Bị Nga coi không thân thiện, Mỹ muốn vực dậy quan hệ

Hội đồng các Bộ trưởng Liên bang Nga vừa phê duyệt danh sách các quốc gia nước ngoài không thân thiện, trong đó có Mỹ và Séc.

Văn bản được công bố trên cổng thông tin pháp lý Internet chính thức: "Phê duyệt danh sách đính kèm các quốc gia nước ngoài có hành động không thân thiện với Liên bang Nga, công dân Liên bang Nga hoặc các pháp nhân Nga, liên quan đến các biện pháp gây tác động (chống lại) được áp dụng, được thiết lập theo sắc lệnh số 243 của Tổng thống Liên bang Nga ngày 23/4/2021 về việc áp dụng các biện pháp gây tác động (chống lại) đối với các hành động không thân thiện từ các quốc gia nước ngoài".

Văn bản cũng xác định số lượng cá nhân trên lãnh thổ Liên bang Nga, mà các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, đại diện các tổ chức và cơ cấu nhà nước từ các quốc gia này có thể ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng cung ứng lao động cho người lao động (nhân sự) và các hợp đồng luật dân sự khác, dựa trên đó phát sinh quan hệ lao động với các cá nhân trên lãnh thổ Nga.

Theo đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga sẽ không thể tiếp tục tuyển dụng nhân viên là người địa phương, còn số lượng người Nga được tuyển vào cơ quan đại diện của Séc nhiều nhất là 19.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 14/5, Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại đồng thời nhấn mạnh thực tế rằng Nga hiện chỉ có hai quốc gia trong danh sách "các quốc gia không thân thiện".

Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, Nga. Ảnh: Reuters

Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, Nga. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước quyết định của Nga, Praha cho biết bước đi này sẽ chỉ làm leo thang quan hệ giữa Moscow và Cộng hòa Séc, EU và các đồng minh.

Bộ Ngoại giao Séc cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi rất tiếc vì Nga đã dấn thân vào con đường đối đầu phương hại cho chính mình".

"Biện pháp này cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển tiềm năng của các mối quan hệ giữa các công dân bình thường, du lịch và sự phát triển của các mối quan hệ kinh doanh", Bộ Ngoại giao Séc nói thêm.

Trong những tháng gần đây, Nga và phương Tây gia tăng căng thẳng về nhiều vấn đề, bao gồm việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới Ukraine, can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ và các hoạt động thù địch khác.

Quan hệ Nga-Mỹ đã nhanh chóng xấu đi sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden gia tăng sức ép lên Điện Kremlin kể từ khi ông trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay.

Hồi tháng 4, Washington đã công bố các lệnh trừng phạt và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga để trả đũa những gì họ cho là do Điện Kremlin can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn và các hoạt động thù địch khác.

Đáp lại, Nga đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, cấm các quan chức hàng đầu của Mỹ nhập cảnh và cấm đại sứ quán Mỹ tuyển dụng công dân nước ngoài.

Sau khi ông Biden ví Tổng thống Nga Vladimir Putin như một "kẻ giết người", Nga đã tạm thời triệu hồi đại sứ của mình từ Mỹ và sau đó cho biết đặc phái viên Mỹ cũng nên về Washington để tham vấn.

Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã buộc phải đình chỉ hầu hết các dịch vụ lãnh sự đối với công dân nước này và ngừng cấp thị thực do phải cắt giảm mạnh nhân viên sau các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng.

Nhưng hôm 14/5, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cho biết họ sẽ tạm thời nối lại các dịch vụ lãnh sự cho công dân của mình "đến hết ngày 16/7".

Căng thẳng giữa Nga với Cộng hòa Séc cũng gia tăng sau khi Praha cáo buộc tình báo quân đội Nga đứng sau một vụ nổ chết người tại một kho đạn dược ở miền Đông Cộng hòa Séc vào năm 2014.

Tháng trước, Moscow cho biết họ sẽ giới hạn số lượng nhân viên Đại sứ quán Séc nhằm ăn miếng trả miếng sau khi EU tuyên bố trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga.

Trong một động thái đáng lưu ý, cũng trong ngày 14/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với nhau để thảo luận về những sắp xếp cho cuộc gặp sắp tới của họ bên lề hội nghị Hội đồng Bắc Cực cấp bộ trưởng ở Iceland.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, ông Blinken dự định họp bàn với ông Lavrov về tổng thể mối quan hệ Mỹ - Nga trong cuộc tiếp xúc vào tuần tới giữa họ.

Theo nhà chức trách Mỹ, sự kiện sắp diễn ra là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm đạt mục tiêu về quan hệ song phương "ổn định và dễ đoán hơn".

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Price cho hay, trọng tâm của cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước sẽ là tìm hiểu về khả năng hợp tác ở những lĩnh vực hai bên có cùng mối quan tâm và lợi ích, chẳng hạn như vấn đề Iran, Triều Tiên hay biến đổi khí hậu.

Theo Sputnik, hội nghị Blinken - Lavrov sẽ là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa giới chức Washington và Moscow kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. Hai quan chức cũng dự kiến thảo luận về những chi tiết liên quan đến hội nghị thượng đỉnh trong tương lai giữa ông Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bi-nga-coi-khong-than-thien-my-muon-vuc-day-quan-he-3432216/