Bí ẩn tâm linh các ngọn núi được khắc trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn

Trong quan niệm của người xưa, các ngọnnúi không chỉ là thắng cảnh đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy sâu xa và gắn với nhiều truyền thuyết huyền bí. Cùng khám phá điều này qua hình tượng các ngọn núi được khắc trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn.

Cao đỉnh, chiếc đỉnh đầu tiền trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn khắc hình tượng "Thiên Tôn Sơn" là núi Thiên Tôn ở thôn Gia Miêu, Thanh Hóa, nơi phát tích linh thiêng của vương triều Nguyễn. Năm 1821, vua Minh Mạng đổi tên núi thành núi Triệu Tường, cho thần Núi ở đây được tế phụ ở đàn Nam Giao.

Nhân đỉnh, chiếc đỉnh thứ hai trong Cửu đỉnh nhà Nguyễn khắc hình tượng "Ngự Bình sơn" là núi Ngự Bình ở phía Nam kinh thành Huế. Nhà Nguyễn coi núi Ngự Bình là một tấm bình phong che chở cho Kinh thành. Cùng với sông Hương, núi Ngự là một biểu tượng huyền thoại của Cố đô Huế.

Chương đỉnh, chiếc đỉnh thứ ba khắc hình "Thượng sơn", nghĩa là núi Thượng hay núi Kim Phụng, danh thắng ở Hương Trà, Huế. Với chiều cao 427 m, đây là ngọn núi cao nhất xứ Huế. Tương truyền, xưa kia trên núi có giếng nước rất trong, đỉnh núi có tượng Phật và tượng thần núi.

Anh đỉnh, chiếc đỉnh thứ tư khắc hình "Hồng sơn" là núi Hồng Lĩnh, ngọn núi biểu tượng tâm linh của xứ Nghệ. Tương truyền núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, nhiều đỉnh được đặt tên theo truyền thuyết. Trên núi có nhiều đền chùa cổ như chùa Hương Tích, Chân Tiên.

Thuần đỉnh - chiếc đỉnh thứ 6 có hình "Tản Viên sơn", là núi Tản Viên hay núi Ba Vì, ngọn núi gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Tương truyền, núi hình thành khi Sơn Tinh dùng phép để ngăn nước lũ từ Thủy Tinh. Núi Tản cũng là nơi ngự của thần Tản Viên, một trong Tứ Bất Tử theo tín ngưỡng dân gian.

Tuyên đỉnh, chiếc đỉnh thứ 7 khắc hình tượng "Duệ sơn", tức núi Duệ hay núi Lễ ở Hương Trà, Huế. Ngọn này được ví như vị thần canh giữ, đứng trấn trị phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu của Cố đô Huế.

Tuyên đỉnh còn có hình tượng "Đại Lãnh" là mũi Đại Lãnh, một mỏm núi đâm ra biển, danh thắng của đất Phú Yên. Có sự tích kể lại rằng sự hình thành mũi Đại Lãnh là do một con chim thần khổng lồ từ phương Bắc lao xuống khu vực này và hóa thành mũi núi nhô ra biển.

Dụ đỉnh, chiếc đỉnh thứ 8 có hình tượng "Hải Vân quan", nghĩa là cửa ải Hải Vân, một cửa ải quan trọng trên núi Bạch Mã trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam. Nhà Nguyễn mệnh danh nơi này là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", nghĩa là cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời.

Huyền đỉnh, chiếc đỉnh cuối cùng trong Cửu Đỉnh có hình tượng "Hoàng sơn" là đèo Ngang, một phần dãy núi Trường Sơn chạy ngang ra biển. Vùng núi này gắn với lời tiên tri của Trạng Trình về cơ đồ nhà Nguyễn: "Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân", nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời.

Mời quý độc giả xem video: Phục dựng Tử Cấm Thành Huế.

Quốc Lê

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/vietnamdaily-relax/bi-an-tam-linh-cac-ngon-nui-duoc-khac-tren-cuu-dinh-nha-nguyen-91621.html