Bi kịch của nàng kỹ nữ tài sắc trứ danh, có mối tình cấm kỵ với ân sư, rẽ bước thành đạo cô và bị xử trảm năm 26 tuổi

Ngư Huyền Cơ là tuyệt sắc giai nhân đời Đường nổi danh với câu thán 'Dịch cầu vô giá bảo, nan đắc hữu tình lang' (dễ tìm được bảo vật vô giá, khó có được người đàn ông chân thành) được hậu thế truyền tai nhau đầy tâm đắc.

Ngư Huyền Cơ là một trong những tài nữ nổi tiếng thời Đường.

Ngư Huyền Cơ là một trong những tài nữ nổi tiếng thời Đường.

Thời nhà Đường có 4 tài nữ được đương thời xưng là Đường triều Tứ đại nữ thi nhân là Tiết Đào, Ngư Huyền Cơ, Lý Quý Lan và Lưu Thái Xuân.

Trong đó, Ngư Huyền Cơ có tên thật là Ngư Âu Vi, tự là Huệ Lan, quê ở Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), sống vào khoảng năm 844 - 871.

Ngư Huyền Cơ trải qua nhiều mối tình ngang trái và biến cố khiến đời sau thổn thức. Các tác phẩm thơ văn của Ngư Huyền Cơ hầu như đều nói về tình cảm của người phụ nữ lúc bấy giờ và đều được đón nhận nồng nhiệt.

Trong cuộc đời của mình, Ngư Huyền Cơ qua lại với rất nhiều người đàn ông. Tuy nhiên, có lẽ mối tình được nhiều người nhắc tới nhất chính là câu chuyện tình nhiều nước mắt giữa Huyền Cơ và Ôn Đình Quân, người bạn vong niên đồng thời cũng là người thầy dạy thơ của nàng.

Phụ thân của Ngư Huyền Cơ là một tú tài có chí lớn nhưng không thành. Sau khi ông mất, mẹ con Ngư Huyền Cơ rơi vào khó khăn, chỉ có thể sống dựa vào công việc giặt quần áo trong một kỹ viện và luân lạc thành kỹ nữ.

Cũng chính vì vậy, nàng gặp Ôn Đình Quân. Ôn Đình Quân là một văn nhân nổi danh lúc bấy giờ, mặc dù xấu xí nhưng rất phong lưu, thường xuyên lui đến các kỹ viện. Người đương thời thậm chí còn đặt cho Ôn Đình Quân biệt hiệu là “Ôn Chung Quỳ” (Chung Quỳ là một vị thần có tướng mạo rất xấu xí).

Thời điểm Ôn Đình Quân gặp Ngự Huyền Cơ, nàng mới khoảng 11-12 tuổi. Nhận thấy Ngư Huyền Cơ lanh lợi và xinh đẹp, Ôn Đình Quân đã nhận nàng làm đệ tử, dạy nàng làm thơ cũng như chăm lo cho cuộc sống của hai mẹ con nàng.

Tuy nhiên, chuỗi ngày hạnh phúc ấy cũng nhanh chóng kết thúc. Tới năm Ôn Đình Quân 60 tuổi, ông đỗ tiến sĩ nhưng do làm loạn trong trường thi nên chỉ được bổ nhiệm một chức huyện úy nhỏ bé ở xa.

Lúc bấy giờ Huyền Cơ đã bước vào độ tuổi 14 - 15, độ tuổi của những cô gái mới lớn và bắt đầu biết cảm giác yêu đương. Bởi vậy, khi ý thức được người thầy của mình sắp đi x, Huyền Cơ chợt nhận ra bà đã yêu Ôn Đình Quân và liên tục gửi thư bày tỏ tình cảm bất chấp việc ông đã có vợ con đề huề, hơn nàng hàng chục tuổi.

Dù vậy, lễ giáo thời phong kiến rất hà khắc, đặc biệt mối quan hệ thầy trò là điều không thể vượt qua, vì vậy Ôn Đình Quân không đáp lại tình cảm của Huyền Cơ. Thay vào đó, ông giới thiệu Huyền Cơ cho trạng nguyên năm đó là Lý Ức, gửi gắm Lý Ức chăm sóc Ngư Huyền Cơ.

Dù vậy, Lý Ức cũng đã có vợ nên sau đó ông chỉ có thể lấy Huyền Cơ làm thiếp. Trong thời gian mới kết hôn, đôi kim đồng ngọc nữ Lý Ức và Huyền Cơ sống một khoảng thời gian tươi đẹp khiến người ta đắm say.

Tuy nhiên, khoảng thời gian này không kéo dài lâu vì vợ cả của Lý Ức có gia thế hiển hách, xuất thân từ danh gia vọng tộc ở Sơn Tây, nên ghen ghét vì chồng quấn quýt Huyền Cơ, đồng thời thường xuyên khinh rẻ, bắt nạt nàng tiểu thiếp.

Cuộc sống làm tiểu thiếp của Huyền Cơ không kéo dài lâu vì sự ghen ghét từ vợ cả.

Lý Ức sợ hãi trước thế lực nhà vợ nên dù lưu luyến Huyền Cơ cũng buộc phải đưa nàng về Giang Lăng sống nhờ nhà họ hàng. Về sau, đợi mãi mà Huyền Cơ không thấy Lý Ức đến đón mình, bà đành một mình trở về Trường An. Thế nhưng, Lý Ức lại vẫn còn sợ Bùi thị ghen tuông, đành lén sắp xếp cho bà xuất gia tạo Hàm Nghi quán, một đạo quán do Hàm Nghi công chúa của Đường Huyền Tông lập nên.

Liên tiếp tình trường thất ý, lại vốn người tài sắc nên Ngư Huyền Cơ tâm sự uất ức khôn nguôi và quyết định xuất gia làm đạo cô (nữ đạo sĩ). Huyền Cơ chính là đạo hiệu kể từ khi thiếu phụ họ Ngư xuất gia.

Nữ đạo sĩ thời nhà Đường rất khác so với những thời đại khác, họ không giống kỹ nữ nhưng cũng không giống với những cô gái khuê các thông thường, phần đông đều lấy việc trở thành đạo sĩ để có cuộc sống tự do hơn.

Huyền Cơ rất thích thú với thân phận và cuộc sống mới. Điều này được thể hiện trong rất nhiều bài thơ của Huyền Cơ. Tuy vậy, bà không hề thanh tu mà trở thành một đạo sĩ diễm lệ, qua lại với nhiều gã đàn ông khác.

Nhờ sự chu cấp của "người đàn ông hào hiệp" giàu có mà Ngư Huyền Cơ trải qua cuộc sống thoải mái, vui vẻ, không thiếu đồ trang sức quý hiếm và những buổi tiệc đánh đàn, làm thơ, vui chơi qua ngày.

Danh tiếng của Ngư Huyền Cơ lan xa rộng rãi nhất chính trong khoảng thời gian này. Thường ngày, Ngư Huyền Cơ vẫn qua lại với những tiến sĩ, vừa là tình nhân lại vừa là bạn xướng họa thi văn. Thơ của Ngư Huyền Cơ rất được người đời thời đó tán thưởng.

Chuyện kể rằng, tì nữ của Huyền Cơ là Lục Kiều vốn cũng là một cô gái thông minh và có nhan sắc, đã đi theo hầu hạ Huyền Cơ trong nhiều năm.

Vào một ngày, trước khi đi vắng, Huyền Cơ căn dặn Lục Kiều, nếu có ai đến tìm thì chỉ cần nói cho họ biết nàng đang ở đâu là được. Chiều tối hôm đó, khi Ngư Huyền Cơ trở về, Lục Kiều mới kể lại có một người đàn ông đến tìm nhưng người này đã rời đi ngay sau khi biết nàng không ở nhà.

Huyền Cơ nghe thấy vậy bèn sinh nghi với vị khách này luôn có thói quen chờ đến đến khi gặp được nàng mới thôi chứ chưa hề có chuyện bỏ về như vậy. Vị tài nữ nổi danh bèn âm thầm quan sát người tì nữ của mình và đợi đến tối mới gọi Lục Kiều vào phòng riêng để hỏi chuyện.

Trong phòng, Huyền Cơ bắt Lục Kiều cởi hết xiêm y để kiểm tra. Mọi lời giảo biện, van xin của Lục Kiều đều không còn ý nghĩa khi Huyền Cơ nhìn thấy những vết móng tay trên ngực người tì nữ thân cận. Nàng bèn lấy roi đánh Lục Kiều một trận tơi tả. Ăn đòn đau lại biết không thể chối cãi sự thật mình có tư tình với vị khách của chủ nhân, Lục Kiều căm hận tố thói "trăng gió" của Huyền Cơ.

Huyền Cơ đã giận lại càng giận hơn, xông đến bóp cổ Lục Kiều, đến khi thấy Lục Kiều thân người mềm nhũn oặt xuống thì Huyền Cơ mới phát hiện cô ta đã chết. Sợ bị tội, Huyền Cơ nhân đêm tối đem xác Lục Kiều ra chôn ở sau vườn để phi tang. Sau khi sự việc vỡ lở, Ngư Huyền Cơ bị Kinh Triệu Doãn Ôn Chương xử tử hình, chết vào năm 26 tuổi.

Những năm cuối đời, Ngư Huyền Cơ sống phóng túng bản thân.

Ngư Huyền Cơ viết rất nhiều thơ văn. Tuy nhiên do nàng mắc tội bị xử chất nên về sau những tác phẩm này cũng dần tiêu tán, chỉ còn chép lác đác trong một số sách vở.

Số lượng bài thơ còn lại của bà khoảng 49 bài, đều được tập hợp trong tập Đường nữ lang Ngư Huyền Cơ thi thời Nam Tống. Tại Văn uyển anh hoa có chép thêm một bài Chiết dương liễu, đã nâng tổng số bài thơ của bà lên là 50 bài. Riêng câu thán "Dịch cầu vô giá bảo, nan đắc hữu tình lang" (dễ tìm được bảo vật vô giá, khó có được người đàn ông chân thành) của bà khiến hậu thế hàng ngàn năm sau vẫn phải tấm tắc.

Mãi tới hơn 1.000 năm sau, một học giả thời cận đại mới đưa ra một giả thuyết mới về cái chết của Lục Kiều. Cái chết của cô tỳ nữ họ Lục thực tế chỉ là cái cớ để viên nha lại vốn có thù oán với Huyền Cơ giá họa cho cô. Chính vì thế, trong khi bị giam trong ngục tối, Huyền Cơ đã viết nhiều bài thơ bày tỏ nỗi oan ức của bản thân mình.

Vi An (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/tin-tuc-giai-tri/bi-kich-cua-nang-ky-nu-tai-sac-tru-danh-co-moi-tinh-cam-ky-voi-an-su-re-buoc-thanh-dao-co-va-bi-xu-tram-nam-26-tuoi-a337680.html