Bị cáo Phan Văn Vĩnh sử dụng 'quyền im lặng' khi được hỏi về vấn đề góp vốn vào Cty CNC

Sáng 20-11, HĐXX sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Phan Văn Vĩnh...

Trả lời câu hỏi của vị luật sư về áp lực công việc, bị cáo Phan Văn Vĩnh đáp rằng, vì đánh án nên quỹ thời gian không được nhiều. Cty CNC so với Tổng cục Cảnh sát chỉ là một bộ phận rất nhỏ và bị cáo không đủ quỹ thời gian để trao đổi. Về vấn đề của Cty CNC, trong hồ sơ vụ án đã có.

Khi luật sư hỏi về những thành tích cụ thể (Huân, Huy chương, Bằng khen…) bị cáo nói, gia đình đã nộp cho CQĐT và trong hồ sơ vụ án đã thể hiện nên mong luật sư miễn cho bị cáo trình bày vấn đề này. Sau đó, vị luật sư nhắc đến các thành tích được ghi nhận của bị cáo và tình trạng sức khỏe (hỏng một mắt, điếc tai trái, bệnh tim mạch…) và bị cáo Vĩnh xác nhận điều này.

Luật sư tham gia xét hỏi với các bị cáo.

Về văn bản không số do bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trình, bị cáo Vĩnh cho rằng, có quyết định cho nghỉ chờ chế độ vào tháng 12. Lúc này, Hóa đưa ký về văn bản không số để trình lãnh đạo.

Bị cáo Vĩnh khai, phát hiện sai phạm, đã xây dựng kế hoạch bóc gỡ, xử lý đối tượng và kể cả CNC cũng không nằm ngoài sự tấn công của lực lượng CA khi có vi phạm. Bị cáo có thắc mắc với Hóa vì trước đó, bị cáo Hóa có gửi cho Vĩnh thông báo đình chỉ hoạt động của Cty CNC nhưng sau lại có tờ trình không số.

“Mọi hoạt động dù đúng, sai đều phải được báo cáo lãnh đạo. Với ý chí của tôi, chỉ còn một vài ngày nữa về hưu nên chỉ nghe và trao đổi. Tôi ký văn bản anh Hóa trình để nhằm mục đích không báo cáo vượt cấp, ký bút phê” – lời bị cáo Vĩnh. Được VKSND hỏi, có thấy có lỗi không, Phan Văn Vĩnh trả lời: “Có lỗi nên tôi mới phải chịu thân phận như này”.

“Hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến mang tính thí điểm, bị cáo nghĩ thế nào về việc này?” – luật sư nêu, bị cáo Vĩnh thừa nhận, không có kiến thức sâu về công nghệ thông tin, lại có tuổi tác. Nhưng bị cáo tin tưởng vào trí tuệ của cấp dưới, những người có đủ năng lực. Trong quá trình quản lý, không tránh khỏi kẽ hở và bị lợi dụng.

Bị cáo Vĩnh trả lời tòa (bị cáo được ngồi vì sức khỏe yếu).

Đáng chú ý, bị cáo Vĩnh cho rằng, gọi là “Cty bình phong” là không chính xác. Bị cáo ký quyết định số 158/QĐ-C41(C50) công nhận Cty bình phong nhưng theo bị cáo, đó chỉ là cách gọi dân dã. “Không có văn bản nào hướng dẫn, gọi là Cty bình phong, nên gọi là Cty nghiệp vụ thì hợp lý hơn” – lời bị cáo Vĩnh.

Trả lời những câu hỏi của đại diện VKSND, bị cáo Vĩnh nói, nhận ra sai phạm, bị cáo kiểm điểm ngay khi vào phần xét hỏi rằng, hậu quả xảy ra nặng nề, đặc biệt với người còn đang trốn và người thân với gia đình các bị cáo. Bị cáo chỉ đồng ý về mặt chủ trương, còn thực hiện là các Phó Tổng cục trưởng.

KSV cho rằng, lời khai của bị cáo Vĩnh “bất nhất”. Tại tòa, ban đầu, bị cáo thừa nhận lỗi trực tiếp nhưng sau nói là lỗi gián tiếp. “Vậy, bị cáo có rút lại lời nói của mình không?” – KSV hỏi, bị cáo Vĩnh cho rằng, không có sự bất nhất giữa lời khai và lời trình bày và mong VKSND soi xét thấu đáo, ở giai đoạn nào thì bị cáo mắc lỗi, giai đoạn nào không.

Với câu hỏi của luật sư về việc, có văn bản nào quy định việc góp vốn của Cty bình phong không. Bị cáo Phan Văn Vĩnh xin được sử dụng “quyền im lặng”. Bị cáo cũng nhận sai vì khi phát hiện có hành vi vi phạm, lẽ ra phải sâu sát hơn.

Hoa Đỗ - Đức Đông

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bi-cao-phan-van-vinh-su-dung-quyen-im-lang-khi-duoc-hoi-ve-van-de-gop-von-vao-cty-cnc-128000.html