Bi hài “văn hóa giao thông” - Bài 3: Kiểm soát giao thông... cho có!

Khi ý thức tự giác của nhiều người chưa cao, xã hội kỳ vọng vào sự nghiêm minh của lực lượng kiểm soát giao thông. Thế nhưng, không phải tất cả đều thật sự mẫn cán, tận tụy với công việc...

Quay lưng với vi phạm Chủ công trong lực lượng tuần tra, kiểm soát luôn là cảnh sát giao thông (CSGT), nhưng ống kính của PV Thanh Niên những ngày qua ghi nhận rất nhiều hình ảnh chưa đẹp từ lực lượng này tại TP.HCM. Giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 (Q.10) là “điểm đen” về ùn tắc giao thông do mật độ phương tiện lưu thông quá cao vào giờ cao điểm, cộng với ý thức của người điều khiển phương tiện còn thấp. Vì thế, tại đây luôn có CSGT túc trực nhằm điều tiết giao thông, nhắc nhở hoặc xử lý người tham gia lưu thông vi phạm luật... Thế nhưng, không phải lúc nào lực lượng CSGT tại đây cũng thực thi tốt nhiệm vụ. Cụ thể, vào lúc 16 giờ ngày 30.9, hai CSGT trẻ làm nhiệm vụ ở giao lộ này “quên” nhiệm vụ phải làm, ra quầy bán bánh trung thu gần đó “tám” với các nữ nhân viên, mặc cho phương tiện vô tư vượt đèn đỏ, dừng lấn vạch sơn. Khoảng 17 giờ 5 ngày 29.9, tại ngã bảy (Q.10) có 1 CSGT đứng chốt, nhưng anh này hình như chỉ đứng cho có, để mặc hàng chục người thoải mái dừng xe ngay trên vạch sơn dành cho người đi bộ ở phía sau lưng; thậm chí nhiều phương tiện vi phạm ngay trước mặt như xe ba gác chở hàng cồng kềnh, xe máy chở ba... cũng chẳng bị nhắc nhở, chứ đừng nói đến việc xử lý. Cùng thời gian này, hai CSGT làm nhiệm vụ ở khu vực ngã năm Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám cũng gần như để mặc các phương tiện vô tư vi phạm ngay trước mắt. Hay tại giao lộ Quang Trung - Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), lúc 17 giờ ngày 29.9 ngoài 2 CSGT còn có cả lực lượng dân phòng được tăng cường làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông. Trong lúc làm nhiệm vụ, một CSGT thường xuyên di chuyển từ đầu góc giao lộ này qua góc giao lộ kia, nhưng không biết để làm gì vì rất nhiều người tham gia lưu thông dừng đèn đỏ lấn tuyến, vạch sơn... mà chẳng hề bị nhắc nhở, xử lý... Những hình ảnh phản cảm Đáng nói hơn, là đôi khi chính lực lượng CSGT nói riêng và công an nói chung cũng vi phạm luật. Khoảng 8 giờ ngày 16.10, 4 CSGT đi 2 mô tô đặc chủng màu trắng đến một quán ăn trên đường Lương Hữu Khánh (Q.1), rồi vô tư dựng mô tô dưới lòng đường thản nhiên vào quán! Cũng kiểu “coi đường là bãi đậu xe” là hình ảnh chúng tôi ghi được trước Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13), Công an TP.HCM vào sáng 16.10: cả chục ô tô mang biển số màu xanh đậu hàng ngang lấn chiếm gần hết làn đường dành cho người đi xe đạp trên tuyến đường Trần Hưng Đạo. Nhiều người dân lưu thông qua đây rất vất vả, nhưng cũng chỉ biết... lắc đầu. Chưa hết, theo phản ánh của nhiều người dân phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), tại ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức), giờ cao điểm buổi sáng thường có nhiều người mặc sắc phục đi ngược chiều, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. PV Thanh Niên có mặt và nhận thấy phản ánh của người dân là chính xác. Một CSGT Đội Bình Triệu làm nhiệm vụ ở đây cho biết: những người mặc sắc phục đi ngược chiều là cán bộ Công an P.Hiệp Bình Chánh. “Họ thường đi ngược chiều một đoạn để vào trụ sở (gần sát với ngã tư) vì nếu đi đúng đường thì phải vòng rất xa. Những hôm có mặt làm nhiệm vụ chúng tôi liên tục nhắc nhở anh em phải gương mẫu cho người dân, nhưng khi chúng tôi không có mặt thì người dân phản ánh tình trạng mấy cán bộ công an đi ngược chiều lại phổ biến”, CSGT này nói. Tương tự, khoảng 18 giờ ngày 28.9, giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu ùn tắc do một phần vướng “lô cốt”, một phần không thấy có CSGT nên người tham gia giao thông không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, mạnh ai nấy chạy, nấy chen. Lúc này có một thanh niên đội mũ bảo hiểm của ngành công an, đi xe gắn máy biển số xanh 51B1-079... lấn hẳn sang làn đường ngược lại định vượt lên thì bị kẹp giữa 2 xe taxi. Do không ai nhường ai nên xảy ra cự cãi, suýt dẫn đến xô xát giữa người thanh niên đi xe máy với tài xế taxi, tạo nên một hình ảnh phản cảm về nhân viên công lực trong mắt nhiều người đi đường... Xe công an đậu hàng 3 trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1), trước trụ sở PC13 - Ảnh: Đàm Huy CSGT để xe lấn chiếm lòng đường - Ảnh: Đàm Huy Xe chở cồng kềnh, ô tô vi phạm ngay trước mắt nhưng CSGT chỉ đứng nhìn - Ảnh: Hoài Nam Sai phạm là phải xử nghiêm Theo quy định, khi trực chốt tại các giao lộ, nhiệm vụ chính của CSGT là phải duy trì được trật tự giao thông tại đây, không được để xảy ra ùn tắc giao thông; nếu có sự cố, dấu hiệu xảy ra ùn tắc thì phải nhanh chóng phân luồng giải tỏa ngay. Trong bán kính 50m tại khu vực giao lộ, CSGT phải giải tỏa các phương tiện dừng, đậu, các trường hợp buôn bán, hành nghề gây cản trở giao thông. Còn ngay tại giao lộ, CSGT phải duy trì các loại phương tiện dừng đúng vạch sơn quy định khi đèn đỏ, cương quyết xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành... Việc một số CSGT khi đứng chốt tại các giao lộ nhưng không nhắc nhở, xử phạt người tham gia lưu thông lấn tuyến, dừng đèn đỏ lấn vạch sơn... không chỉ gây bức xúc cho người dân chấp hành nghiêm luật pháp, mà còn làm lu mờ hình ảnh của lực lượng CSGT. Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh tình trạng này, thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM, khẳng định: “Lực lượng CSGT khi tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông, nếu phát hiện người lưu thông vi phạm, phải kiên quyết xử lý nghiêm; không sách nhiễu hoặc tiêu cực khi thi hành công vụ; tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi... Quan điểm của lãnh đạo Phòng CSGT là phát hiện CSGT nào không xử nghiêm, đến nơi đến chốn các trường hợp vi phạm, sẽ kiểm điểm, xử lý tùy theo mức độ sai phạm”. “Tám” quên làm nhiệm vụ Ngoài CSGT, ở TP.HCM còn có lực lượng trật tự viên thanh niên xung phong (TNXP) tham gia giữ trật tự giao thông và cũng có rất nhiều TNXP “ra đường cho có”. Điển hình, tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt lúc 8 giờ 30 ngày 29.9 có 2 nam TNXP làm nhiệm vụ, nhưng rất nhiều người vi phạm lấn vạch sơn khi dừng đèn đỏ đều không được 2 TNXP này nhắc nhở. Nhiệm vụ của 2 TNXP này chỉ là phất cờ hiệu mỗi khi đèn bật xanh hoặc đỏ, sau đó quay qua nói chuyện với tài xế xe ôm. Tương tự, một nữ TNXP làm nhiệm vụ tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 cũng say sưa “tám” với người dân, mặc người đi đường muốn lưu thông ra sao thì ra. Còn tại ngã tư Phú Nhuận lúc 15 giờ 45 ngày 29.9 không có CSGT, chỉ có 1 nam TNXP đứng làm nhiệm vụ... nhìn người điều khiển xe hai bánh thoải mái đi ngược chiều vào đường Phan Đình Phùng, ngay dưới dải băng “Cấm lưu thông ngược chiều”... Đàm Huy - Hoài Nam

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200943/20091021002033.aspx