Bí mật Tử Cấm Thành

Minh Thành Tổ đã để lại một kiệt tác kiến trúc vô giá cho hậu thế, kinh thành đó hoàn toàn tuân theo các nguyên lý của thuật phong thủy Trung Hoa như âm-dương và ngũ hành, tất cả đã làm nên một Tử Cấm Thành oai nghi, bệ vệ và trường tồn...

Chu Đệ (1360-1424) tức Minh Thành Tổ (hay Vĩnh Lạc Đế), người con thứ tư của nhà sáng lập vương triều nhà Minh, Chu Nguyên Chương, tức Minh Thái Tổ (1328-1398), đã tiếp quản Nam Kinh (kinh đô nhà Minh lúc bấy giờ), đăng quang ngai báu và sau đó dời dô đến Bắc Bình (Bắc Kinh ngày nay).

Khi lập kế hoạch thiết kế cung điện mới, Chu Đệ cùng các thầy phong thủy đã sử dụng nhiều nguyên lý phong thủy đắc diệu và cố tình tạo ra vỏ bọc là hoàng đế làm mọi thứ theo lệnh của Ngọc Hoàng đại đế. Bằng cách đó, Minh Thành Tổ đã để lại một kiệt tác kiến trúc vô giá cho hậu thế, kinh thành đó hoàn toàn tuân theo các nguyên lý của thuật phong thủy Trung Hoa như âm-dương và ngũ hành, tất cả đã làm nên một Tử Cấm Thành oai nghi, bệ vệ và trường tồn.

Cảnh Sơn (âm) và Kim Thủy (dương) đã làm thay đổi toàn bộ năng lượng âm, dương của Tử Cấm Thành.

Năm 1398, Chu Nguyên Chương băng hà. Người con trai trưởng là Chu Tiêu (thái tử Ý Văn) chẳng may chết sớm. Ngai vàng được trực tiếp truyền lại cho người con cả của Chu Tiêu là Chu Doãn Văn tức Minh Huệ Đế, để chống lại các tiểu vương chư hầu (suốt triều đại của mình, Chu Nguyên Chương liên tục ban thái ấp riêng cho những người con nhằm mục đích chống lại sự xâm lăng từ những nhóm dân tộc khác) có ý đồ đối nghịch mạnh mẽ.

Với ý đồ phản vua để nối ngôi, Chu Đệ luôn nhăm nhăm nhòm ngó cái ngai vàng ở Nam Kinh. Tuy nhiên ông không phải là người đầu tiên có ý đồ muốn soán ngôi mà lại là người cuối cùng trong số các con cháu của vua đạt được sự thành công.

Năm 1402, khi Chu Đệ (Minh Thành Tổ) trở thành hoàng đế ở Nam Kinh, ông chọn niên hiệu là Vĩnh Lạc (tức Niềm đam mê bất tận) làm tên hiệu triều đại của mình, nhưng sự thật là Vĩnh Lạc Đế hoàn toàn không vui vẻ trong suốt đời mình.

Vĩnh Lạc Đế hướng trọn niềm quan tâm tới Bắc Bình (Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay) nơi nhà vua đã lớn lên và hằng ao ước sẽ quay lại nơi này càng sớm càng tốt. Cuối cùng, ông cũng toại nguyện khi định đô mới ở Bắc Bình. Các hành vi tấn công Nam Kinh và dời đô đến Bắc Bình đều là 2 tội bị quy vào tội “giày xéo luật lệ tiên đế”.

Vì lẽ đó, khi xây dựng kinh thành Bắc Bình, Minh Thành Tổ đã điền thêm một lượng hùng hậu các yếu tố thiết kế để làm tăng cường tính logic trong việc cai trị của mình. Điều này có nghĩa là mọi khái niệm thiết kế ở kinh thành Bắc Bình đều có hình ảnh của Chu Đệ như là hoàng đế được Ngọc Hoàng đại đế lựa chọn và tuân theo di mệnh của Thượng đế.

Để đạt được tham vọng, Vĩnh Lạc Đế đã phái một toán đại thần tâm phúc hành phương Nam để tìm cho được những bậc thầy phong thủy tài giỏi nhất cùng đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tất cả họ cùng tiến về Bắc Bình để bắt đầu đại dự án xây dựng kinh thành mới.

Âm – dương hài hòa

Người Trung Quốc cổ đại tin rằng “ở thuở hỗn mang của vũ trụ, không có gì ngoài năng lượng âm - dương tồn tại”. Trời có năng lượng dương. Trần gian có năng lượng âm. Quanh “Thiên đình” là sự luân chuyển của mặt trời và mặt trăng, cũng như sự tồn tại của năng lượng dương, âm. Để thu hút sức mạnh của trời, đất, mặt trời và mặt trăng, Minh Thành Tổ và các thầy phong thủy đã sáng tạo ra một bản quy hoạch kinh thành mới gồm 3 lớp: ngoài cùng là một vòng tròn tượng trưng cho 4 bàn thờ; tiếp đó ở giữa là các bức tường và cuối cùng là lõi thành - nơi sinh sống và làm việc của hoàng gia.

Nhìn trên bản đồ Bắc Kinh cổ xưa, sẽ thấy rõ ràng là bên ngoài những bức tường của thành ngoại là những công trình như Thiên Đàn (đền thờ trời), Nhật Đàn (đền thờ mặt trời) và Nguyệt Đàn (đền thờ mặt trăng). Tất cả tạo thành một không gian ngoại vi nơi các vị thần tượng trưng cho một đối tượng được cúng bái.

Tử Cấm Thành nằm ở giữa của kinh thành. Nó được thiết kế với ngọn núi nằm ở sau và dòng sông chảy ở phía trước (theo lối “tiền giang - hậu sơn”). Con sông gọi là Kim Thủy (Nước vàng), còn ngọn núi ở phía sau gọi là Thiên Thọ (Trường thọ), ngọn núi này còn được biết đến dưới tên gọi là Cảnh Sơn (Thịnh vượng).

Sông Kim Thủy là một hào nước và ngọn núi phía sau cũng là núi nhân tạo, núi được đắp bằng cách lấy đất từ đáy sông, dùng gạch và đá lấy từ cung điện của triều Nguyên trước đó. Thiên Thọ Sơn nằm ở phía Bắc của Tử Cấm Thành, ngọn núi đóng vai trò cái trụ để chống đỡ cho thành Bắc Kinh và có tác dụng tiêu trừ ma quỷ.

Thiên Thọ Sơn và Cảnh Sơn đã định hình nên một thế hài hòa của Tử Cấm Thành, nó kết nối năng lượng âm - dương của Thiên Thọ Sơn (núi này nằm ở huyện Trường Bình, Bắc Kinh), Yên Sơn, rặng Thái Hành Sơn và rặng Côn Luân Sơn. Chính vì những thế núi non đắc địa này mà Thiên Thọ Sơn trở thành “ngọa long” (chốn rồng nằm) theo thuật phong thủy, nơi các rặng núi quần tụ là nơi mà Khí (lực lượng sống, hay năng lượng thấp) tụ hội.

Trong khi dãy Thiên Thọ Sơn là đỉnh cao nhất tạo hình nên “long mạch”, có nghĩa là những dạng gợn sóng, chạy theo một đường nét rõ ràng và long mạch cũng là nơi tập trung lớn năng lượng. Khí từ Tử Cấm Thành có thể chu du thông qua hệ thống sông, núi và cuối cùng chạy đến rặng núi Côn Luân - nơi có thể sát nhập với năng lượng từ các tầng trời.

Tử Cấm Thành được phân chia thành một trục tâm chạy từ Bắc sang Nam, phân chia toàn bộ kinh thành thành Đông thành (tượng trưng cho dương), Tây thành (tượng trưng cho âm). Tất cả các điện đều được bố trí theo trục Nam, khiến cho khí dương hội tụ ở phía tả khi bình minh lên và hội tụ khí âm ở phía hữu khi hoàng hôn buông xuống.

“Ngọa long” nằm tại một trong các tòa nội điện gọi là điện Giao Thái, từ tòa điện này có thể cảm nhận thế núi non uốn lượn như những dòng năng lượng ở phía xa xa và dòng Kim Thủy như hòa nhập vào cung điện vận chuyển tất cả dòng năng lượng từ thiên đình xuống trần gian và tất cả nằm gói gọn trong ranh giới của Tử Cấm Thành.

Âm, dương được cho là nguồn gốc của sự sống, từ thời đại Tần Thủy Hoàng (260-210 TCN, là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần), người ta đã biết tới các dòng năng lượng này và muốn thâu tóm lấy nó.

Trong thiết kế của Tử Cấm Thành, 3 khu nội điện chính là đi theo nguyên lý âm - dương, bao gồm Càn Thanh Cung, Giao Thái Điện và Khôn Ninh Cung. Cả 3 tòa nội cung này cùng lúc tạo ra một khu vực khép kín. Theo đạo Lão, Càn và Khôn tượng trưng cho trời và đất cũng như đàn ông, đàn bà, vì thế Càn Thanh Cung là nơi sinh sống của hoàng đế.

Trong khi đó Khôn Ninh Cung lại là nơi sống của Hoàng hậu. Còn Giao Thái Điện nơi tượng trưng cho thâm niên, hòa bình và đoàn kết, nó là sợi dây nối kết giữa thiên đình và hạ giới, thống nhất năng lượng âm, dương và mọi sự phong phú của trời đất. Trên ngai vàng ở Giao Thái Điện có treo một tấm gương gọi là Hiên Viên Kính (theo thần thoại Trung Quốc, chiếc gương này được đặc chế bởi Hiên Viên Hoàng đế là vị anh hùng khai sáng nên nền văn minh Trung Hoa), khi mà chòm sao Hiên Viên được cho là có chức năng giám sát mưa và sấm sét, chiếc gương được cho là điểm giao nhau giữa trời và đất, giữa âm và dương.

Ngũ hành

Khái niệm về 5 yếu tố đã tạo nên cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Hoa và nó dựa trên ý tưởng rằng mọi thứ trong cõi hỗn mang vũ trụ đều được tạo ra bởi nhiều sự tương tác từ trong 5 yếu tố này, gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Khái niệm ngũ hành thường được xem là nền tảng của “chủ nghĩa vật chất đơn giản” trong triết học Trung Hoa cổ đại. Nếu âm và dương được xem là nguồn gốc của mọi vật chất thì khi đó ngũ hành sẽ là tất cả mọi vật chất lệ thuộc trên đó để mà tồn tại. Vì lý do này mà trong thiết kế của Tử Cấm Thành có vô số dấu vết ứng dụng của ngũ hành kỳ thuật.

Trong thuyết ngũ hành, trung tâm của bất kỳ khu vực nào cũng dính kèm với chất lượng đất (Thổ). Yếu tố thổ có thể được tìm thấy tại Tử Cấm Thành trong hình dáng của tiền điện và các khu vực hậu điện, những nơi này được xây dựng trên 2 nền lớn mang hình dáng chữ Thổ.

Thêm vào đó, màu sắc của đất là màu vàng và cũng đồng thời là màu được tôn kính trong tất cả các màu tại hoàng cung, vì lẽ đó mà tiền và hậu điện đều được lợp ngói vàng (hoàng lưu ly) nhằm biểu thị rằng đây là những nơi quan trọng tối cao của kinh thành, chúng cũng chỉ ra đây là trung tâm thể chế của toàn bộ vương quốc.

Hướng Nam tượng trưng cho lửa (Hỏa), vì thế mà Ngọ Môn của Tử Cấm Thành được xây dựng theo hình ảnh của 5 con chim phượng hoàng (Ngũ Phụng), còn các hàng cột đá tại 5 cây cầu đá nằm ngoài Ngọ Môn được chạm khắc hình lửa đang cháy hừng hực. Hướng Bắc là yếu tố chỉ về nước (Thủy) tương ứng với truyền thuyết Hắc Quy (rùa đen) còn được biết đến dưới cái tên là Huyền Vũ, vì thế cổng thành phía Bắc - Bắc Môn được gọi là Huyền Vũ Môn (vào cuối đời Thanh, cổng này đổi thành Thần Vũ Môn).

Núi Cảnh Sơn nằm ở phía Bắc của Tử Cấm Thành.

Huyền Vũ là thủy thần phương Bắc, là vị thần chịu trách nhiệm cho sự sống và cái chết và có khả năng tiễu trừ ma quỷ. Để đạt được sự ứng phù của thần Huyền Vũ, các căn phòng phía Đông và Tây của điện Thái Hòa được lợp ngói đen (hắc lưu ly). Mặt khác, hướng Tây chủ về kim (kim loại hoặc vàng) và theo thuật phong thủy thì Kim sinh nước (Thủy), đó là lý do giải thích tại sao dòng Kim Thủy bao bọc quanh Tử Cấm Thành lại có gốc phát nguồn từ hướng Tây, nên nó gọi tên là Kim Thủy Giang (sông nước vàng).

Cuối cùng, hướng Đông thuộc gỗ (Mộc), biểu thị cho sự sinh sôi và thay đổi mọi thứ trong vũ trụ. Đông cũng là hướng dồi dào năng lượng và là vị trí đắc địa để làm nơi sinh sống của thái tử. Màu tượng trưng cho gỗ là màu xanh, thế nên các tòa điện tại khu vực sinh sống của thái tử 2 triều Minh, Thanh đều lợp ngói màu xanh (thanh lưu ly), ngụ ý Thái tử mãi mãi trẻ trung, tràn đầy sinh lực và sở hữu năng lực không giới hạn.

Trời và đất

Người Trung Quốc cổ đại khi sáng tạo ra các phức hợp duy tâm thường tôn trọng nguyên tắc thiên - địa (trời - đất) ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Nói cách khác, bố trí của các vì sao có thể tương quan với bề mặt của trái đất tạo ra một hệ thống biểu tượng khổng lồ.

Theo niềm tin chiêm tinh học, việc lấy sao Bắc Đẩu làm trung tâm thì các sao còn lại sẽ được phân thành 3 khu vực lớn tượng trưng cho 3 thiên thể lớn (Tam viên) được gọi tên lần lượt là Thái Vi Viên, Tử Vi Viên và Thiên Thị Viên. Chòm sao Tử Vi Viên nằm tọa lạc ở giữa bầu trời, nơi ngự trị của Ngọc Hoàng đại đế.

Bao xung quanh 3 chòm sao này là các sao Thanh Long, Bạch Hổ, Hồng Điểu và Huyền Vũ (Hắc Quy) cũng như 28 chòm sao bổ sung (Nhị thập bát tú), tất cả nhóm họp lại tạo thành “vũ trụ” như cách nhìn của người Trung Quốc thời cổ đại. Chòm sao Thái Vi Viên nằm ở hướng Đông Bắc của Tử Vi Viên và được cho là Nam cung của Ngọc đế, nơi Ngọc đế ngự chầu, phê tấu chương và ban hành chiếu chỉ. Về phía Nam của Tử Vi Viên là chòm sao Thiên Thị Viên tức “chợ thượng giới” nơi tụ họp của thế giới thiên thể.

Thiết kế của Tử Cấm Thành là bản sao chiếu trực tiếp từ khái niệm “Bản đồ vũ trụ”. Hệ thống kiến trúc này tiếp nhận điềm tốt lành từ các vì sao trên trời, tượng trưng cho bề mặt trái đất bên dưới.

Nhưng thay vì đơn giản là chỉ sao chép một chòm sao duy nhất thì Tử Cấm Thành lại phản ánh chúng theo một cách tinh vi hơn. Trước tiên là sử dụng la bàn để lần ra chính xác vị trí của sao Bắc Đẩu, từ đó xác định hướng Bắc, kế tiếp là định hình một cái trục bằng cách đưa la bàn đi xuyên qua nó. Bước kế tiếp là định vị “ngọa long”.

“Ngọa long” của Tử Cấm Thành nằm ngay trong điện Giao Thái đằng sau Càn Thanh Cung. Đây chính là điểm khởi đầu cho mọi công tác thiết kế và xây dựng toàn bộ tòa kinh thành, tại nơi đó sao Bắc Đẩu tương ứng với bề mặt trái đất. Vượt qua điểm này từ Bắc xuống Nam là một trục chính của quần thể phức hợp kinh thành.

Các căn phòng hậu điện của Càn Thanh Cung, Giao Thái điện và Khôn Ninh Cung nằm dọc theo với 6 tòa cung điện khác theo 2 hướng Đông, Tây và tất cả tượng trưng cho chòm sao Tử Vi Viên; trong khi 3 điện lớn nhất ở tiền điện Càn Thanh Cung tượng trưng cho chòm sao Thái Vi Viên, điều này có nghĩa là “Ngọc đế ngự trị ở Tử Vi Viên và Thiên tử ngự ở Tử Cấm Thành”. Thêm vào đó, Kim Thủy Giang chảy từ hướng Tây Bắc tượng trưng cho Thiên Giang (dải Ngân Hà).

Thiết kế của Tử Cấm Thành bao gồm toàn bộ cách bố trí của 4 chòm sao trên trời cũng như đại diện của âm dương và ngũ hành, tất cả đều luân chuyển tại mọi vị trí và qua các tòa điện, các, tên gọi của các cổng và những hướng và chúng xoay mặt, hoặc các tuyến đường thủy chảy xuyên qua các tòa kiến trúc, những biểu tượng này đan xen và nối kết chặt chẽ với nhau nhằm đảm chắc rằng vị trí nơi có Tử Cấm Thành tọa lạc sẽ mãi mãi là kiệt tác kiến trúc hài hòa phong thủy tồn tại qua thời gian.

Theo lối kiến trúc này thì sự giao thoa giữa Thiên Thọ Sơn, Kim Thủy Giang, Tử Cấm Thành, nơi ở của Thiên tử, tất cả đều phản ứng mạnh mẽ nhất đối với nơi ngự trị của tất cả vị thần quyền lực nhất, đã được xây dựng và đứng vững suốt hàng trăm năm. Tòa kiến trúc vĩ đại này đã chứng minh cho thành công nghệ thuật của một vị hoàng đế đặc biệt gây tranh cãi: Vĩnh Lạc Đế.

Nguyễn Thanh Hải

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bi-mat-tu-cam-thanh-498317/