Bí ẩn phòng thí nghiệm trong đài tưởng niệm

Ðể tưởng nhớ vụ đại hỏa hoạn thảm khốc nhất trong lịch sử nước Anh, một tượng đài tưởng niệm đã được xây dựng ngay chính nơi bắt đầu xảy ra vụ hỏa hoạn. Thế nhưng ít ai biết rằng, bên trong đài tưởng niệm ấy còn có một phòng thí nghiệm vô cùng bí ẩn.

Đài tưởng niệm là một cột trụ bằng đá cao hơn 60m, mang hình dáng kiến trúc Doric nổi tiếng, tọa lạc gần cầu London, nằm giữa phố Cá (Fish Street Hill) và đường Monument, cách tiệm bánh của ông Thomas Farriner thuở xưa, nơi bắt nguồn vụ hỏa hoạn, chưa đầy 700m.

Vụ hỏa hoạn này đã phá hủy hoàn toàn phần nội thành London, thiêu rụi 13.200 căn nhà, 87 nhà thờ giáo xứ, giáo đường Thánh Paul và hầu hết các tòa nhà của chính quyền thành phố.

Sau vụ cháy, công việc thiết kế lại thành phố được giao cho kiến trúc sư nổi tiếng nhất nước Anh thời bấy giờ, Christopher Wren. Tuy nhiên, công trình xây dựng Đài tưởng niệm lại do người bạn thân của ông, Robert Hooke, thiết kế.

Mặc dù được mệnh danh là “Leonardo của nước Anh”, nhưng Robert Hooke còn là một nhà khoa học đa tài, một nhà cơ khí vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm đó. Ông chính là người đầu tiên chế tạo ra kính viễn vọng, là người phát minh ra khớp nối trục sử dụng trong động cơ xe. Ông cũng là người phát hiện ra Định luật đàn hồi Hooke và sáng tạo ra thuật ngữ “tế bào” trong sinh học.

Thời gian này trong giới khoa học cũng xảy ra những cuộc tranh luận không có lời giải đáp về việc Mặt trời quay xung quanh Trái đất hay Trái đất quay xung quanh Mặt trời.

Do đó, khi nhận dự án xây dựng Đài tưởng niệm, Hooke đã quyết định thiết kế, xây dựng một đài tưởng niệm “hai trong một” để có thể chứng minh được nhận định Trái đất quay quanh Mặt trời của mình.

Nhận thấy việc quan trọng nhất để có thể chứng minh nhận định đúng đắn của mình là phải tạo ra được một công cụ để quan sát sự chuyển động của các thiên thể, ông quyết định vừa xây Đài tưởng niệm theo yêu cầu, vừa biến nó thành một chiếc kính viễn vọng khổng lồ. Ngoài ra, ông còn thiết kế một phòng thí nghiệm ẩn giấu bên trong lòng cột...

Bí mật chỉ nằm trong suy nghĩ, lại là người vừa chịu trách nhiệm giám sát cũng như thi công công trình, những tưởng đài tưởng niệm này sẽ nhanh chóng biến giấc mơ của Hooke thành sự thật.

Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Công trình đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng vì thiếu nguyên vật liệu, đó là loại đá tốt nhất ở đảo Portland.

Theo Hooke thì công trình đài tưởng niệm kiêm kính viễn vọng của ông cần tới 789m3 loại đá này, nhưng Vua Charles II lại ban bố lệnh cấm vận chuyển loại đá này khỏi đảo Portland mà chưa được phép của kiến trúc sư phụ trách dự án Christopher Wren.

Thêm vào đó, những ý kiến đóng góp cho rằng cần đặt bức tượng của Vua Charles II ở trên đỉnh cũng làm kế hoạch kính viễn vọng trong Đài tưởng niệm của Hook suýt bị phá sản vì nếu đặt bức tượng trên đỉnh tháp thì không thể có chiếc kính... Cũng may nhà vua từ chối đề nghị này vì sợ nó có thể khiến dân chúng nghĩ rằng nhà vua chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn.

Cuối cùng, phải mất 6 năm sau, vào năm 1677, việc xây dựng Đài tưởng niệm của Hooke mới hoàn tất theo mục đích của ông.

Thế nhưng, do quá mải mê với việc tạo ra một chiếc kính viễn vọng mà Hooke quên để ý đến những ngoại lực bên ngoài tác động lên nó. Trong thực tế việc sử dụng Đài tưởng niệm như một kính viễn vọng gặp khá nhiều khó khăn vì việc giữ cho 2 thấu kính khổng lồ thẳng hàng và cách nhau đến 60m là điều vô cùng khó khăn. Việc gắn chúng vào kính thiên văn cũng không hề dễ...

Bức tranh miêu tả vụ đại hỏa hoạn thảm khốc nhất trong lịch sử nước Anh.

Thêm nữa, vị trí của Đài tưởng niệm nằm sát ngay phố Cá, là tuyến đường chính dẫn đến cầu London. Đây là một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố, chỉ cách phòng thí nghiệm vài mét.

Những rung chấn mạnh từ các phương tiện giao thông đông đúc đã khiến các phép đo không còn chính xác. Hooke đã không lường trước được các yếu tố tác động của môi trường khi phải thực hiện những thí nghiệm có độ nhạy cảm cao. Cuối cùng, ông phải từ bỏ kế hoạch sử dụng Đài tưởng niệm làm kính thiên văn.

Dù không thể sử dụng Đài tưởng niệm làm kính thiên văn như ý định ban đầu, nhưng Hooke cũng đã biến nơi đây thành một phòng thí nghiệm bí mật, chuyên nghiên cứu, thử nghiệm mọi thứ liên quan đến độ cao mà không cần phải xin phép.

Hơn nữa, chính tại đây vào năm 1678, Robert Hooke đã có một thí nghiệm vật lý thành công khi ông theo dõi sự thay đổi áp suất một cách chính xác, và xác nhận áp suất không khí giảm xuống theo cao độ.

Trần Đức Tân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/bi-an-phong-thi-nghiem-trong-dai-tuong-niem-484994/