Bí ẩn chấn động giới tài chính Trung Quốc: Nung chảy 'vàng', ai nấy đều choáng váng

Một số công ty Trung Quốc đã choáng váng sau khi nung chảy vàng được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay trị giá 20 tỉ nhân dân tệ.

Phát hiện bất ngờ

Hàng chục công ty tài chính Trung Quốc, chủ yếu là các công ty ủy thác, đã cho vay một khoản 20 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2,8 tỉ USD) trong vòng 5 năm cho công ty vàng bạc đá quý Kingold Jewelry Inc. tại Vũ Hán với tài sản thế chấp là các thỏi vàng nguyên chất kèm theo các chính sách bảo hiểm để bù đắp mọi tổn thất.

Kingold là nhà sản xuất vàng tư nhân lớn nhất khu vực trung tâm tỉnh Hồ Bắc, được điều hành bởi Chủ tịch Jia Zhihong, một cựu sĩ quan từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, ít nhất 83 tấn vàng được sử dụng làm tài sản thế chấp bị phát hiện là các thỏi đồng mạ vàng. Vụ việc đã khiến các công ty cho vay hoãn khẩn cấp việc chuyển khoản tiền 16 tỉ nhân dân tệ còn lại cho Kingold. Khoản vay nợ nói trên được bảo hiểm bởi chính sách bảo hiểm tài sản trị giá 30 tỉ nhân dân tệ được thông qua bởi công ty nhà nước PICC và một số doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ lẻ khác.

Vụ vàng giả lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào tháng 2 khi công ty ủy thác Dongguan muốn thanh lý tài sản thế chấp từ Kingold để trả các khoản nợ khác. Cuối năm 2019, Kingold không thể trả tiền cho các nhà đầu tư và một số sản phẩm ủy thác khác. Công ty Dongguan cho biết đã phát hiện rằng những thỏi vàng "lấp lánh" trên thực tế chỉ là những thỏi đồng được mạ vàng.

Thông tin này đã khiến các chủ nợ của Kingold choáng váng. Công ty ủy thác Minsheng - một trong những chủ nợ lớn nhất của Kingold - đã xin lệnh từ tòa án để kiểm tra tài sản thế chấp của Kingold trước khi nợ đến hạn. Ngày 22/5, kết quả cho thấy các thỏi vàng có trong kho lưu trữ của Minsheng đều là thỏi đồng.

Chính quyền đã bắt đầu điều tra vụ việc. Chủ tịch Jia đã phủ nhận hoàn toàn mọi vấn đề đối với số vàng mà công ty dùng làm thế chấp.

Vụ việc này làm gợi nhớ tới trường hợp làm giả vàng khác bị phát hiện hồi năm 2016 tại tỉnh Thiểm Tây. Các nhà điều tra đã phát hiện vàng trộn tạp chất trong 19 hòm vàng thế chấp cho khoản vay 19 tỉ nhân dân tệ. Thậm chí, một chủ nợ đã nung chảy vàng và phát hiện các đĩa vonfram nằm ở giữa thỏi vàng.

Trong trường hợp của Kingold, công ty này cho biết đã sử dụng các khoản tiền vay để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp và mở rộng kho chứa vàng.

Phủ nhận trách nhiệm

Sau khi có kết quả kiểm tra vàng, công ty Minsheng đã hỏi ông Jia rằng liệu có phải Kingold đã làm giả các thỏi vàng hay không.

"Ông ấy phủ nhận thẳng thừng và nói làm thế nào mà vàng có thể giả được nếu các công ty bảo hiểm đã đồng ý bảo hiểm cho số vàng đó," đại diện Minsheng nói.

Được biết, tỉnh Hồ Bắc đã thành lập lực lượng đặc nhiệm để kiểm tra và điều tra các vấn đề liên quan. Sàn giao dịch Vàng Thượng Hải đã chấm dứt quyền thành viên của Kingold từ ngày 24/6.

Sau công ty Dongguan và Minsheng, hai chủ nợ khác của Kingold cũng kiểm tra các thỏi vàng và phát hiện đây là vàng giả.

Theo Caixin, 83 tấn vàng "nguyên chất" được chuyển tới các chủ nợ của Kingold là khối tài sản thế chấp cho 16 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và bằng 4,2% lượng vàng trong kho dự trữ quốc gia Trung Quốc, tính tới hết năm 2019.

Thành lập năm 2002 bởi chủ tịch Jia, Kingold là một nhà máy vàng ở tỉnh Hồ Bắc, có liên kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khi đó đã tách ra khỏi ngân hàng trung ương sau đợt tái cơ cấu.

Với hạng mục kinh doanh từ thiết kế trang sức, sản xuất và buôn bán vàng, Kingold trở thành một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất Trung Quốc.

Ông Jia, hiện nay 59 tuổi, đã từng phục vụ trong quân đội ở Vũ Hán, Quảng Châu và sống 6 năm tại Hồng Kông. Ông từng quản lí các mỏ vàng điều hành bởi quân đội Trung Quốc (PLA).

Công ty bảo hiểm PICC đã nhận nhiều đơn đề nghị bồi thường từ các chủ nợ của Kingold. Tuy nhiên phát ngôn viên PICC nói chính sách chỉ bồi thường các tổn thất gây ra bởi tai nạn, thảm họa thiên nhiên, trộm cắp hoặc cướp.

Theo một quan chức ngành tài chính, các cuộc điều tra trước đây về lừa đảo vay nợ liên quan tới vàng giả thường có sự thông đồng giữa chủ nợ và công ty vay nợ.

Đầu năm nay, PICC đã sa thải người đứng đầu chi nhánh Hồ Bắc. Các nguồn tin nói những nhân viên liên quan tới vụ Kingold cũng đều bị sa thải. Tới nay, vụ lừa đảo vẫn được tiếp tục điều tra và chưa thể đi tới kết luận ai là người phải chịu trách nhiệm.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bi-an-chan-dong-gioi-tai-chinh-trung-quoc-nung-chay-vang-ai-nay-deu-choang-vang-82020306124526129.htm