Bị BIDV siết nợ hơn 2.200 tỷ, đại gia Võ Thị Thanh vẫn thuộc top người giàu

Do đầu tư sai lầm vào bất động sản mà Công ty Cổ phần Thuận Thảo liên tiếp lỗ ròng từ năm 2015 đến nay và chính thức bị BIDV siết nợ với hơn 2.200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, 'bông hồng vàng' Võ Thị Thanh vẫn sở hữu khối tài sản trị giá 7,5 tỷ trên thị trường chứng khoán và hàng loạt bất động sản du lịch.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Phú Tài vừa đăng thông báo bán nợ với tổng giá trị hơn 2.200 tỷ đồng gồm 1.208 tỷ đồng nợ gốc và 1.070 tỷ đồng nợ lãi theo con số tạm tính đến ngày 31.12.2017. Thời gian đấu giá đến ngày 2.3.2018.

Doanh nghiệp liên tiếp thua lỗ, bà Thanh vẫn rất giàu có

Được biết, khoản nợ này đã quá hạn nhiều năm. Bên vay nợ gồm 96 tổ chức/cá nhân trong đó có Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 cá nhân liên quan. Toàn bộ khoản nợ của 96 bên vay nợ trên được đảm bảo bởi 3 bất động sản tại quận 1, huyện Bình Chánh và cổ phiếu của Thuận Thảo.

Cụ thể, trụ sở chính của Thuận Thảo Nam Sài Gòn rộng 275 m2 tại 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, cùng 2 khu đất ở Bình Chánh có tổng diện tích lên tới 22 ha nằm tại Khu phố 2 (16,6 ha) và khu phố 4 (5,4 ha) thuộc Thị trấn Tần Túc, huyện Bình Chánh. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn gồm 5,2 triệu cổ phiếu.

Tài sản 2 là bất động sản tại khu phố 2, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM với diện tích 16,6 ha. Tài sản 3 là bất động sản tại khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM với diện tích 5,4 ha. Tài sản 4 là 5.200.000 cổ phiếu.

BIDV thông báo đấu giá tài sản bất động sản của bà Võ Thị Thanh để thu hồi nợ

Cổ phiếu GTT của Thuận Thảo từng niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và tháng 6.2016, nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài và phải xuống đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM, hiện có giá chỉ khoảng 500 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính quý IV.2017 (chưa kiểm toán) cho thấy tổng tài sản của Thuận Thảo là 823 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 50,6 tỷ đồng. Công ty không còn vốn lưu động với tiền mặt chỉ là 90 triệu đồng. Trong khi đó nợ ngắn hạn lên tới 1.256 tỷ đồng.

Vốn điều lệ là 435 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ lũy kế vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng (1.079 tỷ đồng) khiến vốn chủ sở hữu của Thuận Thảo ở mức âm 633 tỷ đồng. Năm 2017 lỗ lũy kết là 159 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 297 tỷ đồng. Bản thân Thuận Thảo đang có khoản vay dài hạn 153 tỷ đồng và ngắn hạn 472 tỷ đồng với BIDV Phú Tài, đã mất khả năng chi trả.

Ngoài ra, Thuận Thảo còn có khoản vay hơn 10,7 tỷ đồng tại Vietinbank Phú Yên, cũng mất khả năng chi trả. Trong khi đó, Thuận Thảo lại có khoản cho vay 400 tỷ đồng với Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn, hiện đã phải trích lập toàn bộ 400 tỷ nợ gốc và 53 tỷ lãi vay.

Mặc dù vậy, “bông hồng vàng” Võ Thị Thanh vẫn sở hữu khối tài sản trị giá 7,5 tỷ trên thị trường chứng khoán và hàng loạt bất động sản du lịch. Riêng năm 2017, bà Võ Thị Thanh nhận 918 triệu đồng tiền lương và thù lao dù không tìm được giải pháp để chấm dứt tình trạng thua lỗ kéo dài liên miên và mất khả năng chi trả, buộc BIDV phải bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

Ngoài ra, bông hồng vàng Võ Thị Thanh vẫn sở hữu khối tài sản khủng trên nhiều lĩnh vực Vận tải hành khách chất lượng cao, Taxi; Vận tải hàng hóa; Khách sạn 5 sao CenDeluxe, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Resort & Spa, Du lịch Sinh Thái Giải trí, Tổ chức sự kiện, Du lịch lữ hành, Sản xuất nước uống đóng chai SUGA…

Thảm kịch không lối thoát của “bông hồng vàng” Võ Thị Thanh

Công ty CP Thuận Thảo (mã cổ phiếu GTT) trước đây là doanh nghiệp vận tải hàng đầu của tỉnh Phú Yên, do bà Võ Thị Thanh thành lập năm 1997. Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo được biết đến với hai lần được vinh danh “bông hồng vàng” đã một tay gầy dựng Công ty Cổ phần Thuận Thảo ngày càng phát triển. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, bà là chủ nhân của một số tài sản khổng lồ.

Công ty này bắt đầu lao dốc khi tăng vốn liên tục và lao vào các dự án bất động sản cuối thập kỷ trước. Tham vọng bước chân vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với các khu nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao tại TP.Tuy Hòa khiến Thuận Thảo phải vay nợ lớn, trong khi thị trường chưa phù hợp đã đánh quỵ doanh nghiệp này.

Một góc Golden Beach Resort - một trong những dự án nổi bật của công ty Thuận Thảo (Ảnh: IT)

Hồi cuối tháng 2, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thẻ của Thuận Thảo do nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không thanh toán được.

Trước đó, giữa 2016, doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu và sau đó chuyển sang thị trường Upcom. Cổ phiếu GTT chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu và thường xuyên không có giao dịch trên TTCK.

Trong tháng 3.2017, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến hiện tượng hy hữu: một doanh nghiệp có tài sản cả ngàn tỷ đồng phải nhiều lần xin Cục thuế từng hóa đơn xuất hàng cho khách lẻ, với doanh thu một vài chục triệu đồng.

Đây thực sự là thảm kịch đối với CTCP Thuận Thảo, một thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên và thuộc hạng có tiếng tăm trên cả nước. Doanh nghiệp này từng sở hữu khách sạn 5 sao đầu tiên, siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên và bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam, khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà hát,...

Thảm kịch thua lỗ nặng nề, của doanh nghiệp của nữ chủ tịch Võ Thị Thanh bắt nguồn từ 5-7 năm qua khi mà Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư, phát triển như vũ bão với hàng loạt các dự án BĐS du lịch như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự phát triển và thị trường BĐS bước vào thời kỳ khủng hoảng.

“Gót chân asin” của “bông hồng vàng” Võ Thị Thanh

Một điểm được cho là “gót chân asin” khiến Thuận Thảo ngày càng bết bát, đó là trong trong báo cáo tài chính của Thuận Thảo là khoản đầu tư tài chính 400 tỷ đồng vào CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn - một công ty cũng do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch HĐQT.

Đây là khoản phát sinh từ 3.2013 theo hợp đồng cho vay với thời hạn vay là 12 tháng, nợ gốc vay và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn.

Từ năm 2013, giữa bà Võ Thị Thanh, Thuận Thảo và Thuận Thảo Nam Sài Gòn đã có nhiều quan hệ vay mượn xóa nợ. Cho đến cuối 2016, Thuận Thảo Nam Sài Gòn vẫn chưa thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay lên đến hơn 450 tỷ đồng cho Thuận Thảo. Thuận Thảo gần đây thừa nhận có nguy cơ mất khả năng thu hồi khoản cho vay này.

Trên TTCK, Thuận Thảo là một doanh nghiệp tư nhân đi lên từ doanh nghiệp gia đình. HĐQT của Thuận Thảo có 5 người, bao gồm bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT và 4 thành viên: ông Võ Thanh Hoàng Chương, bà Võ Thanh Minh Hằng, bà Đặng Thị Nguyệt Thương và ông Trần Quốc Hiến. Trong 5 thành viên HĐQT, trừ ông Trần Quốc Hiến, 4 thành viên còn lại đều là “người một nhà”.

Với cơ cấu đó, Thuận Thảo rất khó để thay đổi vì thiếu yếu tố mới. Đó là chưa kể, doanh nghiệp gia đình dễ mắc phải những căn bệnh như nể nang hoặc sức ỳ lớn. Hơn nữa, thời gian gần đây cho thấy, mô hình DN gia đình có trường hợp thành công, nhưng nhiều trong số đó gặp khó khăn như trường hợp Gỗ Trường Thành, Quốc Cường Gia Lai...

Nguyễn Ngân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bi-bidv-siet-no-hon-2200-ty-dai-gia-vo-thi-thanh-van-thuoc-top-nguoi-giau-850342.html