Bí ẩn cây thần ở Gabon

Tại Gabon (một quốc gia duyên hải nhỏ ở Tây Phi), rừng già bao phủ 88% diện tích đất nước. Trong đám cây rừng bao la đó, không có loài cây nào được người Gabon tôn kính bằng cây Kevazingo (mọc ở nhiều quốc gia thuộc Phi Châu xích đạo).

Gỗ Kevazingo được khai thác lậu ở Gabon do thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao.

Gỗ Kevazingo được khai thác lậu ở Gabon do thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao.

Gỗ thiêng bị tận thu

Còn mang các tên khác là Bubinga, amazique và cây Trắc Châu Phi, cây Kevazingo có ý nghĩa là tiêu trừ xú uế, cùng nhiều nghi thức thiêng liêng tồn tại ở các sắc tộc ở Gabon. Ông Apollon Obolo, người sinh ra ở một ngôi làng có tên là Yia (tỉnh Haut-Ogooúe, phía Đông Gabon) tự hào kể: “Lịch sử, tên gọi và cách sử dụng cây Kevazingo phụ thuộc vào mỗi nghi thức liên quan đến nó. Nó là loài cây được mọi cộng đồng dân tộc ở Gabon hết sức tôn kính”.

Thân cây Kevazingo có những vân gỗ màu nâu nhạt. Cây cao nhất có thể đạt tới 60m. Rễ cây lớn, xù xì và rất đặc hình thành nên những bạng cây ngay tại gốc. Mặc dù thân cây không được trơn tru hay có hình dáng thanh nhã, nhưng cây Kevazingo vẫn được yêu thích do cái dáng cao lớn, vững chãi.

Cây Kevazingo có thể sống thọ đến hơn 500 năm, lâu hơn các thế hệ dân làng. Phần lớn các dân tộc bản địa ở Gabon xem cây cối là một phần không thể thiếu được trong văn hóa cộng đồng, và cũng quan trọng như các ngôi đền hay những dòng sông. Thời xưa, các tù trưởng bộ lạc và vua chúa thường được trao vương miện ngay dưới gốc cây kevazingo. Ngày nay, vỏ cây Kevazingo được dùng để chữa trị các chứng bệnh u nang và cả chứng “bất lực”. Tháng 2/2019, 392 container gỗ thô Kevazingo đã bị tịch thu tại cảng Owendo (Gabon).

Ông Luc Mathot, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ mang tên Bảo tồn công lý (Conservation Justice, chuyên trách phối hợp với chính phủ Gabon để giám sát buôn lậu gỗ) nói rằng rất hiếm khi có thể lần ra một công ty khai thác gỗ ở Gabon hoàn toàn sạch sẽ do luật pháp nơi đây khá rườm rà, vừa nghiêm ngặt (gỗ phải được xử lý trong nước trước khi xuất sang nước ngoài) lại vừa phù du (buôn bán gỗ kevazingo bị cấm tạm thời, gần đây là năm 2018).

Gỗ Kevazingo khi được xử lý sẽ có sắc thái ý hệt như gỗ hồng mộc (gỗ trắc) Dalbergia (Kevazingo thuộc về giống Guibourtia), và loại gỗ này được ưa chuộng trong việc sản xuất ra các sản phẩm đồ nội thất ở Trung Quốc. Ghế, tủ và giường gỗ Hồng Mộc đã được chế tác thủ công tinh xảo ngay trong thời nhà Thanh với nguồn nguyên liệu gỗ được khai thác ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Những loại bàn và khung giường gỗ Hồng Mộc có thể được bán cho giới nhà giàu với mức giá hơn 1 triệu USD/bộ. Chính nhu cầu này đã bùng nổ một ngành khai thác gỗ trực tiếp phá hoại nhiều vạt rừng già ở Myanmar, Madagascar và Indonesia cùng các quốc gia khác. Giữa thời gian 2005 và 2014, 35% gỗ rừng phi pháp bị tịch thu là gỗ hồng mộc, tức chiếm gấp 2 lần so với bất kỳ loại hàng hóa gỗ rừng nào khác được giao dịch phi pháp.

“Mafia gỗ” ở Gabon

Hồng Mộc được xem là “Huyết Mộc” ở nhiều vùng tại Tây Phi. Nhiều cây gỗ Hồng Mộc bị đốn hạ khiến cho nó gần như bị tuyệt chủng, các công ty Trung Quốc xoay sang tìm kiếm những cây gỗ mà về căn bản sẽ hao hao chuẩn quốc gia về gỗ Hồng Mộc, nhưng xem ra không ăn thua. Vẫn không rõ có bao nhiêu cây Kevazingo đang tồn tại ở Gabon, nhưng theo những khảo sát gần đây thì cứ vài trăm cây rừng sẽ có 3 cây gỗ này.

Dù không còn nhiều nên gỗ Kevazingo cũng trở nên hiếm. Chỉ 1 cây Kevazingo cũng có thể đóng một vai trò quý báu cho hệ sinh thái nói chung và hệ thực vật rừng ở Gabon nói riêng. Nhiều loài cây sống cộng sinh vào thân cây Kevazingo cũng như các cộng đồng dân tộc ở Gabon sống gần gũi với cây thiêng của họ. Có một số cộng đồng bản địa gọi cây Kevazingo là “Giám Mộc” (cây bảo hộ cho cả cộng đồng).

Ở tuổi 50, ông Ona Essangui là người sáng lập ra tổ chức môi trường phi chính phủ gọi là Brainforest (Não rừng). Mắc bệnh bại liệt từ thủa ấu thơ, ông Ona điều hành tổ chức ngay trên xe lăn. Ona nói rằng mỗi ngôi làng ở Gabon có “1 cây Kevazingo riêng”. Làng của ông - Mbolenzok-Njouh – có 2 cây. Khi 392 container chở gỗ Kevazingo chưa xử lý với trị giá ước tính hơn 250 triệu USD bị bắt giữ và tịch thu bởi chính phủ Gabon vào tháng 2/2019, có một thương gia gốc Hoa tên là Francois Ngô đã bị đưa vào diện tình nghi.

Kỳ lạ thay, chỉ 1 tháng sau đó, 353 trong tổng số 392 ccontainer gỗ Kevazingo đã không cánh mà bay. Gỗ quý “mất tích” ngay trong thời gian điều tra đối với chính phủ Gabon thì đó là một “sự lạ”. Tháng 5/2019, Tổng thống Gabon, ông Ali Bongo, đã sa thải phó Tổng thống Pierre Claver Maganga Moussavou cùng Bộ trưởng môi trường và lâm nghiệp Guy Bertrand Mapangou.

Ông Ali Bongo không giải thích lý do tại sao ông đã sa thải 2 thành viên cao cấp của nội các mình, nhưng đoán rằng hành động của Tổng thống có liên quan đến vụ “gỗ bốc hơi”. Doanh nhân Francois Ngô phủ nhận có liên quan vụ mất gỗ, nhưng ông ta cũng không trở lại Gabon kể từ khi 392 container gỗ Kevazingo bị tịch thu.

Nghiêm cấm khai thác và buôn bán

Những vụ mất trộm gỗ như thế sẽ để lại nhiều thiệt hại cho số cây Kevazingo ở Gabon. Trong bối cảnh của vụ bê bối, chính phủ Gabon đã cấm tất cả hoạt động khai thác và buôn bán gỗ Kevazingo. Đến nay, lô hàng 153 container gỗ Kevazingo vẫn chưa được tính. Ông Apollon Obolo là một thành viên của Bwiti Missoko, một nhóm dân tộc bản địa ở Gabon. Obolo từng nằm nôi dưới gốc cây Kevazingo mà cộng đồng Missoko gọi nó là bovenga. Bovenga thường dùng cho một số nghi lễ tưởng niệm, làm thuốc.

Là chủ tịch của một tổ chức phát triển thanh niên và là người xúc tiến các sự kiện văn hóa, ông Obolo nói rằng hàng ngàn người bản địa đã sinh sống dưới tán cây Kevazingo, và nó đã vượt qua những giá trị hữu hình. Khi hỏi người Gabon sẽ như thế nào nếu như tất cả cây Kevazingo cùng bị đốn trụi, ông Obolo đáp: “Dibôkô!” – một thuật ngữ trong ngôn ngữ Missoko – và hỏi vặn lại: “Liệu nước này có còn không nếu vắng Kevazingo?”.n

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/bi-an-cay-than-o-gabon-4036804-b.html