Bị cưỡng chế nhà xưởng phải làm thế nào?

Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền.

Hiện nay, vợ chồng tôi đang quản lý và sử dụng mảnh đất diện tích 1789m2 tại bản đồ số 7,8,9,37. Nguồn gốc đất sử dụng do thuê của bà Nguyễn Thị Mắn (Sinh năm: 1951; Địa chỉ: tổ 2, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) theo hợp đồng thuê nhà xưởng và kho bãi ngày 03/6/2013 được gia hạn 03 năm một lần. Trong quá trình sử dụng ổn định, lâu dài cũng như không có bất kỳ vi phạm nào từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi đã sử dụng nhà xưởng trên vào mục đích sản xuất, chế tạo ngành nghề in ấn. Việc làm trên đã tạo công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công có hoàn cảnh khó khăn ở đây tăng thêm thu nhập trong cuộc sống. Không những vậy, việc kinh doanh sản xuất cũng tạo ra giá trị vật chất, doanh thu phát triển kinh tế cho xã hội, đặc biệt là kinh tế của phường Phú Đô với mức thu nhập trung bình 1 tháng lên tới 50.000.000 đồng.

Ngày 20/5/2019, chúng tôi nhận được thông báo số 136/TB-UBND của UBND phường Phú Đô về việc sẽ tổ chức cưỡng chế buộc gia đình tôi cũng như bà Mắn phải tháo dỡ nhà xưởng. Trước đó, chúng tôi không hề nhận được bất kỳ văn bản hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như thông báo về việc xây dựng công trình trái phép trên đất của UBND phường. Xin hỏi việc UBND phường Phú Đô ra thông báo số 136 nêu trên có đúng quy định của pháp luật hay không? Gia đình tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi xin chân thành cảm ơn!”

(Độc giả Dương Quang Dũng trú tại địa chỉ: số 117 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời:

 Luật sư Trương Quốc Hòe

Luật sư Trương Quốc Hòe

Thứ nhất, việc UBND phường Phú Đô ban hành văn bản “thông báo số 136/TB-UBND phường Phú Đô về việc tháo dỡ, di chuyển tài sản, công trình vi phạm trên đất thu hồi trái phép nhà xưởng tại phường Phú Đô” là không đúng quy định của pháp luật cụ thể:

Căn cứ theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định:

Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện

Thêm vào đó, theo khoản 3, điều 22, Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ 1/7/2014, các công trình vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp được phép tồn tại đến khi Nhà nước thu hồi lại.

Như vậy, việc UBND phường Phú Đô ra thông báo về việc tháo dỡ, di chuyển tài sản, công trình vi phạm trêm đất thu hồi trái phép nhà xưởng tại phường Phú Đô đã vi phạm trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Thứ hai, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn trong trường hợp này thì bạn có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:

Một là: Khiếu nại thông báo số 136/TB-UBND phường Phú Đô ngày 20/05/2019 theo luật khiếu nại năm 2011 đến Chủ tịch UBND phường Phú Đô

Hai là: Khởi kiện hành chính thông báo số 136/TB-UBND phường Phú Đô ngày 20/05/2019 theo luật tố tụng hành chính năm 2015.

Lời khuyên của luật sư trong trường hợp này là bạn nên thực hiện thủ tục khiếu nại trước để Chủ tịch UBND phường giải quyết. Trường hợp không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 của Chủ tịch UBND phường thì bạn có thể khiếu nại lần 2 lên Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm hoặc khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền.

Luật sư Trương Quốc Hòe

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/bi-cuong-che-nha-xuong-phai-lam-the-nao-307948.html