Bi kịch nữ nhà báo trẻ bị bắt cóc, cưỡng hiếp suốt 460 ngày

Bị bắt cóc, tra tấn và cưỡng hiếp hàng ngày trong suốt 15 tháng, Amanda Lindhout – một nữ nhà báo trẻ - dường như lúc đó đánh mất mọi niềm tin và hy vọng.

10 năm qua, nữ phóng viên thường xuyên bị ác mộng từ những ký ức kinh hoàng của vụ bắt cóc.

Song chỉ một hình ảnh nhỏ đã truyền cảm hứng, khiến cô có thể kiên cường vượt qua những thứ tưởng chừng như đi quá giới hạn cho con người.

Thời điểm xảy ra bi kịch Amanda mới có 26 tuổi. Đối với một phóng viên trẻ, việc được tác nghiệp tại vùng chiến sự Somalia mang đầy thử thách song cũng là cơ hội chỉ có một trong đời.

Năm 2008, Amanda cùng bạn trai – nhiếp ảnh gia người Australia Nigel Brennan (36 tuổi) – quyết định tới quốc gia Đông Phi. Họ bị bắt cóc sau 3 ngày tới đây, khi đang trên đường tới thăm một trại dành cho người tị nạn ở thủ đô Mogadishu. Dự kiến, cặp đôi chỉ ở đây một tuần, nhưng thời điểm họ đến Somalia lại là quãng thời gian “báo động đỏ về nạn bắt cóc” tại quốc gia này.

“Chúng tôi đang đi trên con đường cao tốc rộng lớn thì bất ngờ có một chiếc xe vượt lên đỗ sát bên đường. Chỉ vài phút sau, ác mộng hiện hữu”, Amanda hồi tượng trong chương trình Interview phát sóng Kênh 7 Australia. “Có khoảng hơn chục người đàn ông trang bị vũ khí ngồi trong chiếc xe đó. Điều tiếp theo tôi biết là tôi bị bắt cóc”.

Những kẻ bắt cóc cặp đôi yêu cầu 1,5 triệu USD tiền chuộc từ mỗi gia đình. Chính phủ Canada và Australia đều không trả tiền chuộc. Gia cảnh của hai con tin cũng thực sự khó khăn.

Từ đó, chuỗi ngày bị giam cầm, bị bỏ đói, chịu cảnh tra tấn dã man và lạm dụng tình dục bắt đầu.

Amanda cùng nhiếp ảnh gia người Australia Nigel Brennan (36 tuổi) tới Somalia tác nghiệp.

“Gần như mỗi ngày, chúng tôi bị tách khỏi nhau và bị lạm dụng tình dục. Thực sự vô vọng và đáng sợ. Thời gian trôi đi, điều kiện sinh sống cũng tồi tệ hơn. Vì phải tốn khoản ăn cho chúng tôi nên mỗi ngày thức ăn lại ít đi. Những kẻ bắt cóc lại càng giận dữ”, Amanda kể lại.

Cô nhớ lại mảnh hồi ức đáng sợ khi bị giam cầm sau 4 tháng. Bọn bắt cóc đánh thức Amanda nửa đêm và chở cô tới giữa sa mạc.

“Chúng lôi tôi ra khỏi xe và giật đầu tôi ra đằng sau. Điều tiếp theo tôi biết là một con dao kề cổ. Chúng bắt tôi gọi về cho mẹ và thuyết phục bà trả tiền chuộc trong vòng 7 ngày”.

Tuy nhiên, khoản tiền chuộc đó chưa bao giờ xuất hiện. Những tên bắt cóc giận dữ, dọa sẽ giao cặp đôi cho một băng nhóm khác.

Bị giam cầm đến tháng thứ 13, Amanda tuyệt vọng đến mức lên kế hoạch tự tử với một con dao cạo mà cô được đưa cho. Tuy nhiên, hình ảnh một chú chim nhảy nhót hót véo von trong ánh nắng mặt trời buổi sáng đã khiến cô lấy lại niềm hy vọng, tiếp tục có thêm nghị lực sống sót qua chuỗi ngày kinh hoàng. Cô tin con chim là sứ giả mang điềm lành tới.

Vài tuần sau đó, cặp đôi trốn thoát bằng một lối cửa sổ và chạy tới một nhà thờ gần đó.

Nỗ lực không thành, họ bị bắt lại. Một người phụ nữ đã tìm cách giúp họ, van xin bọn bắt cóc hãy thả cặp đôi đi khi ôm Amanda vào lòng, gọi cô là “em gái”. Song những tay bắt cóc tàn ác vẫn lôi họ ra khỏi nhà thờ và đưa họ trở lại phòng giam giữ. Khi rời đi, họ nghe thấy tiếng súng bên trong nhà thờ. Amanda không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ ấy.

Cuối cùng, sau 460 ngày bị giam cầm, cặp đôi được thả tự do sau khi gia đình hai bên trả đủ tiền chuộc.

Tên Ali Omar Ader – chủ mưu vụ bắt cóc.

Trong cuộc điện thoại đầu tiên với mẹ sau khi được trả tự do, Amanda biết được số tiền chuộc mà gia đình vất vả thu vén được là do cộng đồng quyên góp.

“Chúng tôi được cứu thoát từ những điều tốt đẹp nhất của lòng người. Người dân Australia không biết tôi và Nigel, nhưng họ vẫn quyên tiền để đổi lấy sự tự do cho chúng tôi”, Amanda xúc động.

Tên Ali Omar Ader – chủ mưu vụ bắt cóc – đã bị kết án 15 năm tù giam tại một nhà tù ở Canada.

Trong một phiên điều trần, Amada tiết lộ cho đến tận bây giờ, cô vẫn bị quá khứ kinh hoàng kia làm cho khiếp sợ giữa đêm. Cả Amada và Nigel xác nhận họ không còn giữ liên lạc với nhau trong suốt 7 năm sau bi kịch.

Theo Báo Tin tức

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/bi-kich-nu-nha-bao-tre-bi-bat-coc-cuong-hiep-suot-460-ngay-624716.ldo