Bị co cứng tay chân, mất ý thức sau khi uống cà phê

Rơi vào trạng thái co cứng tay chân sau khi uống cà phê, nam thanh niên 22 tuổi được người đi đường đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM.

BS.CKII Lê Hồng Hải - khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - vừa cấp cứu thành công bệnh nhân H.V.M. (22 tuổi) bị cứng người sau khi uống cà phê, không có người thân bên cạnh.

Loạn thần do uống nhiều cà phê

Trước khi nhập viện, trong lúc lái xe, anh M. loạng choạng, ngã xuống đường trong tình trạng tay chân co cứng. Người đi đường lập tức đưa bệnh nhân vào BVĐK Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.

Anh M. nhập viện trong tình trạng mất ý thức, gồng cứng toàn thân, mắt lờ đờ, tim đập nhanh, da tái xanh; không có biểu hiện ảo giác, hoang tưởng, hạ thân nhiệt… Sau khi loại trừ nguyên nhân đột quỵ, bác sĩ Hải xác định bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do cơ thể tiêu thụ quá nhiều caffeine. Chất này tác động đến hormone adrenaline khiến nhịp tim tăng nhanh, thậm chí thay đổi nhịp tim (rung tâm nhĩ). Đây là nguyên nhân người bệnh loạng choạng, hoa mắt, tim đập nhanh…

Vai trò của bác sĩ cấp cứu khi tiếp nhận ca bệnh đột ngột là “phân biệt chính xác tác nhân gây rối loạn tâm thần để rút ngắn thời gian điều trị, đạt hiệu quả tối ưu và đỡ tốn kém cho người bệnh”, bác sĩ Hải nhận định.

Sau khi xác định tác nhân gây bệnh, anh M. được truyền dịch, dùng thuốc an thần để giảm dần triệu chứng trong thời gian chờ cơ thể đào thải caffeine.

Bác sĩ tiến hành truyền dịch và dùng thuốc an thần cấp cứu cho anh M.

Sau 3 giờ nhập viện, anh M. tỉnh táo trở lại khi hàm lượng caffeine được loại bỏ khỏi cơ thể. “Tỉnh dậy trong bệnh viện, tôi mới biết mình vừa được cứu sống”, anh M. cho biết.

Vốn là người làm kinh doanh, anh có thói quen uống khoảng 5 ly cà phê mỗi ngày. Sau khi uống cà phê, anh vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường, không bị mất ngủ hay hồi hộp. Hôm nhập viện cấp cứu, anh vừa đi gặp 3 khách hàng và uống 3 ly cà phê. Trong lúc chạy xe đi giao hàng, anh thấy tim đập liên tục, phải thở nhanh và sâu, các cơ tay chân cứng lại và mất ý thức.

Nên uống bao nhiêu ly cà phê mỗi ngày?

Theo bác sĩ Hải, cà phê chứa caffeine - chất thúc đẩy tâm trạng, sự trao đổi chất, tăng hiệu suất tinh thần lẫn công việc. Việc uống 1-2 ly cà phê mỗi ngày giúp tỉnh táo, nhưng nạp nhiều hơn dễ gây hại sức khỏe.

Cũng theo vị chuyên gia, cà phê có một số tác dụng phụ gồm gây lo lắng, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, tiêu cơ vân, gây nghiện và tăng nhịp tim.

Cụ thể, caffeine có trong cà phê sẽ ngăn chặn tác động của hormone adenosine khiến cơ thể mệt mỏi và giải phóng hormone adrenaline. Chúng tác động lên thần kinh giao cảm khiến nhịp tim đập nhanh, tạo cảm giác bồn chồn. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người có cảm giác lo lắng, bồn chồn sau khi uống cà phê hoặc các thức uống chứa caffeine không nên sử dụng hoặc phải cắt giảm liều lượng. Ngoài ra, việc dùng quá nhiều cà phê gây khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thậm chí mất ngủ. Người gặp triệu chứng này nên giảm lượng cà phê, nhất là khi uống vào đầu giờ chiều.

Cà phê cũng có thể kích thích dạ dày giải phóng hormone gastrin làm tăng nhu động ruột dẫn đến tiêu chảy. Việc uống nhiều cà phê còn làm trầm trọng bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, người mắc hội chứng ruột kích thích không nên uống cà phê.

Ở một số người bệnh, khi uống nhiều cà phê, cơ thể họ giải phóng nhiều myoglobin vào máu nên thận không lọc hết và bị tổn thương. Theo đó, người bệnh có nguy cơ bị suy thận cấp, toan chuyển hóa, tăng kali, thậm chí tử vong. Việc dùng nhiều cà phê có thể dẫn đến tình trạng tiêu cơ vân.

Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo việc dùng nhiều cà phê mỗi ngày có thể gây nghiện. Người uống phụ thuộc tâm lý, thể chất vào cà phê dẫn đến khó tập trung vào công việc, sinh hoạt, thậm chí bị đau đầu, mệt mỏi.

Nhịp tim nhanh cũng là triệu chứng phổ biến khi uống nhiều cà phê. Theo đó, hormone adrenaline khiến nhịp tim đập nhanh, thậm chí rung tâm nhĩ. Tình trạng này thường gặp ở người trẻ uống nhiều nước tăng lực có hàm lượng caffeine cao.

Thói quen uống 1-2 ly cà phê mỗi ngày giúp chúng ta tỉnh táo hơn.

Tùy vào thể trạng và sức khỏe, mỗi người cần cân đối lượng cà phê hàng ngày. Một số người uống nhiều cà phê nhưng không gặp tác động tiêu cực, trong khi có trường hợp chỉ nếm ngụm nhỏ đã thở mệt, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh.

Ngoài cà phê, trà, soda, ca cao, nước tăng lực cũng chứa nhiều caffeine. Bác sĩ Lê Hồng Hải khuyên khi uống cà phê hoặc thức uống chứa caffeine và gặp tác dụng phụ, người dùng cần dừng uống, đồng thời tăng lượng nước lọc nạp vào để cơ thể đào thải caffeine. Nếu nạn nhân co cứng người thì cần uống liên tục 1-2 chai nước lọc 500 ml và vào bệnh viện cấp cứu.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung “Vì sức khỏe cộng đồng” mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.

Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 1800 6858 - 02471066858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789 - 02873006858).

Nguyễn Trăm - Giang Chi Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-co-cung-tay-chan-mat-y-thuc-sau-khi-uong-ca-phe-post1373252.html