Bí ẩn loại chiến đấu cơ Liên Xô buộc phải ném bom vào chiến hạm nổi loạn năm 1976

Nhờ chiến đấu cơ Yak-28 ném bom ngăn chặn, cuối cùng cuộc nổi loạn trên chiến hạm săn ngầm hiện đại Storozhevoy đã bị dập tắt vào năm 1976.

Valery Sablin, chính trị viên đã lãnh đạo nhóm thủy thủ để cướp chiến hạm Storozhevoy chạy trốn, điều này buộc Liên Xô phải huy động cả máy bay ném bom Yak-28 ném bom để ngăn chặn.

Tối 8-10-1976, đại úy chính trị viên Valrey Sablin đã lừa để bắt giữ đại úy Anatoly Potulny, chỉ huy khinh hạm chống ngầm Storozhevoy đang neo đậu ở quân cảng Riga.

Sau khi bắt giữ Potulny, Sablin quyết định chiếm quyền kiểm soát tàu Storozhevoy để gây sức ép kêu gọi thay đổi từ phía Tổng bí thư Leonid Brezhnev.

Anh ta cho rằng tổng bí thư đã quá chú trọng đến các dự án quân sự mà quên đi việc phát triển kinh tế.

Theo kế hoạch, Sablin sẽ cho tàu rời cảng Riga để đến Leninggrad cách 804 km về phía đông bắc và neo đậu tại đảo Kronstadt. Tại đây, họ sẽ kêu gọi lãnh đạo Liên Xô thực hiện một cuộc cải cách mới.

Tuy nhiên một thủy thủ trên tàu đã trốn thoát được và thông báo cho nhóm lính canh gác tàu ngầm gần đó. Nhận thấy kế hoạch đã bị lộ, Sablin quyết định cho tàu nhổ neo sớm, tắt radar và đèn hiệu, bí mật rời quân cảng Riga ngay trong đêm.

Để đến được Leningrad, chiếc tàu cần đi lên phía bắc tiến vào Biển Baltic, hướng về Thụy Điển. Hạm đội Baltic của Liên Xô lúc này đã nắm được tình hình và cho rằng khinh hạm Storozhevoy đang đào tẩu đến Thụy Điển.

Lãnh đạo Liên Xô coi đây là hành động đào tẩu nghiêm trọng, bởi tàu Storozhevoy thuộc khinh hạm lớp Burevestnik tối tân với những hệ thống tên lửa mới nhất của hải quân Liên Xô.

Một phó đô đốc hải quân Liên Xô đã tìm cách liên lạc qua vô tuyến, thuyết phục Sablin quay đầu trở về với cam kết sẽ tha thứ cho hành động nổi loạn nhưng bất thành. Cuối cùng, sự việc được báo cáo cho Tổng bí thư Brezhnev (ảnh) lúc 4 giờ sáng. Ông ra lệnh sử dụng vũ lực để ngăn chặn vụ đào tẩu.

Sau khi nhận lệnh, 11 tàu tấn công nhanh từ cảng Riga và Liepiejaie ở Latvia được triển khai để đuổi theo chiếc khinh hạm.

Cùng lúc đó, máy bay tuần thám Il-38 và oanh tạc cơ Tu-16 của hải quân, cùng các máy bay ném bom Yak-28I và Yak-28L thuộc Trung đoàn máy bay ném bom số 66 không quân xuất kích, quần thảo trên biển.

Liên Xô tiếp tục điều thêm 36 máy bay ném bom Yak-28 của trung đoàn 668 cũng tham gia cuộc truy đuổi.

Đây là một cuộc truy đuổi hùng hậu nhất của hải quân Liên Xô lúc bấy giờ.

Trong lúc quần thảo, phi đội máy bay ném bom Yak-28 phát hiện một con tàu ở eo biển Ibre và thả bom FAB-250 gây hư hại nặng, nhưng đây chỉ là một tàu hàng Liên Xô đang trên đường đến Phần Lan.

Sau khi phát hiện được chính xác chiến hạm săn ngầm Storozhevo, một máy bay ném bom Yak-28 nã pháo 23 mm vào mạn trái tàu, trong khi các máy bay khác liên tục quần đảo để thị uy.

Tuy nhiên nhận thấy chiếc tàu không có dấu hiệu hợp tác, các chiến đấu cơ Yak-28 được lệnh ném bom sát màn tàu. Một quả bom FAB-250 rơi trúng đuôi tàu, thổi bay một mảng sàn và khiến bánh lái bị kẹt.

Sau đó thuyền trưởng được giải cứu và đã chiếm lại quyền điều khiển con tàu. Lúc này phi đội ném bom Yak-28 cũng ngừng ném bom sau khi tấn công nhầm các tàu Liên Xô truy đuổi phía sau và bị bắn trả nhưng không gây thiệt hại.

Đây được coi là một trong những phi vụ mang đậm dấu ấn của dòng chiến đấu cơ Yak-28.

Ra đời cùng thời tiêm kích MiG-21, nhưng không được xuất khẩu rộng rãi khiến Yak-28 bị lu mờ hoàn toàn trước họ MiG trong suốt thời gian hoạt động.

Yak-28 là máy bay chiến đấu cánh cụp, động cơ phản lực do Cục thiết kế OKB Yakovlev phát triển từ cuối những năm 1950, chính thức biên chế từ năm 1960 cho Không quân Liên Xô.

Khác với mẫu MiG-21 ra cùng thời, Yak-28 không được xuất khẩu mà chỉ dùng trong nước nên nó không có nhiều cơ hội chứng minh sức mạnh trên chiến trường.

Máy bay được thiết kế với đôi cánh giữa lớn, cụp một góc 45 độ, cánh đuôi đứng gắn 2 cánh nhỏ hơn để tăng khả năng điều khiển bay.

Trên 2 cánh chính được lắp động cơ phản lực Tumansky R-11 cho vận tốc cực đại 1.840km/h, bán kính chiến đấu hơn 1.000km, trần bay 16.750m.

Thiết kế ban đầu của Yak-28 là mẫu máy bay ném bom chiến thuật với khả năng mang 3 tấn vũ khí và một khẩu pháo 23mm.

Sau này, nó còn được phát triển cho nhiều nhiệm vụ khác nhau như: trinh sát Yak-28R; tác chiến điện tử Yak-28PP; huấn luyện phi công Yak-28U và tiêm kích đánh chặn tầm xa Yak-28P (trang bị radar Oriol-D và 2 tên lửa đối không R-98 dẫn bằng radar có tầm bắn khoảng 20km).

Tổng cộng đã có 1.180 chiếc được chế tạo và chúng chỉ nghỉ hưu hoàn toàn vào năm 1992.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-bi-an-loai-chien-dau-co-lien-xo-buoc-phai-nem-bom-vao-chien-ham-noi-loan-nam-1976/775139.antd