Bi kịch gia đình và những hủ tục dai dẳng

Liên quan đến vụ 3 người trong gia đình bị bỏng xăng, sau thời gian điều trị tại Bệnh viện bỏng Hà Nội, do vết thương quá nặng (bỏng hơn 80%), nhiễm trùng máu,

Liên quan đến vụ 3 người trong gia đình bị bỏng xăng, sau thời gian điều trị tại Bệnh viện bỏng Hà Nội, do vết thương quá nặng (bỏng hơn 80%), nhiễm trùng máu, đến tối 17-10 bệnh nhân Hồ Văn Mai (48 tuổi, trú xã Trà Tập, H. Nam Trà My, Quảng Nam) đã tử vong. Trước đó vài ngày, bà Hồ Thị Xem (44 tuổi, vợ ông Mai) và anh Hồ Văn Khương (21 tuổi, con trai đầu của ông Mai) đã tử vong. Điều đáng nói, sau cái chết của 3 nạn nhân, dân làng cho rằng đây là “cái chết xấu” nên thi thể gia đình ông Mai không được đem về làng mai táng, vì họ sợ “con ma” sẽ “ám” cuộc sống của cả dân làng(!).

Những đứa con của ông Mai ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra với gia đình mình.

Câu chuyện tang thương của gia đình ông Hồ Văn Mai bắt đầu vào tối 15-9, sau khi thu hoạch vụ lúa, dân làng đã tổ chức bữa tiệc mừng lúa mới. Sau tiệc chung vui cùng dân làng, ông Mai trở về nhà thì giữa vợ chồng xảy ra cãi vã. Trong lúc nóng giận, bà Xem dùng can xăng cất trong nhà tưới lên người định tự thiêu. Không may, do đứng gần bếp nên lửa bén vào người và bùng cháy. Thấy vậy, ông Mai cùng con trai Hồ Văn Khương chạy đến dập lửa, nhưng trong lúc hoảng loạn, bà Xem đã làm tung tóe xăng lên người hai cha con khiến 2 người này cũng bị cháy, bỏng rất nặng, 3 người đều bất tỉnh.

3 nạn nhân được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu trong tình trạng bỏng gần như toàn thân (80%), có biểu hiện suy thận cấp, đe dọa đến tính mạng. Sau thời gian cứu chữa, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân chuyển biến khả quan nên bệnh viện chuyển bệnh nhân ra khoa chuyên bỏng thuộc Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên đến sáng 2-10, anh Hồ Văn Khương đã tử vong, ông Mai và bà Xem tiếp tục được chuyển tiếp ra Bệnh viện bỏng Hà Nội để được điều trị tốt hơn. Nhưng do vết thương quá nặng, nhiễm trùng máu nên ngày 13-10, bệnh nhân Hồ Thị Xem tử vong, đến tối 17-10 ông Mai cũng tử vong.

Gia đình nạn nhân cho biết, dân làng cho rằng đây là những cái “chết xấu” nên thi thể của vợ chồng ông Mai, bà Xem và anh Khương không được phép mang về làng chôn cất. Theo quan niệm của người Ca Dong, chỉ những cái chết trong làng do bệnh tật, đau ốm thì mới được phép chôn cất tại làng. Còn gia đình ông Mai là “cái chết xấu”, chết ở ngoài đem về nên càng không thể cho “con ma” vào làng. Do vậy, gia đình ông Mai được chôn cất ở khu rừng Nước Là cách làng khá xa.

Chị Như Ngọc (trú TT Tam Kỳ, Quảng Nam), một tình nguyện viên tham gia mai táng cho gia đình ông Mai cho biết, sau khi các nạn nhân chết, các hội viên đã thuê xe đưa thi thể các nạn nhân về làng. Tuy nhiên, người dân ở đây cho rằng cái chết của gia đình ông Mai là “cái chết xấu” nên không được đưa về làng chôn cất, phải đưa vào khu rừng khác để chôn. Thủ tục làm lễ, chôn cất rất đơn giản, người dân đào một cái hố nhỏ đặt thi thể xuống rồi lấp đất lại. Điều đáng nói, trước lúc chôn cất người dân căn dặn rằng: Vì đây là “cái chết xấu” nên sau khi chôn cất xong phải chạy nhanh ra khỏi đó, trên đường đi về không được quay mặt lại nhìn, để con ma nhớ mặt sẽ quay về làng tìm. Lúc về thì phải đi con đường khác để “con ma” không thể lần theo dấu vết mà tìm về làng.

Hiện nay, một số địa phương vùng cao của tỉnh Quảng Nam vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu gây nên nhiều hệ lụy xấu trong xã hội. Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động xóa bỏ nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn...

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_197157_bi-kich-gia-dinh-va-nhung-hu-tuc-dai-dang.aspx