Bị cáo Phan Văn Vĩnh đã đề nghị gì trước Tòa?

Bị cáo Phan Văn Vĩnh đã đề nghị HĐXX không công bố bản án lên cổng Thông tin điện tử (của TAND tỉnh Phú Thọ)...

 Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên xét xử

Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên xét xử

Sáng 12/11, sau phần trả lời căn cước tại tòa, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương thông báo quyền lợi, nghĩa vụ của các bị cáo tham dự phiên tòa, trong đó có phần bản án sẽ được công bố lên cổng Thông tin điện tử (của TAND tỉnh Phú Thọ). Nhưng các bị cáo có quyền đồng ý hoặc từ chối công bố bản án lên cổng Thông tin điện tử của tòa. Ngay sau đó, bị cáo Phan Văn Vĩnh xin đứng dậy và nói: “Tôi là Phan Văn Vĩnh. Tôi xin đề nghị từ chối không công bố bản án lên cổng thông tin”.

HĐXX đã chấp thuận đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh. Với việc bị cáo Vĩnh đề nghị như trên, HĐXX sẽ không hỏi thêm bị cáo khác nữa vì chỉ một bị cáo từ chối công bố thì bản án sẽ không được công bố trên cổng thông tin điện tử.

Sau đó, luật sư Nguyễn Huyền Trang (Đoàn Luật sư TPHCM) là luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh cho rằng, bản thân ông Vĩnh dù ốm đau bệnh tật nhưng đã có đơn xin tham gia đầy đủ phiên tòa. Sau đó, luật sư Trang yêu cầu cho bị cáo Vĩnh được ngồi trong suốt phiên tòa (trừ những phần đứng lên trả lời câu hỏi).

Về vấn đề này, chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương thay mặt cho HĐXX khẳng định các bị cáo đều bình đẳng như nhau, HĐXX đã bố trí nhân viên y tế túc trực. “Đối với vấn đề báo chí, chủ tọa cho biết các cơ quan báo chí có trách nhiệm tác nghiệp theo Luật Báo chí”, bà Hương khẳng định.

Các bị cáo tại phiên xét xử

Đại diện nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, cần phải triệu tập thêm đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũ (C50) và thêm 2 văn bản liên quan đến việc điều tra công ty CNC. Luật sư cho rằng, đây là 2 văn bản có lợi cho ông Hóa, cần được đưa vào hồ sơ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cũng đề nghị cơ quan truyền thông, báo chí khi đưa tin cần đưa khách quan, đúng mực, không thiên về tình tiết nào.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, năm 2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty Công ty đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao - CNC và Dương cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty này.

Sau đó, được ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) giới thiệu, Dương gặp ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) để thống nhất CNC trở thành doanh nghiệp bình phong của C50. Theo thỏa thuận, CNC hưởng 80% lợi nhuận kinh doanh, còn lại 20% dành cho C50.

Năm 2015, Phan Sào Nam (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty VTC online) biết CNC là công ty bình phong nên đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc qua mạng. Dương sau đó đã chỉ đạo cấp dưới soạn hợp đồng để ăn chia lợi nhuận từ game đánh bạc.

Tháng 7/2017, Công an tỉnh Phú Thọ phát giác hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Quá trình điều tra mở rộng, đầu 2018, Cơ quan công an khởi tố 2 bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.

Cáo trạng nêu rõ, sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/ Tip.Clup, 23 Zdo, Zon/Pen các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống “đại lý cấp 1”, “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Với hệ thống trên các đối tượng đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép hơn 9.800 tỷ đồng.

Phương Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201811/bi-cao-phan-van-vinh-da-de-nghi-gi-truoc-toa-619164/