Bị hại kêu oan thay bị cáo và cái kết bất ngờ trong vụ 'Tiến sĩ dạy học làm giàu'

Mất tiền vì đầu tư vào các dự án của Tiến sĩ dạy học làm giàu, thay vì đòi quyền lợi cho mình thì nhiều người bị hại lại kháng cáo kêu oan thay cho bị cáo

Ngày 10/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội), nguyên là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174, BLHS 2015.

Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên xét xử phúc thẩm.

Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên xét xử phúc thẩm.

Bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án tù chung thân, bị cáo Hải nhanh chóng làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị tuyên mức án tù chung thân là không phù hợp. Ngoài ra, những người bị hại cũng có đơn kháng cáo.

Điều khác biệt so với những vụ án lừa đảo khác, các bị hại trong vụ “Tiến sĩ dạy học làm giàu” không nhận mình là bị hại. Thay vì đòi quyền lợi cho mình thì những người bị hại lại kháng cáo kêu oan thay cho bị cáo và đòi tòa trả tự do cho Phạm Thanh Hải.

Căn cứ vào quá trình mở tòa, đại diện VKSND cấp cao quy kết bị cáo phạm tội Lừa đảo là có căn cứ, do tài sản bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn nên bản án của tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo là không oan, đúng người, đúng tội. Do vậy Viện đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án.

Trong khi đó, các luật sư của bị cáo Hải cho rằng, trong vụ án này quá trình điều tra có nhiều vi phạm, điều tra chưa đầy đủ, chưa làm rõ số người bị hại cũng như số thiệt hại. Do vậy các luật sư đề nghị HĐXX của TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét hủy bản án sơ thẩm, điều tra, xét xử lại.

Theo bản án sơ thẩm kết luận: Công ty Cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (viết tắt là công ty IDT) đăng ký kinh doanh các hoạt động: Dịch vụ hỗ trợ giáo dục; hoạt động tư vấn quản lý; sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm; bán buôn hóa chất công nghiệp; dịch vụ tổ chức hội nghị, hội thảo. Trụ sở chính của công ty đặt tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), do Phạm Thanh Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Sau khi thành lập, công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân nên từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân. Mặc dù huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư biết đến Hải và góp vốn cho Hải đều được Hải thực hiện thông qua công ty IDT, với danh nghĩa công ty và tại trụ sở của công ty IDT.

Cụ thể, Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội "hoclamgiau.vn"; Hải tự giới thiệu bản thân là Tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô (cũ), là người có tài đầu tư, kinh doanh… Công ty IDT do Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô”… nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó.

Căn cứ vào diễn biến mở phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy cần phải xác minh tính đúng đắn của những bài viết chia sẻ trên các trang mạng của Hải về cách học làm giàu cũng như số tiền Hải chiếm đoạt để xét xử đúng người, đúng tội.

Hồ sơ vụ án thể hiện, một số cá nhân biết và giúp việc thực hiện huy động vốn để bị cáo chiếm đoạt số tiền lớn. Do vậy tòa phúc thẩm nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm của những người này.

Với nhận định trên, Tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội để điều tra lại.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-hai-keu-oan-thay-bi-cao-va-cai-ket-bat-ngo-trong-vu-tien-si-day-hoc-lam-giau-a433386.html