Bí mật của phụ nữ Afghanistan

Khi tiếng nói không còn được lắng nghe, phụ nữ Afghanistan chọn viết 'về những điều mà họ không được phép nghĩ hay những giấc mơ mà họ không được phép mơ'.

Đôi khi, tiếng nói của phụ nữ Afghanistan vang lên trên đường phố Kabul hay nhiều thành phố khác, trong các cuộc biểu tình hay bài phát biểu của những người đang đấu tranh từ xa, bên ngoài Afghanistan.

Nhưng phần lớn, suy nghĩ của họ chỉ được thể hiện một cách thầm lặng. Họ nung nấu ý chí khi cố gắng dung hòa cuộc sống với những luật lệ ngày càng hà khắc của chính quyền Taliban.

Trong khoảng thời gian trước khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, 18 nữ nhà văn Afghanistan đã viết những câu chuyện rút ra từ đời thực, xuất bản trong cuốn sách “Cây bút của tôi là cánh chim” vào đầu năm nay.

Nhiều phụ nữ Afghanistan cảm thấy thất vọng khi bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Song với cây bút và chiếc điện thoại, họ đang an ủi lẫn nhau và suy ngẫm về những vấn đề mà hàng triệu phụ nữ, trẻ em gái phải đối mặt.

Hai nhà văn ở Kabul, với bút danh Paranda và Sadaf, đã bí mật chia sẻ suy nghĩ của họ với BBC.

Khăn màu hồng

"Hôm nay, tôi thức dậy với quyết tâm đội khăn trùm đầu màu hồng, thay vì chiếc khăn màu đen mà tôi phải đội hàng ngày. Một chiếc khăn màu hồng có phải là tội?", Paranda viết.

Paranda thích mặc đồ màu hồng. Nhưng ở Afghanistan, việc phụ nữ mặc gì hiện là một cuộc đấu tranh. Các sắc lệnh nghiêm ngặt của Taliban về sự khiêm tốn đã được thi hành, thường là bằng vũ lực.

Vào tháng 5/2022, lực lượng Taliban ở Kabul không cho phép một số nữ sinh đại học vào lớp, vì khăn trùm đầu của họ được cho là quá sặc sỡ. Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy thành viên Taliban chặn một nhóm phụ nữ ở lối vào Đại học Bách khoa Kabul và yêu cầu họ về nhà vì khăn trùm đầu của họ không phải màu đen, theo CBS.

Trong xã hội truyền thống này, phụ nữ Afghanistan không hoàn toàn phản đối việc trùm đầu, nhưng họ muốn có quyền lựa chọn. Một chiếc khăn màu hồng hay trang trí lấp lánh giống như chút ánh sáng trong bóng tối.

 Paranda đội chiến khăn trùm đầu màu hồng trên đường phố. Ảnh: BBC.

Paranda đội chiến khăn trùm đầu màu hồng trên đường phố. Ảnh: BBC.

Một lần khác, Paranda viết: ''Lính gác Taliban yêu cầu chúng tôi dừng xe. (Họ) chỉ vào tôi, tim tôi đập nhanh hơn, người tôi run lên. Khi chiếc xe đi xa, nỗi sợ hãi của tôi biến thành tức giận".

Sự khó đoán của Taliban khiến những người phụ nữ như Paranda thấp thỏm. Hành trình của một phụ nữ thật căng thẳng, với quãng đường dài trên 72 km, họ buộc phải có mahram - một nam giới đi cùng. Nhưng một số lực lượng Taliban tùy ý áp dụng quy tắc, yêu cầu họ về nhà theo ý thích.

"Con gái của chủ nhà tắm công cộng đã đính hôn. Thật đáng ngạc nhiên. Cô bé mới 13 tuổi. Mẹ cô bé nói rằng lực lượng Taliban sẽ không bao giờ mở cửa trường học, nên hãy để cô bé tìm đến ngôi nhà may mắn của mình”, Paranda kể.

“Dường như cô bé đó chính là tôi. Khi chính quyền Taliban nắm quyền lần đầu tiên, tôi cũng chấp nhận một cuộc hôn nhân ép buộc. Vết thương vẫn chưa lành, nhưng tôi đã đứng dậy từ đống tro tàn", cô nhớ lại.

Đó là sự đàn áp lặp đi lặp lại. Phụ nữ Afghanistan đau đớn nhớ lại chế độ cai trị của Taliban những năm 1990 cũng từng tước đoạt cơ hội học hành của họ.

Khi lực lượng này bị lật đổ vào năm 2001, giống như nhiều người khác, Paranda đã nắm lấy cơ hội, ly hôn và tiếp tục đi học. Một thế hệ nữ sinh mới trưởng thành với những ước mơ lớn hơn. Nhưng giờ đây, nỗi đau của họ càng khắc sâu khi chứng kiến trường học đóng cửa một lần nữa.

Viết để chữa lành

"Tôi từng sử dụng mạng xã hội, nhưng giờ đã 'khóa chặt môi'. Tôi bất mãn với những lời lẽ trần trụi mà đàn ông dùng với phụ nữ. Gốc rễ các vấn đề của phụ nữ Afghanistan không phải do sự thay đổi quy tắc mới, mà là những suy nghĩ tiêu cực của nam giới với phụ nữ", Paranda viết.

Phụ nữ Afghanistan lâu nay vẫn sống với những giới hạn do đàn ông đặt ra. Những tiến bộ trong vài năm gần đây hiện cũng bị đảo ngược. Điều đó có tác động dây chuyền - củng cố các chuẩn mực bảo thủ trong gia đình vốn giới hạn sự tự do của phụ nữ và trẻ em gái.

Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 7/2022 cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị bắt và giam giữ vì các "vi phạm" nhỏ, theo South China Morning Post.

Taliban kiểm soát hoạt động của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gắt gao. Ảnh: AP.

Song Paranda cũng chia sẻ: "Tôi phải viết về những gì đang xảy ra. Có quá ít phương tiện truyền thông hiện nay. Tôi tin rằng một ngày nào đó, Afghanistan sẽ là một đất nước tốt cho phụ nữ và trẻ em gái. Sẽ mất thời gian. Nhưng điều đó sẽ xảy ra".

Bút danh của Paranda có nghĩa là cánh chim. Những phụ nữ như Paranda, đặc biệt là những người có học thức ở thành phố, không chịu bị giam giữ trong những chiếc lồng với luật lệ hà khắc. Nhiều người đã bỏ trốn, nhiều người vẫn nuôi hy vọng, số khác dũng cảm phản đối.

"Hãy viết! Tại sao phải sợ hãi? Có thể bài viết của bạn sẽ chữa lành tâm hồn ai đó", Sadaf viết.

Cuộc sống của một nhà văn ở bất cứ đâu cũng có thể đầy nghi ngờ và sợ hãi. Đối với phụ nữ Afghanistan, điều đặc biệt là tìm được những góc yên tĩnh, an toàn để viết, rèn giũa ý thức về bản thân.

Tuy nhiên, với hiện thực khắc nghiệt, nhiều phụ nữ Afghanistan đã lựa chọn từ bỏ mạng sống. Song Sadaf tỏ ra kiên cường hơn.

"Tôi nói: 'Không! Tôi không thể tự tử'. Tôi tự an ủi rằng có thể tôi không muốn sống, nhưng quyết định tự tử sẽ ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời khác. Chuyện này rồi cũng sẽ qua", Sadaf viết.

Đó là lời thì thầm len lỏi khắp nơi ở Afghanistan. Số phụ nữ trẻ tự tử được cho là ngày càng gia tăng, nhưng thật khó để xác nhận.

"Làm sao chúng tôi có thể bình thường và không trở nên điên loạn? Chúng tôi có thể chịu đựng bao nhiêu đau đớn? Cuối cùng, trái tim tôi chấp nhận rằng vùng đất này đã phải đối mặt với sự vô nhân đạo và tàn ác. Nhưng khi nào điều này sẽ kết thúc?", Sadaf viết.

"Có một ngọn lửa trong tôi, một linh hồn nhắc tôi phải chiến đấu. Tôi phải hy vọng quy luật tự nhiên rồi sẽ biến những ngày đen tối này thành ánh sáng", cô chia sẻ.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-mat-cua-phu-nu-afghanistan-post1383945.html