Bí mật ở Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải cho Cty xi măng Hà Tiên 1

Công ty xi măng Hà Tiên 1 có đầy đủ bộ phận kinh doanh, hoàn toàn có thể chủ động việc này, với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm, doanh thu không hề nhỏ, vậy tại sao phải thuê Công ty hàng hải Anh Phát làm trung gian?. Doanh nghiệp này không có tàu, không có bến bãi thì thực hiện công việc quan trọng trên như thế nào?

Thuê doanh nghiệp không có tàu để... vận chuyển

Từ nhiều năm nay, Cty hàng hải Anh Phát là đầu mối cung cấp dịch vụ vận tải cho Cty xi măng Hà Tiên 1. Ban đầu là các tuyến trọng điểm phía Nam như từ Bình Phước, Bình Dương đi về Sài Gòn; tuyến Sài Gòn - Nha Trang và từ năm 2015 thì kiêm luôn cả vận chuyển từ Bắc vào Nam cho Hà Tiên 1.

Có điều lạ là, Hà Tiên 1 có đầy đủ bộ phận kinh doanh, hoàn toàn có thể chủ động việc này, với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm, doanh thu không hề nhỏ, vậy tại sao phải thuê Công ty hàng hải Anh Phát làm trung gian?. Doanh nghiệp này không có tàu, không có bến bãi thì thực hiện công việc quan trọng trên như thế nào?

Nhằm làm rõ những thông tin này, cuối tháng 11/2015, trong vai đại diện cho một Cty lương thực ở phía Bắc, cần thuê tàu để chở hàng nông hải sản vào Nam và ngược lại, chúng tôi đã đến văn phòng của Cty Anh Phát ở TP.Hồ Chí Minh để liên hệ thuê dịch vụ vận tải. Bất thường đầu tiên, Công ty hàng hải Anh Phát ghi địa chỉ ở đường số 48, thuộc địa bàn quận 4, TP.HCM, nhưng thực tế, nhân viên lại ngồi làm việc tại số 40 đường Phạm Ngọc Thạch, tại văn phòng của một Công ty khác.

Trụ sở của Công ty hàng hải Anh Phát ở đường số 48, thuộc quận 4, TP.HCM (ảnh: PV)

Đúng như thông tin phản ánh, Công ty dịch vụ hàng hải Anh Phát do ông Đoàn Minh Phú (em vợ, đồng thời là em rể của ông Trần Việt Thắng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1) là người đại diện pháp luật.

Tại đây, bà Trang – một nhân viên kinh doanh của Anh Phát cho chúng tôi biết: “Khách hàng của Anh Phát chủ yếu là Hà Tiên 1, chứ hiếm khi nhận của đơn vị ngoài”. Đồng thời, bà Trang cũng đã đề nghị chúng tôi làm việc với ông Phú – người đứng đầu của Anh Phát. Qua điện thoại, ông Phú nhiều lần từ chối gặp gỡ và đề nghị phóng viên làm việc trực tiếp với bà Trang.

Trong nhiều lần làm việc tiếp theo, bà Trang cho biết, thực tế thì Công ty hàng hải Anh Phát làm cho Hà Tiên 1 “không hết việc” nên chưa chắc đã nhận thêm hợp đồng vận tải cho doanh nghiệp khác. Đồng thời, khi được hỏi về số lượng tàu thuyền hay bến bãi của doanh nghiệp, bà Trang luôn né tránh.

Nhận hợp đồng rồi đi thuê lại

Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có được các tài liệu cho thấy công ty hàng hải Anh Phát thực chất chỉ làm trung gian vận tải cho Hà Tiên 1. Trên thực tế, sau khi được Công ty xi măng Hà Tiên 1 ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải, công ty Anh Phát đã đi thuê lại các doanh nghiệp thực sự có tàu thuyền để làm.

Bằng nhiều cách khác nhau, nhóm phóng viên đã thu thập được một danh sách các công ty vận tải thuê cho công ty Anh Phát gồm: Công ty Tân Việt Phúc, Công ty Hoa Phương Nam, Công ty Long Sơn, Công ty Nhật Hải Đăng... Lấy ví dụ cụ thể, ngày 21/7/2015, Công ty Anh Phát do ông Phú làm Giám đốc đã ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH vận tải biển Tân Việt Phúc, để thuê tàu Tân Việt Phúc 05 vận chuyển clinker với giá 102.000 đồng/tấn.

Như đã thông tin, người lao động của Hà Tiên 1 phản ánh, sau khi nhận được hợp đồng từ Hà Tiên 1, Anh Phát thuê lại các doanh nghiệp vận tải làm và mức chênh lệch từ 10 đến 30 ngàn đồng mỗi tấn.

Như thế, với sản lượng lên tới hàng triệu tấn mỗi năm thì những người đứng đầu công ty Anh Phát “ăn” của Hà Tiên 1 số tiền không nhỏ.

Đến đây, không thể không lưu ý về mối quan hệ của ông Trần Việt Thắng và ông Đoàn Minh Phú.

Nhà ông Trần Việt Thắng (màu vàng)

Những người dân địa phương sinh sống tại đường số 48, quận 4, TP.Hồ Chí Minh khẳng định với chúng tôi: Ở đây, không ai là không biết ông Đoàn Minh Phú và ông Trần Việt Thắng có quan hệ gia đình với nhau. Nhà của ông Thắng là một biệt thự lớn, sang trọng ở số 4 đường 48, chỉ cách nhà (kiêm nơi đặt trụ sở của Công ty Anh Phát trên giấy tờ) có vài căn. Câu hỏi đặt ra lúc này là vai trò của ông Trần Việt Thắng trong việc cho công ty Anh Phát nhận được hợp đồng dịch vụ vận tải béo bở với sản lượng hàng triệu tấn năm.

Nếu như ông Phú không phải là em vợ, thì công ty Anh Phát có được ưu ái như vậy không?

Ông Đoàn Minh Phú nói gì về mối quan hệ với ông Thắng?

Trao đổi với báo chí sáng ngày 22/12/2015, ông Đoàn Minh Phú – người đại diện pháp luật của Công ty Anh Phát xác nhận rằng, ông Phú vừa là em vợ, vừa là em rể của ông Trần Việt Thắng – nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Xi Măng Hà Tiên 1. Cũng theo ông Phú, Anh Phát ký hợp đồng làm dịch vụ cho Hà Tiên 1 vào những năm 2009, 2010 cho đến nay, nhưng không phải chỉ có Anh Phát là đơn vị duy nhất làm dịch vụ cho Hà Tiên 1 mà còn có một đơn vị khác nữa cùng làm.

Trước khi ký kết hợp đồng thì Hà Tiên 1 có tổ chức đấu thầu, cạnh tranh công khai theo đúng qui định của Nhà nước nghiêm chỉnh, và cuối cùng thì Anh Phát vẫn là đơn vị trúng thầu.

Một điều đáng lưu ý khác, ông Phú cũng xác nhận với chúng tôi là Anh Phát không có tàu thuyền để vận chuyển, mà chủ yếu làm dịch vụ rồi đi thuê tàu của các đơn vị làm dịch vụ bên ngoài, dù ông Phú có nói với chúng tôi là Anh Phát đủ sức để mua tàu, và trong nước hay trên thế giới cũng không hiếm đơn vị làm.

Hà Tiên 1 vẫn im lặng

Nhằm làm rõ các thông tin trên, ngày 7/12, phóng viên đã liên hệ, gửi email câu hỏi cho bà Võ Thị Thanh Tâm – cán bộ truyền thông của Công ty Xi Măng Hà Tiên 1.

Sau khi nhận được bản câu hỏi này, bà Tâm có nói với chúng tôi rằng sẽ chuyển các thông tin nói trên cho các bộ phận chức năng của Hà Tiên 1 để xử lý. Bà Võ Thị Thanh Tâm đề nghị chúng tôi chờ, khi nào có phần trả lời thì sẽ liên hệ lại.

Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty này vẫn chưa có bất cứ hồi âm nào cho chúng tôi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Tổng Công ty công nghiệp Xi Măng Việt Nam cho biết, Hà Tiên 1 không thuê Công ty Anh Phát vận chuyển đá vôi, clinker… từ ngoài Bắc vào.

Còn đối với việc vận chuyển đá phụ gia từ TP.HCM ra Cam Ranh, Hà Tiên 1 thuê Công ty Cổ phần dịch vụ vận tải Xi Măng Hải Phòng và Công ty Anh Phát đảm trách.

“Các hợp đồng của Hà Tiên 1 đều thông qua đấu thầu, hoặc chào hàng cạnh tranh. Với từng tuyến vận tải, Hà Tiên 1 luôn thuê ít nhất 2 hoặc 3 đơn vị vận chuyển.

Thế nhưng, qua câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi và ông Phú – người đại diện Anh Phát, công ty này chỉ làm dịch vụ, nhận hợp đồng của Hà Tiên 1, rồi lại đi thuê đơn vị ngoài có tàu để chuyên chở, mà trên thực tế Anh Phát hoàn toàn không có phương tiện vận chuyển, vậy thì nếu không có mối quan hệ người nhà với người đứng đầu Hà Tiên 1 khi đó (ông Trần Việt Thắng) thì Anh Phát có được Hà Tiên 1 ký kết hợp đồng hàng loạt các dịch vụ béo bở này không?

Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang (đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 là doanh nghiệp cổ phần nhà nước nên việc chào hàng cạnh tranh, tìm kiếm các đơn vị đủ năng lực tham gia vào dịch vụ cung ứng vật tư, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có giá trị lớn phải thông qua thủ tục đấu thầu theo quy định Luật Đấu thầu đã được sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo đó, Luật sư Quang viện dẫn các điều luật cụ thể:

- Tại điều 1 quy định về các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với gói thầu thuộc các dự án sau đây:

1. Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển, bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng;

b) Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt;

c) Dự án quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn;

d) Dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật;

đ) Các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển;

2. Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

3. Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Luật sư Quang cho biết: “Luật Đấu thầu còn cấm không được đưa bố mẹ, anh chị em ruột thịt... vào tham gia đấu thầu.

Việc Công ty Xi măng Hà Tiên 1 không tổ chức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, tìm kiếm các đơn vị đủ năng lực tham gia vào dịch vụ cung ứng vật tư, dịch vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Để chứng minh cho nhận định trên, Luật sư Nguyễn Đăng Quang dẫn ra khoản 10, 11 của Điều 12 Luật đấu thầu quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Sắp đặt để cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột tham gia các gói thầu mà mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu...

Nhóm PVĐT

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/bi-mat-o-doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-van-tai-cho-cty-xi-mang-ha-tien-1-106713