Bị mỉa mai vì ăn tô phở 920 ngàn dở hơn loại 60 ngàn: Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền

Nhiều dân mạng dèm pha người bỏ ra 920 ngàn đồng ăn tô phở ở tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng lại chẳng ngon bằng phở 40-60 ngàn đồng bán đầy đường Sài Gòn.

Khi thấy những đám cưới trang trí hay mời ca sĩ nổi tiếng về hát hết bạc tỉ, nhiều dân mạng liền cho rằng quá lãng phí và đặt câu hỏi vì sao họ không bỏ tiền làm từ thiện?

Không ít người bình luận mỉa mai khi dân chơi bỏ 2,7 tỉ đồng sám siêu mô tô Tron Light Cycle giống ghế tình yêu chỉ để thỏa mãn niềm đam mê nhưng không phù hợp chạy trên đường Việt Nam.

Ngọc Trinh nhiều lần bị xỉa xói vì bỏ vài trăm triệu mua túi xách hiệu.

Mới đây, nhiều dân mạng dèm pha người bỏ ra 920 ngàn đồng ăn tô phở ở nhà hàng trong tòa nhà cao nhất Việt Nam - Landmark 81 nhưng lại chẳng ngon bằng phở 40-60 ngàn đồng bán đầy đường Sài Gòn.

Cận cảnh tô phở 920 ngàn ở nhà hàng trên tòa nhà Landmark 81.

Theo nam thanh niên ăn tô phở “chọc trời”, mức giá đắt đỏ trên chủ yếu do thịt bò.

Cụ thể hơn, anh cho biết: “Bạn bỏ 920 ngàn để ăn bò thì đúng hơn là ăn phở bởi phần thịt bò trong tô phở này là bò Wagyu và đuôi bò Úc. Thịt bò ngon, mềm, hơi hơi béo. Riêng về các thành phần còn lại của tô phở lại không được đánh giá quá cao, thậm chí còn không được như các tiệm phở bên ngoài. Mình cảm thấy nước phở khá bình thường, không đậm vị, kiểu không nhạt cũng không đậm đà. Bánh phở ăn không mềm như ở các tiệm phở đâu, hơi lạ lạ vì ăn cảm giác nó sẽ hơi sựt sựt”.

Rất nhiều lời thắc mắc vì sao người giàu có lại phung phí tiền bạc vào những thứ đó? Câu trả lời là người ta tiêu tiền theo thu nhập và đẳng cấp của mình.

Về vấn đề trên, Facebooker Nguyen Khanh cho rằng “Đừng bao giờ dạy người giàu cách tiêu tiền” qua bài viết gây sốt và nhận được sự đồng tình của nhiều dân mạng:

Khi mức lương của em dao động dưới 10 triệu/tháng, em sẽ thấy một người suốt ngày đổi điện thoại đời mới thật là lãng phí.

Khi mức lương của em dao động dưới 20 triệu/tháng, em sẽ thấy một người suốt ngày đổi ô tô đời mới thật là kệch cỡm.

Khi mức lương của em dao động dưới 30 triệu/tháng, em sẽ thấy một người tháng nào cũng dẫn người yêu đi sắm vài cái túi xách giá chục nghìn đô không khác gì một lũ thần kinh.

Tôi đọc Facebook, thấy người ta chế diễu người dám bỏ triệu bạc ăn bát phở ở tòa nhà cao nhất Việt Nam. Phở đầy phố có 60 ngàn - đất nước còn nghèo sao có thể lãng phí như thế, rồi phê phán giá vé tham quan để lên trên ấy quả là giá trên trời, thiếu gì chỗ chơi mà mò lên để bị thu phí cắt cổ.

Thật ra không có ai lãng phí, kệch cỡm, thần kinh cả… Chỉ là em chưa đủ tầm nhìn để thấy xã hội vận hành như thế là một xã hội bình thường. Xã hội chỉ bất thường khi đâu đâu cũng chỉ có người sắp hàng ăn cơm 2 ngàn và phát quà từ thiện.

Ở đời cái gì rẻ, miễn phí và dễ dãi thì dễ bị coi thường. Tam Tạng muốn thỉnh chân kinh cũng phải để lại cái bát vàng. Nơi Tây Thiên thì A Nan, Ca Diếp cần gì lấy cái bát vàng vốn chỉ mang ý nghĩa tài sản thế gian mới trao kinh? Nếu chân kinh không cần đi thỉnh mà được ship miễn phí qua Đông Thổ Đại Đường thì liệu chân kinh có được trân trọng?

Đỉnh cao phải có giá của đỉnh cao, đó là chân lý. Dẫu ai đó có thể cải lương nói với em về đạo nghĩa, từ tâm, vô thường, buông xả thì em cũng phải hiểu rằng giác ngộ cũng có cái giá của giác ngộ.

Nếu còn không dám rút ví cho một dịch vụ không thiết yếu nào đó thì em hãy tin rằng nơi đó chưa dành cho em, hãy cố gắng nhiều hơn nữa.

Nếu Tam Tạng cất cái bát vàng không chịu giao nộp thì xin mời ông trở về Đại Đường.

Tòa nhà cao nhất Việt Nam là nơi tham quan chứ không phải phòng cấp cứu, không lên cũng không chết được. Hãy vui vẻ quay về và đừng chửi người xứng đáng bước lên trên ấy, đừng nguyền rủa họ sống lãng phí sau này không có cơm ăn.

Nếu không thu phí thì điều gì xảy ra? Nếu phở có 60 ngàn/tô kèm quẩy kèm giá chần thì sao? Lúc ấy đỉnh cao sẽ không còn là đỉnh cao. Bình dân hóa đỉnh cao là có tội với nhà đầu tư, với kiến trúc sư và với biểu tượng của thương hiện doanh nghiệp. Muốn phóng tầm mắt ra xa nhất thì phải có đôi chân vững chắc nhất.

Phần thưởng cho nhà leo núi là đỉnh núi và nếu không leo nổi hãy bỏ tiền đi cáp treo. Ai cũng xuất sắc theo một cách nào đó.

Người già ở quê hạnh phúc với cái điện thoại trắng đen đời cũ miễn là hàng ngày con cháu gọi hỏi thăm. Anh chị xài cái smartphone lưu gần 1.000 số điện thoại và 5.000 bạn bè trên Facebook nhưng khi cần chỗ tựa vai tuyệt nhiên không thấy đứa nào.

Ai hạnh phúc hơn ai. Biết đủ thì vị trí mình đứng chính là đỉnh cao.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/thoi-su-facebook-c-145/bi-mia-mai-vi-an-to-pho-920-ngan-do-hon-loai-60-ngan-dung-day-nguoi-giau-cach-tieu-tien-112935.html