Bi hài 'kiến thức cơ bản' của học sinh

Cách đây không lâu, trong đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT, một 'ca sĩ nhí' từng rất được 'o bế' đã khiến nhiều người phải... ngã ngửa về vốn kiến thức của cô.

Cụ thể, cô không biết thi sĩ Xuân Quỳnh là.... đàn ông hay đàn bà, khi phải "xử lý" đề thi môn Văn liên quan tới bài thơ "Sóng".

Cũng cô ca sĩ này đã từng mang Ấn Độ đưa sang tận... châu Phi (!) trong một tình huống khác.

Còn một người đẹp khác khi tham gia gameshow thì "hồn nhiên" khi nói rằng "đỉnh núi được mệnh danh nóc nhà Đông Dương" là... Yên Tử.

Có thể kể rất nhiều "lỗi kiến thức" của một số nhân vật showbiz "đình đám". Không cần đến những kiến thức "cao siêu", ngay những kiến thức sơ đẳng, cơ bản nhất nhưng nhiều người cũng bị sai, nhầm lẫn, kiểu như "Mộc Châu ở... Hà Giang" hay "Hương Tích ở... Huế". Điều đáng nói là những "lổ hổng kiến thức" này lại thường được "khoe" trên một số gameshow có đông người xem, khiến thiên hạ không ít phen cười nghiêng ngả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không riêng giới showbiz, qua khảo sát học sinh THPT, không ít học sinh cũng gặp những "lỗi kiến thức" tương tự. Việc đề thi THPT vừa qua có nội dung liên quan bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh đã khiến nhiều học sinh sau khi thi trở về nhà phải mở Google ra tra, để xem... Xuân Quỳnh là ai (!). Nhiều em chia sẻ với bạn bè trên mạng rằng, "lấy làm tiếc" vì trước giờ không biết gì về thi sĩ Xuân Quỳnh nên đã làm bài thi hoàn toàn theo... "bản năng" chứ không dựa vào kiến thức đã được thu nạp trên ghế nhà trường.

Lâu nay, nhiều người vẫn thường chê cười kiến thức của một số "nhân vật showbiz" có lẽ bởi họ hay tham gia các gameshow và cái "lỗ hổng kiến thức" ấy được thể hiện trên truyền thông đại chúng, nhiều người xem. Nhưng nếu tìm hiểu sâu thêm, có thể thấy những "lỗ hổng" ấy khá phổ biến trong đông đảo học sinh. Giới showbiz cũng từng đi học và họ cũng ở trong cái "mặt bằng chung" về kiến thức như vậy.

Không thể phủ nhận trong người trẻ hiện nay, nhiều người giỏi về kiến thức kỹ thuật - công nghệ, hiểu biết khá rộng về những chuyện "bên Tây, bên Tàu", thậm chí nói chuyện về "khoa học vũ trụ" như các... phi hành gia. Nhưng về những kiến thức cơ bản nhất về văn hóa dân tộc, danh nhân văn hóa - lịch sử Việt Nam, rất nhiều người... mù tịt. Câu chuyện về "Xuân Quỳnh là ông hay bà?" nổi lên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là một ví dụ điển hình.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân có một câu thơ rất thấm thía: "Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người". Thuộc câu thơ này là một chuyện nhưng để hiểu và sống đúng với tinh thần của nó lại là chuyện khác. Câu chuyện dạy Lịch sử và Văn học Việt Nam trong trường phổ thông bấy lâu nay đã là một đề tài khiến những người có tâm huyết lo lắng và bức xúc. Có lẽ, vấn đề này cần các nhà chức trách từ Bộ GD&ĐT cho tới từng giáo viên, học sinh nhìn nhận, điều chỉnh lại, để có thể lấp đầy những "lỗ hổng" tưởng chừng đơn giản mà rất nguy hiểm.

"Dân ta phải biết sử ta" - đó là nguyên tắc. Nhưng đừng để đến nỗi "Nếu mà không biết thì tra... Gu gồ (Google)" như nhiều người vẫn nói một cách mỉa mai...

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bi-hai-kien-thuc-co-ban-cua-hoc-sinh-20210722090659645.htm