. Du khách chìm đắm tâm tưởng vào những cổ vật lọ gốm, khuyên tai, đồ đá được khai quật từ di chỉ Gò Ma Vương, ở Sa Huỳnh, có niên đại trên dưới 3.000 năm. Tất cả những cổ vật quý giá này đều được đặt trong hòm kính tại vị trí trung tâm, thể hiện chế độ bảo vệ đặc biệt.

Nhưng ở một góc lối đi, nằm bên cạnh những hộp kính chứa cổ vật kia là bức tượng một vị Tu sĩ Champa Phú Hưng, dường như vẫn chưa được nhiều người chú ý. Tu sĩ này giống như một vị thần gác cửa, trông coi những cổ vật trong gian bảo tàng. Giá trị của bức tượng này cũng chưa được thực sự đánh giá cao, bằng chứng là nó được đặt bên ngoài tủ kính, cạnh lối đi trong bảo tàng, không phải vị trí trung tâm quan trọng nhất. Bức tượng này do Công an thu giữ của một đường dây buôn bán cổ vật trái phép, sau đó bàn giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi nhập kho năm 1994. Sau 13 năm “yên giấc” trong bóng tối, năm 2007, tượng vị tu sĩ này đã được đưa ra trưng bày.

Trong hồ sơ xét công nhận bảo vật quốc gia đợt 7 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký danh sách bao gồm 22 hiện vật, nhóm hiện vật. Bức tượng này chính thức có tên gọi là Tượng Tu sĩ Champa. Niên đại bức tượng này được xác định là vào khoảng thế kỷ thứ IX-X. Ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc công nhận bảo vật quốc gia này được xét dựa trên giá trị về độc bản, độc đáo, phản ảnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của một tộc người từng sinh sống trên lãnh thổ miền Trung của Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đang đề xuất các cấp có thẩm quyền để có phương án bảo vệ và bố trí trưng bày, xây dựng bài thuyết minh để giới thiệu rộng rãi đến người dân và du khách.

Ông Khánh cũng đề cập, tên gọi của bức tượng vẫn còn nhiều bàn thảo và cá nhân ông tới giờ này vẫn cảm thấy tên gọi tượng Tu sĩ Champa cũng cần phải xem xét kỹ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà chuyên sưu tập tượng cổ về đức Phật Thích ca Mâu ni bằng sa thạch và các cổ vật Chăm, sau khi xem bức tượng Tu sĩ Champa đã chia sẻ, có thể gọi tên chính xác của bức tượng này là Siva Mahaguru. Siva hàm nghĩa là người thầy vĩ đại; maha là lớn, vĩ đại và guru là người thầy, ông thầy. Bức tượng này là biểu trưng của thần Siva và có vẻ như là một nhà tiên tri, trong Bà La Môn, Phạn ngữ gọi là Siva Mahaguru.

Bức tượng đang yên giấc ngàn năm. Nhưng nếu người yêu văn hóa xem bức tượng này sẽ định hình ra được lịch sử tôn giáo trên dải đất Việt. Đó là đạo Bà La Môn từ ngàn năm trước đã được truyền bá cho dân tộc Chăm qua đường bộ và đường biển. Đường bộ đi từ Atxxam qua Myanmar rồi vào đồng bằng sông Cửu Long; đường biển thì qua vịnh Bengal, thông qua eo biển Malacca rồi đến khu vực miền Trung dải đất hình chữ S.

Anh Quốc, một người đam mê nghiên cứu văn hóa Chăm chia sẻ, tinh thần Hindu nói chung và Bà La Môn nói riêng, thì giới tăng lữ cũng có gia đình, sinh con cái, làm ra tiền, nhưng đến tuổi trung niên thì cắt ái, ly gia, tìm nơi tĩnh mịch thiền định quán tưởng về quá khứ hiện sinh và tương lai của bản ngã tối hậu của riêng mình, gọi là Atman; để tâm thức bản ngã mình kết nối, hòa quyện vào vũ trụ, của đấng tạo hóa, gọi là Braman. Đối với người Chăm thì chế độ mẫu hệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người đàn ông trong con đường tu tập.

...Dù hồ sơ tượng Tu sĩ Champa đã được Hội đồng di sản quốc gia thẩm định và ấn định lai lịch, tuy nhiên, việc mở rộng tranh luận cho thấy sự quan tâm của nhiều người. Từ đó, tạo sự chú ý, làm cho cổ vật gần gũi với cuộc sống sau vài ngàn năm ngủ yên trong lòng đất, giúp con người hiện đại hiểu được dấu chân của tiên tổ đầy bí ẩn trong quá khứ.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bi-an-bao-vat-tuong-tu-si-champa/