Bí ẩn khó tin và vẻ đẹp kỳ ảo của hang động đẹp nhất miền Bắc

Mặc dù mới được phát hiện, chưa được nhiều người biết đến, nhưng hang Lùng Khúy (Quản Bạ, Hà Giang), được một số người am hiểu đánh giá là hang động đẹp nhất miền Bắc.

Mặc dù mới được phát hiện, chưa được nhiều người biết đến, nhưng hang Lùng Khúy (Quản Bạ, Hà Giang), được một số người am hiểu đánh giá là hang động đẹp nhất miền Bắc.

Điều thú vị, là hang đá này thuộc bản Lùng Khúy, xã Quản Bạ, cách thị trấn Quản Bạ độ 10km, nhưng lại chỉ mới được phát hiện 3 năm trước, ở nơi được vinh danh là công viên địa chất toàn cầu từ nhiều năm qua.

Đi qua “núi đôi” tuyệt đẹp ở thị trấn Quản Bạ, nơi có mấy vết đứt gãy kỳ ảo, rẽ tay phải, con đường như dải lụa uốn quanh dải núi, dẫn đến bản Lùng Khúy.

Độ chục năm trước, tôi đã từng vào bản Lùng Khúy, đi theo người Mông tìm huyết lình (máu đẻ của loài khỉ) trên những vách đá cheo leo, nhưng tuyệt nhiên không biết đến hang động này. Đường vào bản khi đó khó khăn, dốc ngược như đường lên giời. Giờ đã có đường nhựa phẳng phiu, chạy vào đến bản.

Bản Lùng Khúy nằm dưới thung lũng, bao quanh bởi những quả núi đá vôi cao chất ngất, chỗ phủ màu xanh mát mắt, chỗ lộ vách đá trắng phau. Những mái nhà Mông thấp lè tè, đứng từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy mái nhà trồi lên giữa vườn đào, vườn mận.

Từ đầu bản, đã thấy hàng quán lưa thưa, bán những sản vật rừng, dược liệu. Có lẽ, mấy chục hộ dân bản Mông ngoài lên nương chọt kẽ đá trồng ngô, đã có thêm nghề mới là làm dịch vụ phục vụ du khách.

Anh Vàng Mý Páo, người được dân bản bầu trông nom hang động tận tình chỉ đường cho du khách tìm đến hang.

Theo lời anh Vàng Mý Páo, thì hang động chính thức được phát hiện từ tháng 3/2015, tức là mới 3 năm trước. Ấy thế nhưng, với dân bản, thì hang này được người dân biết đến từ cả trăm năm trước rồi, từ ngày tổ tiên người Mông đến định cư, gây dựng nên bản Lùng Khúy.

Theo anh Páo, hang động này là nơi linh thiêng của người Mông ở bản. Theo truyền thuyết, xưa kia, tổ tiên người Mông trong vùng di cư từ phương Bắc xuống, đến khu vực bản Lùng Khúy, thì kiệt sức, đói khát và bệnh tật. Rất nhiều người chết dọc đường đi vì căn bệnh lạ, khiến lở loét toàn thân.

Đứng trước nguy cơ chết hết cả bản, một thầy cúng đã trèo lên tận đỉnh núi, ngửa mặt lên trời than khóc, cầu cứu thần linh. Bỗng nhiên, một tiếng nói vang ra từ vách núi, bảo rằng, cứ vào hang lấy nước cho đồng bào uống, sẽ khỏi bệnh, hết đói, hết khát.

Đi theo tiếng nói, thầy cúng phát hiện ra cửa hang nhỏ. Càng vào trong, hang động càng rộng lớn, đẹp mắt. Vô vàn hình thù nhũ đá, trông như các vị thần ngồi yên lặng. Theo tiếng nước chảy, thầy cúng chui xuống đáy hang, thì phát hiện giếng nước trong vắt. Hàng ngàn giọt nước chui ra từ mái đá, cứ tí tách rơi xuống giếng nước ấy.

Vị thầy cúng múc nước, đem về bản. Mỗi người uống một ngụm nước, thì tự dưng tỉnh táo, khỏe mạnh lại như thường. Điều kỳ lạ, sau một đêm ngủ dậy, thì bệnh tật biến hết, các vết lở loét cũng lành lại.

 "Giếng thần" trong hang cho thứ nước mà đồng bào bản Lùng Khúy tin rằng có thể chữa được bệnh.

"Giếng thần" trong hang cho thứ nước mà đồng bào bản Lùng Khúy tin rằng có thể chữa được bệnh.

Nghĩ rằng thần linh đã giúp, đồng bào đã cắm dùi, lập bản ngay chân núi. Các thầy cúng được cắt cử trông nom hang động, là nơi trú ngụ của thần linh. Ngày lễ, ngày tết, thầy cúng và người già uy tín trong bản, mang lễ vật lên miệng hang cúng thần rừng, thần núi, thần động.

Người dân còn kéo đường nước từ “giếng thần” để tưới cây theo kiểu nghi lễ. Họ tin rằng, chỉ tưới một chút nước lúc gieo hạt, thì cây ngô, cây lúa sẽ tốt bời bời, cuộc sống quanh năm no ấm.

Vì tin rằng, “giếng thần” linh thiêng và hang động là nơi thần ngụ, bảo vệ cuộc sống người dân Lùng Khúy, nên hàng trăm năm qua, đồng bào Mông bản Lùng Khúy giấu kín hang động này, không cho người ngoài biết. Ngay cả chính quyền xã, lãnh đạo hoặc người dân các bản xung quanh cũng không biết. Chỉ có người Lùng Khúy mới biết đến sự tồn tại của động này.

Trước khi vào động, người dân phải tắm rửa sạch sẽ, mang lễ vật đến cửa hang cầu xin, rồi mới được vào lấy “nước thần”. Riêng phụ nữ đến ngày hành kinh, hoặc mới sinh con, thì không bao giờ dám bén mảng đến gần, chứ đừng nói vào hang lấy nước, vì họ tin rằng, phụ nữ đến tháng hoặc mới sinh thân thể không sạch sẽ, làm ô uế nguồn nước và nơi thần ngụ.

Niềm tin vào thần linh đôi khi đến mức hơi mù quáng, khiến người Mông ở Lùng Khúy đặt cả tính mạng vào. Có bệnh, họ không đến bệnh viện, mà mời thầy cúng đến nhà… điều trị. Ngoài việc cúng bái theo thủ tục, thì thầy cúng còn lên tận hang Lùng Khúy xin thần linh nước “giếng thần” để chữa bệnh cho người dân.

Video: Người đàn ông được sói nuôi trong hang suốt 14 năm

Đường lên hang Lùng Khúy được làm các bậc đá, nhưng khá dài, quanh co trên vách núi. Theo anh Vàng Mý Páo, hồi đầu năm 2015, nhận được công văn của lãnh đạo tỉnh, động viên đồng bào các bản phát hiện thắng cảnh, di tích nào đẹp, có ý nghĩa, thì thông báo cho chính quyền, để phát triển du lịch, cả bản đã họp nhiều ngày, và cuối cùng, thống nhất thông tin hang động này cho chính quyền địa phương.

Ngay lập tức, lãnh đạo cấp tỉnh, trong đó có ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, đã lập tức về Lùng Khúy khảo sát và kinh ngạc trước hang động tuyệt đẹp này. Cũng rất nhanh chóng, toàn dân bản Lùng Khúy vào cuộc, và con đường bậc đá dài độ 2 ngàn mét, dẫn lên động đã được làm xong trong vài tháng. Kèm theo đó, là hệ thống đường dẫn để du khách có thể tham quan hang động một cách an toàn, chiêm ngưỡng được toàn bộ vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của hang.

Độc giả VTC News cùng khám phá vẻ đẹp của hang Lùng Khúy qua ảnh:

Phạm Dương Ngọc

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bi-an-kho-tin-va-ve-dep-ky-ao-cua-hang-dong-dep-nhat-mien-bac-d412540.html