Bí mật oanh tạc cơ B-58 của Mỹ 'chết yểu' vì tên lửa huyền thoại S-75

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ tung ra máy bay ném bom đời mới B-58 Hustler, song hệ thống tên lửa S-75 mới Liên Xô khiến dự án này nhanh chóng bị chôn vùi.

Vào giữa thế kỷ 20, Mỹ tung ra máy bay ném bom đời mới B-58 Hustler, với tốc độ tấn công siêu thanh. Tuy nhiên, chiếc máy bay này có nhiều lỗi hệ thống và không “gặp thời”. Bởi vì Liên Xô cùng lúc đó phát triển một tên lửa đất đối không S-75 mới, có khả năng dễ dàng tiêu diệt oanh tạc cơ hiện đại này.

Caleb Larson, chuyên gia của tờ The National Interest đã gọi hệ thống tên lửa S-75 của Liên Xô là "chiếc đinh cuối cùng", đóng cỗ quan tài của dự án chế tạo "siêu” máy bay ném bom của Mỹ.

Máy bay ném bom B-58 Hustler của Không quân Mỹ.

Máy bay ném bom B-58 Hustler của Không quân Mỹ.

Công ty hàng không vũ trụ Convair là đơn vị nghiên cứu và thiết kế máy bay ném bom B-58 Hustler. 4 động cơ tuốc bin phản lực và thiết kế cánh tam giác cho phép B-58 đạt tốc độ 2 Mach, ở độ cao từ 15.000-21.000m.

Tuy nhiên, với vai trò của một máy bay ném bom chiến lược, thiết kế của B-58 Hustler là khá nhỏ. Nó chỉ có thể mang 1 quả bom hạt nhân cỡ lớn Mark 39 hoặc B53, hoặc 4 quả bom B61 hoặc nhỏ hơn B43.

Tải trọng này cực kỳ thấp so với các máy bay ném bom khác thời đó”, Larson cho biết. Do đó Mỹ sau đó vẫn tiếp tục sử dụng máy bay ném bom B-52.

Trong thiết kế của B-58, các quả bom được đặt trên một dây treo bên ngoài thân máy bay. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu suất tinh gọn của B-58. Phi hành đoàn của máy bay ném bom B-58 chỉ gồm 3 người: phi công điều khiển, hoa tiêu và xạ thủ. Mỗi người trong số họ đều có cabin điều áp riêng. Máy bay có trang bị khẩu súng 20 mm ở đuôi, và sử dụng các khoang chứa để ném bom.

Một trong những nhược điểm chính của máy bay ném bom B-58 là phụ thuộc vào việc tiếp nhiên liệu trên không. Ở tốc độ cận âm, B-58 có thể bay được 3.200 km. Trong điều kiện bay siêu thanh, phạm vi bay giảm xuống còn 2.400 km. Một số lượng lớn nhiên liệu trên máy bay nằm trong cánh, thân và thùng chứa bên ngoài máy bay.

Khối lượng lớn nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến các đặc tính bay của B-58. Đặc biệt là trong quá trình tăng hoặc giảm tốc, trọng tâm dịch chuyển mạnh, dẫn đến mất kiểm soát.

Các tính năng thiết kế của máy bay có thể đã được hoàn thiện sau đó, nếu Liên Xô không phát triển và chế tạo hệ thống tên lửa S-75 mới.

Những tên lửa này có thể bay nhanh hơn nhiều so với B-58. Tốc độ S-75 đạt khoảng 3,5 Mach 3,5, ở độ cao khoảng 24.000 m. Hạn chế duy nhất của hệ thống tên lửa của Liên Xô là không thể hoạt động chống lại máy bay ở vị trí thấp. Nhưng B-58 Hustler không có khả năng bay với tốc độ siêu thanh ở độ cao thấp. Do đó, những ưu thế vượt trội của tên lửa Liên Xô S-75 đã khiến dự án chế tạo máy bay ném bom B-58 bị chôn vùi.

Máy bay ném bom B-58 Hustler của Mỹ là một trong những thành tựu đáng kể trong kỹ thuật hàng không vũ trụ. Nhưng nó chỉ phục vụ được 10 năm sau khi ra đời. Tới năm 1970, B-58 Hustler chính thức đã bị loại bỏ khỏi biên chế.

Phong Vũ (Nguồn: Warfiles.ru)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bi-mat-oanh-tac-co-b-58-cua-my-chet-yeu-vi-ten-lua-huyen-thoai-s-75-ar591824.html