Bi kịch từ những vụ cưới nhầm” trẻ em

Những vụ “cưới nhầm” trẻ em làm vợ được gia đình hai bên tác thành dựa trên tình cảm thật của đôi trẻ. Sau những tháng ngày hạnh phúc, các cặp vợ chồng này đều sinh con. Cho đến một ngày, các cơ quan chức năng phát hiện.

Khi bị cơ quan điều tra triệu tập, những người chồng mới hiểu rằng, họ đã vi phạm pháp luật bao năm qua mà không hề hay biết. Bi kịch từ những cuộc hôn nhân trái pháp luật đã để lại bài học sâu sắc cho không chỉ đối với mỗi gia đình đã buông lỏng quản lý con cái, mà còn là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để công dân của mình trở thành kẻ phạm tội trong vô thức. 1. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh vừa có quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với anh Ngô Minh Thuận về tội hiếp dâm trẻ em. Tháng 5/1998, được sự tác thành của hai bên gia đình, anh Ngô Minh Thuận, trú tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức đám cưới không hôn thú với chị N., ở cùng khu vực. Sau đó, họ có với nhau hai người con. Năm 2006, hai người đã được chính quyền địa phương đồng ý cho đăng ký kết hôn. Mười năm sau ngày tổ chức đám cưới, do mâu thuẫn trong cuộc sống nên anh Thuận và chị N. đã chia tay. TAND huyện Hòa Thành đã xét xử vụ án này và chấp thuận cho anh Thuận và chị N. ly hôn. Trong quá trình kiểm sát án sơ thẩm, Viện Kiểm sát huyện phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi anh Thuận cưới chị N. vào thời điểm chị N. đang ở tuổi vị thành niên. Tháng 3/ 2009, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt anh Thuận 8 năm tù về tội danh trên. Trong phiên phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã yêu cầu cơ quan điều tra xác minh làm rõ tuổi của chị N. Theo lời khai của bố mẹ đẻ chị N. và các giấy tờ liên quan chỉ chứng minh rằng, chị N. sinh năm 1985, chứ không nhớ ngày tháng cụ thể. Cơ quan điều tra đã lấy ngày đầu tiên của tháng và tháng đầu tiên của năm chị N. chào đời làm căn cứ xác định tuổi. Tính đến thời điểm anh Thuận và chị N. làm chuyện vợ chồng, chị N. chưa đủ 14 tuổi nên anh Thuận phạm tội giao cấu với trẻ em. Chị N. không yêu cầu xử lý đối với anh Thuận với lý do anh chị đã chung sống với nhau tự nguyện, được gia đình tổ chức lễ cưới. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của anh Thuận là do kém hiểu biết về pháp luật. Cha con anh Thuận vui mừng đoàn tụ vào ngày anh Thuận được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Sau gần một năm vướng vào vòng tố tụng, anh Thuận đã được cơ quan chức năng áp dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để miễn trách nhiệm hình sự. 2. Ở một vụ án khác cũng liên quan đến việc cưới vợ là trẻ em, theo dự kiến ngày 29/9/2009, TAND tối cao sẽ xét xử phúc thẩm vụ án giao cấu với trẻ em. Đầu năm 2005, anh Phạm Tấn Hoàng, trú tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh rủ chị C., ở cùng khu vực đến nhà chơi, sau đó hai người đã làm chuyện vợ chồng. Khi chị C. có bầu, gia đình hai bên đã thống nhất cho anh Hoàng và chị C. sống chung. Chưa đến tuổi 16, chị C. đã sinh con. Một thời gian sau, do phát sinh mâu thuẫn trong gia đình nên chị C. đã đem con bỏ về nhà người thân sinh sống. Lúc này, anh Hoàng lấy vợ khác. Bức xúc vì sự việc này, chị C. đã gửi đơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Từ lá đơn của chị C., cơ quan chức năng đã vào cuộc. Anh Hoàng bị khởi tố về tội giao cấu với trẻ em. Tháng 3/2009, TAND tỉnh Tây Ninh đã xử phạt Phạm Tấn Hoàng ba năm tù về tội giao cấu với trẻ em, nhưng cho hưởng án treo. Viện KSND tỉnh đã kháng nghị bản án này và chị C. cũng kháng cáo về mức án nên TAND tối cao sẽ xử phúc thẩm. 3. Ngày 8/9/2009, cơ quan điều tra Công an quận 8, TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ vụ anh Nguyễn Văn Tâm, trú tại quận này có dấu hiệu phạm tội giao cấu với trẻ em sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để trao đổi về hướng xử lý. Theo xác minh ban đầu, tháng 4/1997, anh Tâm cưới chị H. khi chị H. chưa đủ 15 tuổi. Đáng nói nữa là vợ chồng họ đã có con chung 11 tuổi. Khi cháu được hơn 4 tuổi thì anh Tâm và chị H. chia tay. Chính gia đình chị H. cũng bất ngờ khi biết tin anh bị Công an triệu tập vì lý do đã làm chuyện vợ chồng với chị khi chị chưa đủ 16 tuổi. Chị H. đã gửi đơn xin cơ quan chức năng xem xét, giảm hình phạt cho anh Tâm. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn đang được cơ quan chức năng xem xét. Những vụ người chồng cưới vợ khi vợ còn ở tuổi vị thành niên xảy ra trong thời gian qua không phải là ít. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn nói trong bài viết này là trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong gia đình đối với con trẻ, và trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, đoàn thể đối với người dân sinh sống trên địa bàn. Trước hành động bồng bột và nông nổi của con trẻ, những người làm cha, làm mẹ phải hiểu để khuyên can con cái và kịp thời ngăn chặn đám cưới khi tuổi của chúng chưa được pháp luật cho phép trở thành vợ chồng. Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hiểu rõ về Luật Hôn nhân và gia đình trong cuộc sống hàng ngày, để các đám cưới thực sự là ngày vui và niềm hạnh phúc của đôi trẻ, của mỗi gia đình và xã hội

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/phapluat/2009/9/119702.cand