Bí ẩn đằng sau vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên

'Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí chiến thuật công nghệ cao mới' - Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin vào ngày 16/11. Vũ khí đó là gì? Lý do gì mà Triều Tiên lại 'cho ra mắt' một vũ khí mới trong khi tình hình giữa Mỹ và Triều Tiên đang có những tiến triển tốt đẹp?

Theo thông tin từ KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp tới thăm một bãi thử ở Viện Quốc phòng Triều Tiên và thị sát buổi thử nghiệm một loại vũ khí chiến thuật mới. Loại vũ khí hiện đại này được phát triển trong thời gian dài dưới sự chỉ đạo của đảng Lao động Triều Tiên, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đặc biệt là để cải thiện sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại buổi thị sát vũ khí mới. (Nguồn: KCNA)

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thị sát một buổi thử nghiệm vũ khí kể từ tháng 11/2017, sau cuộc thử nghiệm tên lửa liên lục địa Hwasong-15, được coi là vũ khí hiện đại nhất của Triều Tiên lúc bấy giờ, có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ. Ông Kim Jong-un khen ngợi các nhà khoa học Triều Tiên đã nỗ lực tạo thêm "một thành tựu mới", "đổi mới" năng lực phòng thủ của Triều Tiên.

Có phải là vũ khí hạt nhân?

Cũng như mọi lần, thông tin về vũ khí chiến thuật mới được đưa ra trong một thông báo hào hùng. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể xác định được rõ đây là loại vũ khí gì do Triều Tiên không hé lộ bất cứ một thông tin cụ thể nào. KCNA chỉ ca ngợi thành công của buổi thử nghiệm và rằng mọi yêu cầu đặt ra đều đã đạt được.

Điều này càng làm dấy lên sự chú ý của giới quan sát quốc tế, lo ngại Triều Tiên “ngựa quen đường cũ”. Tuy vậy, thử nghiệm vũ khí này không hề vi phạm bất cứ lệnh cấm nào về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa.

Một số nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng vũ khí này có thể là bất cứ thứ gì, từ tên lửa, pháo, súng phòng không, máy bay không người lái hay hệ thống vũ khí công nghệ cao. Yang Wook, một chuyên gia quân sự tại Seoul, cho biết “vũ khí chiến thuật” của Triều Tiên có thể là một tên lửa tầm ngắn hoặc một hệ thống phóng tên lửa “nhắm vào Hàn Quốc , kể cả căn cứ quân sự của Mỹ ở đây.”

Tờ nhật báo Chosun Ilbo cùng ngày đã trích các nguồn tin giấu tên của Chính phủ Hàn Quốc trong đó khẳng định Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa nhiều lần trong tháng này. Bên cạnh vũ khí hạt nhân, các tên lửa tầm ngắn cũng được coi là một trong những mối đe dọa quân sự lớn nhất tới Hàn Quốc bởi Triều Tiên triển khai chúng ở gần biên giới Nam - Bắc Triều Tiên để nhắm vào thủ đô Seoul, thành phố có dân số lên tới 10 triệu người.

Ảnh chụp vệ tinh gần đây cũng cho thấy một số công trình mới được xây dựng tại Triều Tiên khiến các nhà phân tích tin rằng đó có thể là mô hình các trụ sở quân đội của phía Hàn Quốc để nước này có thể sử dụng để thực hành bắn mục tiêu.

Một lời hứa mơ hồ

Vào tháng 4 vừa qua, ông Kim cùng Đảng Lao động Triều Tiên đã chấm dứt chính sách “byungjn” (tiến bộ song song), nhằm theo đuổi việc phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân cùng một lúc. Ông cũng cho biết Triều Tiên sẽ tập trung vào việc xây dựng lại nền kinh tế.

Tên lửa Hwasong-15.

Thời gian qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ba lần gặp trực tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận nhằm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6 và hứa hẹn sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Kể từ đó, Triều Tiên đã cho đóng cửa và phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Thế nhưng, thỏa thuận Singapore không hề nêu chi tiết cụ thể về lộ trình và kế hoạch từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các cuộc đàm phán để thực hiện thỏa thuận này liên tục bị gián đoạn. Ngoại giao giữa hai nước bị đình trệ, Washington đòi Bình Nhưỡng đẩy nhanh quá trình từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Triều Tiên nhấn mạnh rằng Mỹ trước tiên phải chấp thuận tuyên bố hòa bình, chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy vậy, cả ông Trump và ông Kim đều quan tâm đến việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác, nhưng không rõ khi nào nó có thể xảy ra khi hai bên chưa tìm được một tiếng nói chung.

Mặc cho việc cả Seoul lẫn Washington đều cho biết các căn cứ tên lửa của Triều Tiên từ lâu đều được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan tình báo quân sự, thông báo về vụ thử vũ khí mới đây là một hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở Hàn Quốc và Mỹ về mối đe dọa tên lửa đến từ Triều Tiên.

Quang Đào

(theo AP, New York Times)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/bi-an-dang-sau-vu-thu-vu-khi-moi-cua-trieu-tien-81707.html