Bị cáo Út 'trọc' Đinh Ngọc Hệ: Cho mượn xe biển xanh, biển đỏ không gây điều tiếng gì, không xảy ra thất thoát

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định, việc cho mượn xe biển xanh, biển đỏ là vì mục đích ngoại giao và cũng chưa bao giờ gây điều tiếng gì, không xảy ra thất thoát, thiệt hại.

Video: Vì sao cựu thượng tá Út "trọc" phải hầu tòa?

Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (SN 1971, tức Út “trọc”, cựu thượng tá quân đội, Phó TGĐ công ty Thái Sơn) và đồng phạm sáng nay tiếp tục với phần tranh luận.

Theo cáo buộc, thông qua Ban TGĐ tổng công ty Thái Sơn, Đinh Ngọc Hệ đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A, trong đó có nhiều xe chỉ huy có giá trị lớn.

Sau khi được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cho mua, đăng ký biển quân sự, được miễn nhiều tỷ đồng tiền thuế trước bạ, Bộ Công an cho đăng ký 15 xe biển xanh 80A, Út "trọc" đã chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng thế chấp các xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80 cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền.

Thậm chí, Út "trọc" còn giao xe biển quân sự, xe biển xanh 80A cho nhiều đối tượng ngoài xã hội sử dụng.

XEM TOÀN BỘ THÔNG TIN VỤ VIỆC TẠI ĐÂY

Tại phiên tòa sáng nay, trả lời luật sư, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng không cho thuê bất cứ xe biển đỏ nào.

Đối với 2 xe biển 80A, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng cho Công ty bia Đông Bắc thuê vì có cổ phần ở đó, có ký hợp đồng vận tải vì mục đích sản xuất kinh doanh, đối ngoại. Tiền mua xe đều là tiền vốn của các cá nhân và cổ đông của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, hoàn toàn không có tiền của Tổng Công ty Thái Sơn.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho biết, mặc dù Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng có 38 xe biển xanh, biển quân sự nhưng trong đó đã có tới 5 xe container hoạt động sản xuất kinh doanh; văn phòng Công ty cổ phần có 5 xe, văn phòng ở Hà Nội cũng có 5 xe.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định, việc cho mượn xe là vì mục đích ngoại giao, đối ngoại và người mượn xe là các quý ông, quý bà, không thể gọi họ là các đối tượng ngoài xã hội như cáo trạng mô tả. Hơn nữa, việc cho mượn xe chưa bao giờ gây điều tiếng gì, không xảy ra thất thoát, thiệt hại.

“Trong tất cả các xe đăng ký biển xanh, biển đỏ, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng không gây điều tiếng gì, không làm mất uy tín cho Tổng công ty Thái Sơn. Quá trình hoạt động cũng chấp hành luật giao thông đường bộ, đúng pháp luật, không chở hàng cấm”, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trả lời luật sư.

 Về việc mua bằng giả, Út “trọc” cho rằng, đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý.

Về việc mua bằng giả, Út “trọc” cho rằng, đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý.

Về việc mua bằng giả, Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ cho rằng, đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý. Kể từ năm 2005, bị cáo đã không tiếp tục sử dụng bằng giả nữa, mong HĐXX xem xét, thông cảm.

Bị cáo Hệ cũng phủ nhận thông tin cho rằng mình chỉ đạo mọi hoạt động tại Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng. Bị cáo mong HĐXX, VKS xem xét bởi bản thân không có quyền lợi ích gì riêng ở công ty. Trong 8 năm làm việc, bị cáo không “lấy một cắc nào tiền rút ra từ tài khoản của công ty Thái Sơn để xài cho cá nhân”.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trình bày, do bản thân không có trình độ, năng lực điều hành nên phải thuê giám đốc. Vì vậy, bị cáo Hệ cho rằng ban giám đốc điều hành phải tự chủ động, quyết định, làm việc và không thể quy chụp tất cả cho ông này.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bi-cao-dinh-ngoc-he-cho-muon-xe-bien-xanh-bien-do-khong-gay-dieu-tieng-gi-khong-xay-ra-that-thoat-d416984.html