Bi kịch của Sudan

Đến nay, gần 30 quốc gia đã sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi Sudan.

Ảnh minh họa/INT

Ngày 15/4, xung đột vũ trang nổ ra tại Sudan trong bối cảnh tổ chức bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo đụng độ với quân đội của tướng Abdel-Fattah Burhan để giành quyền kiểm soát đất nước. Cuộc chiến nổ ra hai năm sau khi 2 người này bắt tay thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ nhà lãnh đạo độc tài Omar al-Bashir.

Trong những tháng gần đây, lãnh đạo hai bên đã liên tục đàm phán để quay lại quá trình chuyển đổi dân chủ nhưng kết quả không khả quan. Do đó, cuộc nội chiến nổ ra đã đẩy Sudan vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng.

Chuyên gia quốc tế phân tích cuộc chiến này chỉ mang đến hai kết cục. Một trong hai người chiến thắng có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Sudan. Mặt khác cuộc nội chiến có thể kéo dài chia cắt đất nước thành các vùng lãnh thổ đối lập.

Đến nay, gần 30 quốc gia đã sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi Sudan. Mỹ đã cảnh báo về tình trạng thiếu thuốc men, thực phẩm và nước uống ở Sudan; đồng thời, triển khai các chuyên gia ứng phó thảm họa tới khu vực.

Vương quốc Anh thông báo sơ tán thành công các nhân viên ngoại giao và gia đình họ khỏi đất nước. Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha hay Canada cũng phát lệnh sơ tán khẩn cấp công dân khỏi khu vực.

Khủng hoảng an ninh đã đẩy Sudan vào khủng hoảng nhân đạo. Trước khi cuộc chiến xảy ra, Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Hồi tháng 2, Liên Hợp Quốc ước tính 1/3 dân số nước này phải đối mặt với khủng hoảng nghèo đói gia tăng. Giao tranh đã khoét sâu thêm khó khăn của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội.

Trong 7 ngày tính từ 15/4, hơn 400 người Sudan đã chết. Trong số đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, ít nhất 9 trẻ em được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiến và hơn 50 trẻ em bị thương.

Người dân được khuyến cáo cố thủ trong nhà tránh đạn lạc nhưng cũng vì thế mà họ rơi vào tình cảnh cạn kiệt nhu yếu phẩm, không được tiếp cận chăm sóc y tế và các nhu cầu cơ bản.

Ở ngoài thành phố, các bệnh viện nằm trong tình trạng quá tải. Hệ thống y tế đang bên bờ vực sụp đổ vì thiếu vật tư y tế, thuốc men, ngân hàng máu cạn kiệt. Hàng triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo, theo cảnh báo của Chương trình Lương thực Thế giới.

Không chỉ ảnh hưởng đến người dân đất nước, cuộc chiến ở Sudan có thể tác động lên toàn khu vực. Ban đầu, giao tranh chỉ diễn ra tại Thủ đô Khartoum nhưng ngày càng lan rộng ra nhiều thành phố khác.

Tổ chức Khủng hoảng quốc tế cảnh báo cuộc giao tranh đang tiến tới cuộc chiến kéo dài từ thủ đô đến các vùng ngoại ô, thành phố lân cận và sang các nước láng giềng.

Chad và Nam Sudan là những quốc gia có nguy cơ chịu tác động lan tỏa ngay lập tức. Thực tế đã chứng minh điều này.

Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 10.000 đến 20.000 người dân Sudan đã chạy trốn khỏi cuộc chiến đến Chad, nước láng giềng phía Tây Sudan. Những người tị nạn làm gia tăng áp lực lên dịch vụ công cộng và nguồn lực có phần hạn chế của đất nước. Điều này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn ở một quốc gia vốn cũng đang xoay xở với tình trạng đói nghèo.

Chiến sự lớn cũng có thể dẫn đến can thiệp từ bên ngoài. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực và ở các châu lục khác đã để ý đến vùng Sừng châu Phi, trong đó có Sudan, để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực có nhiều tiềm năng này.

Đến nay, các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã tích cực kêu gọi hai bên ngừng bắn và đối thoại chính trị để giải quyết khủng hoảng.

Bản thân hai bên giao tranh cũng đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ các nước trong khu vực và cường quốc lớn nhưng vẫn chưa rõ nước nào sẽ can thiệp vào cuộc xung đột.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-kich-cua-sudan-post636031.html