Bị lừa bán, mất mạng... do vượt biên sang Trung Quốc lao động 'chui'

Vào thời điểm khi mùa màng đã thu hoạch xong, hay những tháng cận Tết, số người vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm ngày một tăng. Khi người dân tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, nhiều hệ quả đau lòng đã xảy ra.

Đồn BPCK Trà Lĩnh phối hợp tiếp nhận các đối tượng xuất cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu. Ảnh: Bế Hồng Cương.

Đồn BPCK Trà Lĩnh phối hợp tiếp nhận các đối tượng xuất cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu. Ảnh: Bế Hồng Cương.

Trưa 23/3/2018, tại Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Trà Lĩnh, Đồn BPCK Trà Lĩnh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cao Bằng đã tổ chức tiếp nhận 12 công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Giang do Đại đội Công an TP Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc trao trả.

Những công dân trên đã xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn biên giới sang Trung Quốc với mục đích lao động làm thuê và đã bị các lực lượng chức năng phía Trung Quốc phát hiện, bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép.

Trong 12 công dân trên có 2 trẻ vị thành niên. Sau khi tiếp nhận, Đồn BPCK Trà Lĩnh đã tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở và yêu cầu những công dân trên phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi qua lại biên giới; đồng thời cảnh báo nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với việc tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Trước đó, ngày 15/3, tại Trạm kiểm soát BPCK Trà Lĩnh, Đồn BPCK Trà Lĩnh đã tổ chức tiếp nhận 14 công dân Việt Nam (có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Giang) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê, do Đại đội Công an TP Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc trao trả.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng là do địa phương không có việc làm ổn định, đời sống người dân bấp bênh, nhất là trong thời gian nông nhàn, những dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong khi nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn, giá công lao động được trả cao hơn, trung bình quy đổi khoảng 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày, hình thức thanh toán đơn giản.

Nhưng việc đi lao động “chui” đã dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường. Nhiều người bị quỵt tiền lương, bị lừa bán, có người đã mất mạng, bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam. Lúc 16h ngày 4/8/2017, Đồn BPCK quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng nhận được tin báo của anh Hoàng Văn Pu (SN 1993, trú tại xã Yên Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, vào khoảng 7 giờ cùng ngày, anh cùng 12 người khác xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc bốc hàng thuê kiếm sống.

Đến 15h30 cùng ngày, khi đoàn người đi làm thuê trong ngày quay về, đến bờ sông biên giới đối diện mốc 943, cách biên giới khoảng 25m về phía Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc phát hiện, bắt giữ 3 người. Số còn lại do sợ hãi nên nhảy xuống sông để bơi về Việt Nam tẩu thoát.

Không may, 2 người phụ nữ do không biết bơi nên đã bị nước cuốn trôi mất tích. Sau khi nhận được tin báo, Đồn BPCK quốc tế Tà Lùng đã kịp thời báo cáo với các cấp xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tìm kiếm nạn nhân.

2 ngày sau, vào 3h40 ngày 6/8/2017, lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể chị Đặng Mùi Phấy ở phía thượng lưu, cách cầu phao khoảng 50 mét. 10h30 cùng ngày, lực lượng tìm kiếm phát hiện thấy thi thể thứ hai của chị Đặng Mùi Liều (cả hai nạn nhân đều SN 1988, cùng trú tại bản Tà Pà, Yên Lạc, Nguyên Bình, Cao Bằng) cách cầu phao khoảng 100 mét về phía hạ lưu.

Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật, thông báo gia đình 2 nạn nhân đến nhận và đưa thi thể nạn nhân về chôn cất theo phong tục địa phương.

Trong quá trình tìm kiếm 2 nạn nhân trên, khoảng 8h15 ngày 6/8/2017, tại cầu phao tiếp tục phát hiện 1 thi thể là nam giới không mặc quần áo, tay trái đeo một chiếc đồng hồ, khi trục vớt do nước chảy xiết nên thi thể đã trôi xuống gầm cầu phao và trôi đi tiếp không vớt được.

14 giờ ngày 6/8, ông Lý Giao Trình (SN 1966, trú tại Lũng Luông, Vũ Nông, Nguyên Bình, Cao Bằng) đến trạm trình báo con trai là Lý Kiềm Tỉnh (SN 1992) đi bốc vác, làm thuê tại Tà Lùng đã mất tích 3 ngày.

Đây là bài học đắt giá đối với những người lao động bất chấp những hệ lụy khôn lường, nguy hiểm đến tính mạng để vượt biên theo đường mòn sang Trung Quốc làm thuê.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/an-ninh-quoc-phong/bi-lua-ban-mat-mang-do-vuot-bien-sang-trung-quoc-lao-dong-chui-426629.html