Bị cáo giữ quyền im lặng, tòa tuyên 23 năm tù!

Trong suốt phiên tòa, bị cáo Đỗ Minh Thống xin giữ quyền im lặng vì Viện KSND tỉnh Cà Mau không thay đổi kiểm sát viên. Điều bất ngờ là Hội đồng xét xử ngày 17/3/2020 đã thay đổi quyết định trước đó của chính mình: Chấp nhận để kiểm sát viên P.T.H tiếp tục ngồi ghế công tố.

Bị cáo xin giữ quyền im lặng!

Công lý & Xã hội ngày 6/3/2020 đăng bài “Kiểm sát viên có được quyền viết bài về vụ án mình đang kiểm sát điều tra?” phản ảnh trường hợp KSV P.T.H (thuộc Viện KSND tỉnh Cà Mau) được phân công kiểm sát điều tra, truy tố vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Phòng khám đa khoa khu vực Sông Đốc (PKĐKKVSĐ) viết bài đăng trên Cổng thông tin điện tử ngành kiểm sát buộc tội các bị cáo Đỗ Minh Thống, Phan Phương Đông khi vụ án mới ở giai đoạn khởi tố bị can.

Chính vì vậy, tại phiên tòa ngày 18/2/2020, bị cáo Đỗ Minh Thống đề nghị HĐXX TAND tỉnh Cà Mau thay đổi KSV do có căn cứ không vô tư khách quan trong khi làm nhiệm vụ theo khoản 3 Điều 49 BLTTHS 2015. Tại phiên tòa ngày 18/2/2020, HĐXX TAND tỉnh Cà Mau căn cứ khoản 2 Điều 52 BLTTHS 2015 chấp nhận yêu cầu của bị cáo Thống và ra quyết định hoãn phiên tòa để Viện KSND tỉnh Cà Mau cử KSV khác thay KSV P.T.H.

Theo giải thích của HĐXX, theo điều 52 BLTTHS 2015, việc chấp nhận yêu cầu của bị cáo tại phiên tòa là quyền của HĐXX, còn việc có chấp nhận thay đổi KSV hay không là quyền của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau. Sau khi HĐXX có văn bản yêu cầu thay đổi KSV nhưng Viện trưởng Viện KSND tỉnh không thay đổi mà vẫn giữ nguyên KSV P.T.H thì HĐXX lại chấp nhận quyết định của cơ quan công tố. Do HĐXX TAND tỉnh Cà Mau ngày 18/3/2020 thay đổi quyết định của chính mình, đồng ý để KSV P.T.H tiếp tục giữ quyền công tố tại phiên tòa nên đã dẫn đến việc bị cáo Đỗ Minh Thống xin giữ quyền im lặng trong suốt quá trình diễn ra việc xét xử.

Quang cảnh phiên tòa

Không đồng ý với giải thích của HĐXX, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Minh Thống cho rằng việc thay đổi KSV tại phiên tòa là thẩm quyền của HĐXX. “BLTTHS 2015 không có điều luật nào quy định, sau khi HĐXX quyết định thay đổi KSV tại phiên tòa thì Viện trưởng Viện KSND có quyền phủ quyết quyết định của HĐXX? Nếu HĐXX chấp nhận quan điểm của Viện KSND tỉnh Cà Mau là đã đi ngược lại chính quyết định của mình. Vì vậy, nếu HĐXX chấp nhận để KSV P.T.H ngồi công tố tại phiên tòa thì đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa vì chủ tọa đã đi ngược lại quyết định của chính mình. Một điều chưa có tiền lệ trong hoạt động tố tụng hình sự Việt Nam” – người bào chữa cho bị cáo Đỗ Minh Thống đặt vấn đề.

Nhiều tình tiết gây tranh cãi

Ngoài vấn đề về tố tụng, vụ án này còn nhiều tình tiết gây tranh cãi giữa bên công tố và các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Một trong những nội dung gây tranh cãi là phần tiền kinh doanh dược tại quầy thuốc PKĐKKVSĐ bị cho là thất thoát hơn 830 triệu đồng (giai đoạn 2011-2015). Bị cáo Đỗ Minh Thống bị cáo buộc tham ô số tiền này với lý do bị cáo là kế toán nên phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát.

Tại phiên tòa, người bào chữa đã dẫn chứng, bị cáo Đỗ Minh Thống không phải là người nhận tiền để chi trả tiền thuốc cho các công ty dược, nhà thuốc. Giai đoạn 2006-2010, thủ quỹ Nguyễn Minh Thuận là người ký nhận trên các phiếu chi ở mục “người nhận tiền” với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng, còn bị cáo Thống nhận chưa đến 200 triệu đồng; giai đoạn 2011-2015 các công ty dược, nhà thuốc trực tiếp đến nhận hơn 1,5 tỷ đồng. “Rất tiếc, trong cáo trạng không có dòng nào đề cập đến vai trò, trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Thuận. Thủ quỹ Thuận nhận số tiền hơn 6,5 tỷ đồng thì không bị xem xét trách nhiệm, còn người chỉ nhận chưa đến 200 triệu đồng thì bị quy kết tham ô tài sản với số tiền 830 triệu đồng. Số tiền bị quy kết lại nằm ở giai đoạn mà các công ty dược, nhà thuốc trực tiếp nhận tiền. Nếu cho rằng ông Thống tham ô số tiền này thì vai trò ông Thuận cũng không thể không xem xét, ít nhất là người giúp sức”, người bào chữa cho bị cáo Thống nhấn mạnh.

Kiểm sát viên luận tội các bị cáo

Đối với tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, cáo trạng truy tố các bị cáo không trích nộp 35% tiền viện phí (thu trực tiếp từ người bệnh và thu phí bảo hiểm y tế) với số tiền 357 triệu đồng. Các bị cáo Đỗ Minh Thống, Phan Phương Đông cho rằng, trong đó có hơn 90 triệu đồng là tiền thu bảo hiểm y tế (BHYT), số còn lại là tiền thu từ việc xã hội hóa các thiết bị, máy móc y tế, không phải từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, ngoài việc kêu oan về tội “Tham ô tài sản”, các bị cáo còn kêu oan về tội danh này. Theo các bị cáo, phí thu từ BHYT không phải trích nộp 35% về Trung tâm y tế (TTYT) huyện Trần Văn Thời (cơ quan chủ quản của PKĐKKVSĐ) và cũng không có văn bản nào của TTYT huyện Trần Văn Thời chỉ đạo nộp. Tại phiên tòa, ông Trần Văn Vẹn, kế toán trưởng Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời xác nhận lời trình bày của các bị cáo là đúng. Ông Vẹn cũng thừa nhận, trong giai đoan các bị cáo bị truy tố, TTYT không thu 35% phí BHYT của 12 trạm y tế xã thuộc huyện này chứ không riêng gì PKĐKKVSĐ.

Riêng khoản tiền hơn 250 triệu đồng thu viện phí, tại phiên tòa đã xác định có việc PKĐKKVSĐ có kêu gọi xã hội hóa và khoản tiền các bị cáo bị truy tố có thu từ việc khai thác các thiết bị xã hội hóa này. Thế nhưng, quá trình điều tra và truy tố, các cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau không biết có việc xã hội hóa này. Tại phiên tòa, giám định viên về tài chính cũng thừa nhận, trong quá trình được trưng cầu giám định từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau không có thông tin về việc PKĐKKVSĐ có xã hội hóa. Chính vì vậy, người bào chữa cho các bị cáo đề nghị cần phải có văn bản hỏi Bộ Tài chính (cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản liên quan đến việc thu nộp viện phí) về việc xã hội hóa thiết bị y tế thì có phải trích nộp hay không và nếu trích nộp thì bao nhiêu %.

Tương tự, tại phiên tòa, Viện KSND tỉnh Cà Mau cho rằng PKĐKKVSĐ thuộc trường hợp lưu giữ tài chính kế toán 10 năm. Tuy nhiên, người bào chữa viện dẫn Luật Kế toán, Nghị định 128 hướng dẫn Luật Kế toán và văn bản của UBND huyện Trần Văn Thời, xác định PKĐKKVSĐ là đơn vị lưu trữ tài liệu kế toán có loại 5 năm, loại 10 năm do đây là đơn vị không trực tiếp ghi sổ kế toán và báo cáo tài chính. Tại phiên tòa, giám định viên về tài chính từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến thời hạn lưu giữ tài liệu kế toán với lý do vượt quá quyền hạn của người giám định. Vì vậy, theo các luật sư bào chữa, để bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, cần có văn bản giải thích của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Tuy nhiên, sau 4 ngày nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Minh Thống 23 năm tù, bị cáo Phan Phương Đông 5 năm 6 tháng tù về 2 tội “tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. HĐXX đã bác toàn bộ các vấn đề mà người bào chữa cho các bị cáo đặt ra, kể cả những vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa, được xác định là có thật.

Nguyễn Vũ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/bi-cao-giu-quyen-im-lang-toa-tuyen-23-nam-tu-40588.html