Bí ẩn huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa linh thiêng nổi tiếng Việt Nam

Không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh quân xâm lược, núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa (Thanh Hóa) còn gắn với những câu chuyện kỳ bí đến nay chưa lý giải được.

Núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể khu di tích này bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, được quy hoạch với tổng diện tích 100 ha.

Núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể khu di tích này bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, được quy hoạch với tổng diện tích 100 ha.

Đỉnh ngàn Nưa có đền Am Tiên là ngọn núi cao nhất trong vùng với độ cao 538 m so với mực nước biển. Nơi đây vào mùa hè trời hanh thông, quang đãng, mùa đông thường có mây mù bao phủ tạo cho ngàn Nưa một vẻ đẹp hoang sơ, u tịch và đầy huyền bí.

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Trải qua hàng ngàn năm, dấu tích trên ngọn núi này đã bị xóa mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện về giếng tiên, bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, động am tiên… vẫn còn được kể và lưu truyền đến tận ngày nay.

Trên đỉnh ngàn Nưa, ngoài Am Tiên - là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật… - còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên - tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, cho đến bây giờ dấu tích bàn cờ tiên vẫn đang còn.

Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ không giải thích được trên đỉnh Ngàn Nưa, đó là sự xuất hiện giếng nước trên núi, thường được gọi là giếng Tiên. Trên độ cao hơn 500 m không suối, không khe lại có thủy tụ. Không ai xác định được giếng này có từ khi nào.

Tương truyền, sự chuyển động của vũ trụ tạo ra vết nứt trên đá, dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng. Nơi đây được cho là giếng mà Bà Triệu và nghĩa quân lấy nước sử dụng hàng ngày. Cũng có truyền thuyết cứ tối tối lại thấy các tiên nữ tắm nên gọi là giếng Tiên.

Đặc biệt trên đỉnh ngàn Nưa có một huyệt đạo linh thiêng. Nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa.

Tương truyền, thời nhà Đường có tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi.

Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Tại ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại.

Theo quan sát, huyệt đạo nằm ở đỉnh cao nhất của dãy ngàn Nưa, đây là một mỏm đất khá bằng phẳng rộng chừng vài trăm mét vuông. Khu đất này chính là huyệt đạo mà tướng Cao Biền đã cố tìm cách triệt long mạch nhưng bất thành.

Đây chính là nơi giao hòa giữa đất và trời, nên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ.

Ngày mồng 9 âm lịch hàng năm là ngày mở cửa trời, núi Nưa trời quang đãng, hanh thông, đất trời như rộng mở. Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc một năm sung túc và ấm no.

Hiện nay, nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Du khách đến đây để chiêm ngưỡng “huyệt đạo”, giếng tiên… và nghe những truyền thuyết đượm tính chất lịch sử pha lẫn tâm linh.

Đường lên đỉnh ngàn Nưa quanh co, uốn lượn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ nhưng kỳ vĩ, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Mời quý độc giả xem video: Dòng dung nham đỏ rực của núi lửa lớn nhất châu Âu. Nguồn: Zing News.

Thùy Liên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bi-an-huyet-dao-tren-dinh-ngan-nua-linh-thieng-noi-tieng-viet-nam-1819755.html