Bi kịch hiếm muộn của một gia đình

(Eva tam chuyen) - Con cái luôn được coi là niềm hạnh phúc và tài sản vô giá của cha mẹ. Điều này đúng ở mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, sự hiếm muộn luôn là bất hạnh lớn nhất đối với người làm cha, làm mẹ.

Bản thân người trong cuộc đã chịu đủ nỗi khổ tâm nhưng những người thân, đôi khi vì nóng lòng mong muốn sự ra đời của những đứa trẻ, vô tình hoặc cố ý đã làm cho vết thương của những người mong mỏi làm cha mẹ thêm đau đớn.

Những giọt nước mắt chảy âm thầm đằng sau những khuôn mặt cố tỏ ra hạnh phúc luôn mang vị mặn chát bởi nó mang dáng hình của sự khổ đau…

Không con, lên chùa đi tu

Có lẽ nếu người quen gặp lại Mai An bây giờ, hẳn họ sẽ rất ngạc nhiên bởi một Mai An già nua, đau buồn và gầy gò đến vậy. Không một ai tưởng tượng nổi cô tiểu thư xinh đẹp một thời giờ tàn tạ đến vậy. Mai An kể lại cho chúng tôi nghe qua câu chuyện của mình bằng một giọng đều đều. Chị không biểu lộ chút cảm xúc nào. Quá khứ của người phụ nữ này dần được dựng lên, rời rạc và ảm đạm.

Mai An sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức. Suốt tuổi thiếu nữ, chị chỉ cắm cúi vào việc học và việc nghe lời ba mẹ, tuyệt nhiên không dành chút thời gian nào cho việc yêu đương. Ra trường, được ba lo cho một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước, Mai An tạm yên ổn với những gì mình có.

Chưa bao giờ An làm sai ý bố mẹ. Chị như con búp bê được nuôi trong lồng kính, bằng lòng với những quy tắc mà người thân đặt ra cho mình. Lần duy nhất trong cuộc đời, Mai An tự làm theo những gì mình mong muốn là khi chị quyết định lấy Chiến, mặc cho ba mẹ ngăn cản.

Chiến là công tử con nhà nhàu, ăn chơi có tiếng. Anh trái ngược hoàn toàn với An đó là sự ngoan ngoãn. Nhưng cũng có thể điều đó cuốn hút An. Chưa bao giờ, chị được sống thoải mái và tự do như Chiến, được bay nhảy với những ý thích của mình. Người ta thấy sửng sốt khi hay tin Chiến và An yêu nhau rồi khi cả hai đòi cưới, họ càng thêm ngạc nhiên. Cả phố nhỏ xôn xao trong những ngày cặp đôi cộc kệch chuẩn bị đám cưới.

Ba mẹ An sau khi ngăn cấm đủ kiểu quyết định từ con, vì ông bà cảm thấy quá thất vọng. An kể, ba mẹ chị nói rằng, công họ nuôi dưỡng, dạy dỗ chị từng ấy năm trời không phải là để chị lấy một tấm chồng như thế, để chị bôi tro trát trấu vào mặt gia đình như thế. Mai An vẫn cố làm đám cưới với Chiến bởi khi ấy chị nghĩ, ba mẹ nào chẳng thương con.

Trái ngược với thái độ của ba mẹ An, ba mẹ Chiến lại vô cùng mừng rỡ khi hay tin Chiến yêu An và hai người tính chuyện lâu dài với nhau. (ảnh minh họa)

Ba mẹ nói vậy chứ, chả nhẽ lại không nhìn mặt chị cả đời. Lúc ấy, Mai An tuyệt nhiên không biết rằng những gì ba mẹ mình nói là thật, nghĩa là sau ngày cưới, Mai An mãi mãi không còn là con của hai người nữa.

Trái ngược với thái độ của ba mẹ An, ba mẹ Chiến lại vô cùng mừng rỡ khi hay tin Chiến yêu An và hai người tính chuyện lâu dài với nhau. Chiến là công tử quen được yêu chiều, lấy được Mai An, cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, thì gia đình anh quả là có phúc lớn. Nên ba mẹ anh vội vã, dồn dập chuẩn bị lễ cưới cho hai con. Đến khi Mai An đặt bút kí vào tờ đăng kí kết hôn, khi đám cưới kết thúc tốt đẹp, ông bà mới thở phào rồi hớn hở, bởi không ngờ con trai phá gia chi tử nhà họ lại lấy được cô tiểu thư nết na, hiền lành ấy.

Có vợ, Chiến cũng thôi chơi bời mà tu chí làm ăn. Được ba mẹ cho tiền, Chiến mở một cửa hàng kinh doanh hàng điện tử. Mai An nghỉ ở nhà để phụ giúp chồng. Việc buôn bán khá tốt nên chuyện tiền nong, vợ chồng An hầu như không phải lo lắng gì. Ba mẹ chồng thấy con trai mình tu tỉnh thì đâm ra quý mến con dâu. Hai người tin là nhờ An mà Chiến mới thôi những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, thôi đi “bão” đêm, thôi phá tiền của ba mẹ… Nhờ vậy mà Mai An được ba mẹ chồng yêu chiều.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu xấu đi, khi đến năm thứ ba sau ngày cưới, Mai An vẫn chưa có bầu. Chiến vẫn mải mê làm ăn nên không quan tâm nhiều đến chuyện đó, nhưng ba mẹ anh thì không. Bạn bè bằng tuổi ông bà đều đã có cháu bồng, cháu bế... Thi thoảng các bà bạn bế cháu sang nhà ba mẹ Chiến chơi, nghe các cháu bi bô gọi bà, nói yêu bà mà mẹ Chiến nóng hết cả ruột.

Bà bắt đầu khó chịu với con dâu. Ra vào, hễ thấy mặt con dâu là mẹ chồng lại chặn lại nói chuyện rất lâu rằng: “Sao tới giờ này vẫn chưa có gì hả con? Vợ chồng sắp xếp thời gian đi khám xem sao?”.

Mới đầu là nhẹ nhàng, đến khi đi khám có kết quả rằng nguyên nhân là từ phía Mai An, nàng dâu này bắt đầu sống những ngày với áp lực phải có con càng nhanh càng tốt. Thương vợ, Chiến dừng mọi chuyện kinh doanh để đưa vợ đi khám và chữa trị. Hết bệnh viện này, đến bệnh viện khác, hết bài thuốc này đến bài thuốc khác. Cứ ở đâu mách có thầy là vợ chồng An không ngại xa xôi, mệt mỏi, ngay lập tức sẽ thu xếp để đến đó ngay. Nhưng rồi hai người cũng đi từ hi vọng đến thất vọng. Dường như việc có con là việc không thể thực hiện được.

Bị nhà chồng ghẻ lạnh. Mai An chỉ còn mỗi chồng là chỗ dựa duy nhất. Chiến lúc đầu còn ra sức an ủi, dỗ dành vợ. Sau thấy trong nhà không khí lúc nào cũng căng thẳng, anh sinh ra mệt mỏi nên ở riết ngoài cửa hàng, thi thoảng mới đảo qua nhà. Thành ra, cuối cùng, chỉ còn lại mỗi Mai An trong cuộc chiến với nhà nội. Nhà ngoại thì đã tuyệt giao hoàn toàn với chị.

Không còn được yêu chiều như trước kia, Mai An bị biến thành một người giúp việc chính hiệu trong nhà, không hơn, không kém. Hàng ngày, chị phải dậy từ 5 giờ sáng để lo đi chợ sớm, chuẩn bị bữa sáng cho bố mẹ, dọn dẹp nhà cửa. Ngày nào cũng vậy, khi được đặt lưng xuống giường để nghỉ ngơi thì kim đồng hồ cũng đã chỉ ở con số 11 giờ đêm.

Mai An đôi lúc thèm ăn thứ này thứ kia, thì phải len lén mua về rồi ăn ở ngoài, chứ tuyệt nhiên không dám ăn ở nhà vì sợ mẹ chồng biết. Chỉ cần mẹ chồng nhìn thấy con dâu đang ăn thứ gì đó là bà lại rít lên rằng: “Ăn vừa thôi. Cô ăn nhiều thế thì làm sao mà đẻ được. Nó tịt, tịt đấy. Hiểu chưa?”. Thế nên, ngay cả trong bữa cơm, An cũng chỉ dám ăn hai lưng vơi rồi dừng lại. Chiến vẫn thất thường về nhà. Hôn nhân trong mơ bỗng chốc sụp đổ.

Mai An không có ai để chia sẻ. Rồi cô lại nghe người ngoài đồn Chiến có bồ. Vài người hàng xóm nhiều lời còn thì thầm với An rằng: “Cô không có con được thì nên chấp nhận cho chồng có bồ, kiếm đứa con về mà nuôi cho yên nhà, yên cửa”. Rồi thì An cũng tận mắt thấy chồng ngoại tình. Chiến chẳng hề hoảng sợ hay lo lắng. Anh bình thản nhìn vợ. Mẹ chồng ríu rít đón nhân tình của con trai về nhà. Bà quá mong chờ có một đứa cháu.

Mai An bị đẩy ra khỏi cuộc sống của nơi cô đã từng gọi là gia đình. Không công việc, không có tình yêu thương, không người chia sẻ, Mai An bị đẩy vào đường cùng của cuộc sống. Khi đứa con của chồng và tình nhân ra đời, khi cả họ nội hân hoan đón mừng đứa cháu đã được mong chờ bao nhiêu năm nay, Mai An lẳng lặng thu xếp chút đồ cá nhân và ít quần áo rồi rời khỏi nhà.

Không một ai biết chị bỏ đi. Cũng không ai nghĩ là Mai An sẽ đi tu. Nhưng chị cũng chỉ nương nhờ cửa Phật hơn một năm, bởi lòng chị chưa dứt hẳn được với chốn trần ai. Chị vẫn đau đáu mãi nỗi đau về việc bị đẩy ra khỏi gia đình vốn là của mình. Một năm ăn chay, niệm Phật chỉ phần nào giúp tâm chị tĩnh lại còn nỗi đau vẫn còn nguyên.

Không ai đi tìm Mai An. Chị tin là như vậy. Chị cũng không nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình một lần nữa, bởi An đã không còn tin vào tình yêu. An chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ ở một miền quê nghèo. Một mình. Khát vọng được làm mẹ mãi mãi đóng lại cùng cuộc đời chị. Chị nói một người đàn bà không con, chẳng khác nào cây độc không quả. “Kiếp trước có lẽ tôi gây oan trái nhiều nên kiếp này đành phải chịu cảnh cô quạnh suốt đời” – An cay đắng nói.

Cay đắng tìm người đẻ thuê

Chị Hồng (Phú Thọ) đã được một lần làm mẹ ở tuổi 35. Hồng kết hôn năm 22 tuổi, khi ấy, chị vừa ra trường. Chị và Kiên, chồng chị hiện tại, đã yêu nhau được hơn 2 năm. Hai bên gia đình cũng đồng ý và vun vào cho đôi trẻ.

Năm ấy, mẹ Hồng đi xem bói, thầy phán nếu cưới năm Hồng 22 tuổi thì rất tốt, tốt cho cả sự nghiệp lẫn đường con cái, gia đình. Nghe thầy nói xong, mẹ chị lập tức về bàn bạc với bà thông gia và thúc đẩy đôi trẻ nhanh chóng chuẩn bị làm đám cưới. Hồng vẫn chần chừ vì chị chưa có việc làm, Kiên cũng chưa mấy ổn định nhưng hai bên bố mẹ gạt hết, nói: “Chúng mày không phải lo. Có gì thì bố mẹ cho. Không sợ chết đói đâu”.

Nghĩ trước sau gì cũng lấy nhau, Hồng và Kiên gật đầu, để bố mẹ lo chuyện trăm năm cho mình. Trở thành vợ chồng khi tuổi đời còn quá trẻ, Hồng và Kiên thống nhất sẽ lo cho sự nghiệp trước, rồi mới tính đến chuyện con cái. Hai vợ chồng vùi đầu vào chuyện kinh doanh, kiếm tiền lo cho tương lai của cả hai và cả con cái họ sau này. Khi Hồng bước sang tuổi 29, cuộc sống đã tốt hơn trước, có của ăn của để, chị bàn với chồng chuyện con cái.

Kiên đồng ý chuyện đó vì nếu để Hồng nhiều tuổi hơn sẽ ảnh hưởng đến cả chị và con sau này. Hơn nữa, ông bà hai bên đều nóng lòng mong có cháu từ lâu. Nhưng càng mong lại càng không thấy. Hồng và Kiên đi khám thì tuyệt đối không thấy có gì bất thường ở cả hai người. Không có nguyên nhân, nên không biết chạy chữa thế nào.

Cũng như vợ chồng Mai An, vợ chồng Hồng đi tìm đủ thầy, đủ thuốc để chữa sự hiếm muộn của mình. Ròng rã 5 năm trời, cuối cùng Hồng cũng đã mang thai. Cái tin chị có thai, mang niềm vui đến cho tất cả mọi người cả hai họ. Bố mẹ chồng thôi không dày vò con dâu, mà nâng niu chị như báu vật.

Kể từ ngày Hồng có thai, chị dường như được tôn lên thành bà hoàng trong nhà mà chính chị cũng coi mình như thế. Hàng ngày, việc của Hồng cần làm chỉ là ăn, xem ti vi, đi chơi bằng ô tô có người lái, đi shopping và giữ gìn cẩn thận để cái thai được an toàn.

Thực đơn ăn uống hàng ngày của Hồng được lên kĩ lưỡng bởi một bác sĩ dinh dưỡng để đảm bảo cho mẹ khỏe, con khỏe. Sau 9 tháng 10 ngày, cuối cùng đứa con mà rất nhiều người mong đợi cũng ra đời. Nhưng những ngày làm mẹ của Hồng rất ngắn ngủi. Con chị mất sau một trận sốt kéo dài, khi cháu mới 18 tháng tuổi. Hồng như chết ngất. Chị thậm chí còn không khóc nổi. Nỗi đau bao trùm nên toàn bộ gia đình.

Hồng có những biểu hiện của sự rối loạn thần kinh. Chị thường lảm nhảm nói một mình và cư xử như thể mình vẫn còn con và chị vẫn chăm sóc con. Có những lúc nửa đêm, Hồng bật dậy, sang phòng của con chị trước kia, đẩy nôi cưng nựng như thể bé vừa giật mình rồi khóc, chị dỗ dành con, hát ru con trong tưởng tượng. Mất 2 năm chữa trị, chị mới trở lại được như bình thường. Ấy là khi Hồng chấp nhận sự thật, chị đã mất đứa con mà chị hằng mong chờ bao nhiêu năm.

Cũng khốn khổ vì chuyện hiếm muộn, vợ chồng anh chị Lan thậm chí còn chuyển tới một nơi khác để sống và cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình, họ hàng, người thân.
(ảnh minh họa)

Bố mẹ chồng thời gian đầu không thúc giục vì thương con dâu vừa mất con, nhưng họ cũng không thể chờ đợi thêm được nữa. Sự nóng lòng của ông bà được thể hiện bằng cách đón rất nhiều trẻ con nhà hàng xóm về trông hộ. Ông bà nghĩ rằng, nghe tiếng con trẻ, Hồng sẽ nhanh chóng “thúc đẩy” việc có con hơn.

Thực ra, chị cũng rất muốn được làm mẹ một lần nữa nhưng sự việc khó hơn mọi người tưởng tượng. Đi khám lại, người ta nói Hồng không thể mang thai được nữa. Nhưng chị giấu kín chuyện này, chị chỉ cho chồng mình biết. Trước sức ép ghê gớm từ gia đình, Hồng buộc phải chọn cách tìm người đẻ thuê. Kiên sẽ có con với cô ta và Hồng sẽ nuôi dưỡng đứa trẻ như con của mình. Đây là nỗi đau khó có thể diễn tả bằng lời.

Tìm người để đẻ thuê không mấy khó khăn, cái khó là phải tìm người có dáng vẻ hao hao Hồng để đảm bảo sau này đứa con sinh ra sẽ không khác biệt quá nhiều đối với “mẹ” nó. Hồng mất 2 tháng trời, bỏ mọi công việc, để đi tìm một người như thế. Cô ta đưa ra giá cao không ngờ nhưng vì hoàn cảnh của mình, Hồng chấp nhận. Việc thuyết phục Kiên có con với một người khác cũng gặp nhiều khó khăn. Anh không muốn làm điều đó vì anh hiểu, Hồng rất đau khổ nhưng anh cũng không muốn vợ mình chịu thêm áp lực từ bố mẹ anh.

Cay đắng, Kiên đồng ý. Ngay khi người đẻ thuê báo tin đã có thai, Hồng cũng thông báo cho gia đình mình như vậy. Mặc cho mọi người ăn mừng, Hồng vội vàng thu xếp quần áo cùng người đẻ thuê lên đường “dưỡng thai”. Không một ai được gặp Hồng trong những ngày chị “dưỡng thai” trừ Kiên. Chị sợ kế hoạch sẽ bị bại lộ.

Cái thai giờ đã ở tháng thứ 6, bố mẹ hai bên hàng ngày vẫn gọi điện và năn nỉ Hồng cho ông bà nên thăm nhưng chị không chấp nhận. Chị không hề mong chờ đứa trẻ này bởi chị biết, đứa trẻ sẽ chỉ mang lại niềm hạnh phúc không trọn vẹn, nhất là khi vì nó, chị đã phải chia sẻ người đàn ông của mình, cho một người đàn bà khác.

Làm từ thiện để cầu con

Cũng khốn khổ vì chuyện hiếm muộn, vợ chồng anh chị Lan thậm chí còn chuyển tới một nơi khác để sống và cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình, họ hàng, người thân. Lan vốn là một dân chơi có tiếng ở đất Cảng. Gia đình giàu có, bố mẹ mải mê kiếm tiền, tình thương của ông bà dành cho con cái được đo đếm bằng số tiền ông bà đưa cho Lan tiêu. Càng cho nhiều tiền nghĩa là càng yêu thương. Nhưng một đứa trẻ thì cần tình yêu thực sự hơn là tiền bạc. Lan lớn lên bất cần, sống buông thả và để trôi đời mình theo những cuộc vui.

Chuyện ngủ với đàn ông đối với Lan chẳng qua chỉ là những chuyện cảm xúc. Cô không quan tâm người lên giường với mình là người yêu cô hay người cô yêu. Cuộc sống của Lan thiên về đêm, gắn liền với vũ trường, bar và những cuộc đi bão bất tận. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Lan gặp Mạnh, chồng cô hiện giờ.

Mạnh trái ngược hoàn toàn với Lan. Anh là một người đàn ông thành đạt, lớn lên trong một gia đình tri thức, được ba mẹ kỳ vọng sẽ là nhân vật khiến ông bà tự hào. Cho đến thời điểm trước khi gặp Lan, Mạnh đã làm được điều đó.

Nhưng kể từ khi anh yêu và nhất định đòi lấy Lan làm vợ, bao nhiêu mong muốn và hi vọng của cha mẹ Mạnh với anh đã hoàn toàn đổ vỡ. Người ta không thể hiểu nổi tại sao một người tử tế như Mạnh lại đem lòng, yêu một cô gái hư hỏng như Lan và hơn thế, lại quyết định gắn bó cuộc đời mình với cô gái này.

Lan bị bố mẹ chồng ghẻ lạnh ngay từ ngày đầu tiên về làm dâu. Đã quen với việc sống không có tình thương từ gia đình nhưng điều này vẫn khiến Lan thấy đau lòng. Lấy Mạnh, Lan đã thay đổi rất nhiều. Cô đoạn tuyệt hẳn với bạn bè trước đó, để bắt đầu một cuộc đời mới, để làm một con người mới.

Lan bắt đầu tham gia vào các lớp học nấu ăn, học cách làm việc nhà và chăm lo đến mọi người. Mái tóc quăn tít, vàng đỏ của cô được duỗi thẳng, nhuộm đen trở lại. Không còn gợi cảm trong những bộ váy ngắn cũn cỡn, Lan dịu dàng trong bộ đồ ở nhà. Nhìn cô gái hiền lạ lùng. Không ai nghĩ nổi rằng Lan đã từng có một thời là dân anh chị của dân chơi xứ Cảng.

Sự chuyển biến của con dâu dần dần cũng làm bố mẹ chồng động lòng. Mẹ chồng bắt đầu dạy con dâu nấu nướng. Trong bữa cơm bắt đầu có tiếng cười nói. Nhưng những êm đềm lại nhanh chóng biến mất khi sau 2 năm, vợ chồng Mạnh vẫn chưa có tín hiệu gì về việc sinh con đẻ cái. Mạnh cười và nói muốn phấn đấu cho sự nghiệp trước tiên, nhưng anh vẫn chiều bố mẹ, nói vợ chồng sẽ sinh con để ông bà có cháu bồng bế.

Đáng buồn là Lan cứ mang thai đến tháng thứ 3 thì sảy. Sau 3 lần như vậy, cô đến bệnh viện để khám. Kết quả là do trước đây, Lan nạo phá thai quá nhiều nên để lại hậu quả, thai không thể bám vào thành tử cung khi nó lớn lên và dẫn đến việc sảy thai.

Cuối cùng thì cô đã phải trả giá cho những năm tháng buông thả của mình. Không may cho Lan khi bố mẹ chồng biết được nguyên nhân đó. Bao nhiêu tình cảm tốt đẹp mà khó lắm, ông bà mới có thể dành cho cô con dâu bị sụp đổ hết. Mẹ chồng tách Lan ra khỏi Mạnh.

Bà buộc cô phải xuống nhà dưới ngủ với người giúp việc. Còn lại, bà hớt hải tìm vợ cho con trai mình. Mạnh không dám trái lời mẹ, nên chỉ dám xuống thăm vợ lúc mọi người trong nhà đã ngủ hết. Sau này, biết việc Mạnh thường lén lút xuống với Lan lúc đêm tối, mẹ anh khóa luôn cửa buồng con trai vào và sáng hôm sau, đến giờ đi làm, bà mới mở cửa ra.

Lan trở thành người thừa trong nhà. Cô làm gì, ăn gì, đi đâu cũng không còn ai quan tâm nữa. Mạnh chỉ có thể biết tình hình của vợ qua điện thoại. Lan bắt đầu tham gia các chương trình từ thiện. Cô nghĩ, kiếp trước mình đã gây nhiều điều ác nên kiếp này mới phải trả. Nếu cô làm nhiều việc thiện, tích đức thì có thể giảm được những tội mà cô gây ra từ kiếp trước, để cô có một đứa con. Lan dọn về nhà bố mẹ ở để cho tiện việc đi làm từ thiện. Cô cũng rất chăm chỉ lên chùa cầu khấn.

Lan và Mạnh cũng đã tính đến chuyện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng cuối cùng họ không thực hiện được, vì bố mẹ cả hai bên đều không đồng ý điều đó. Một năm có 365 ngày, thì Lan đi từ thiện 300 ngày. Cô ở nhà rất ít, cô sợ bị bố mẹ chì chiết, bị mẹ chồng thi thoảng qua lên lớp nói cô lên viết đơn ly hôn để giải thoát cho chồng mình.

Lan cũng đã nói điều này và Mạnh không chịu. Vì bị bố mẹ chồng ngăn cấm nên vợ chồng cô không chia sẻ nhiều được với nhau. Lan chịu nỗi đau gần như là một mình. Nó nhiều đến nỗi, Lan thấy bắt đầu sợ trẻ con. Cô không muốn nhìn thấy trẻ con, không muốn nghe thấy trẻ con cười nói.

Lan thậm chí còn khóc khi nghe thấy những tiếng đó. Cuộc sống của cô rơi vào ngục sâu tăm tối. Hàng xóm xì xào nói đó là cái giá mà Lan phải trả cho những năm tháng chơi bời của cô. Không một ai đồng cảm với nỗi đau hiếm muộn mà Lan phải gánh chịu.

Để bắt đầu một cuộc sống nhẹ nhàng hơn và không còn áp lực, Mạnh quyết định cùng Lan đến sống ở một nơi khác, để họ được sống một cuộc đời mới. Anh cũng đang thuyết phục vợ nhận nuôi một đứa trẻ để họ được làm cha, làm mẹ. Anh tin rằng, tình yêu sẽ khiến đứa trẻ trở thành con của họ thực sự và Lan vợ của anh sẽ không còn đau khổ nữa.

Mới đây, báo chí đã đưa tin rất nhiều về việc cháu Phạm Xuân Trường (bé sơ sinh 2 ngày tuổi), bị chị Nguyễn Thị Lệ bắt cóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo lời khai, Lệ cho biết, do hiếm muộn, mãi mới có con nhưng thai bị chết lưu nên chị nảy ra ý định bắt cóc cháu để về nói dối nhà chồng.

Dù cơ quan điều tra vẫn đang trong quá trình xác minh độ chính xác của thông tin, nhưng qua đó cũng đủ cho ta thấy rằng, những người vô sinh, hiếm muộn bị chịu áp lực, tâm lý rất nặng nề. Việc không được thông cảm và bị chỉ trích liên tục từ người thân, đã khiến những người trong cuộc sinh ra tâm lý tiêu cực và hành xử sai lầm. Không có con đã là một lỗi đau rất lớn. Vì vậy, nếu không thể chia sẻ, xin cũng đừng đào sâu vào nỗi đau đó.

Nguồn 24H: http://www.eva.vn/eva-tam/bi-kich-hiem-muon-cua-mot-gia-dinh-c66a81259.html