Bị nhốt vào tủ quần áo liệu học sinh có ngoan hơn?

Cộng đồng mạng lại dậy sóng trước thông tin một giáo viên trường mầm non Maple Bear tại Hà Nội đã dọa học sinh bằng việc nhốt cháu vào tủ quần áo rồi đóng cửa lại trong khoảng 50 giây vì thấy bé này nghịch, không nghe lời.

Sự việc nói trên chắc chắn sẽ không ai ngoài hai cô giáo và những đứa trẻ ngây thơ trong lớp biết nếu chị Lê Mai Linh (phụ huynh cháu Lê M. đang theo học lớp Panda - Trường mầm non Maple Bear, cơ sở Westlake Point, 24 Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) không tố cáo.

Chị Lê Mai Linh cho biết, do gần đây con gái chị tâm trạng có phần sợ sệt, không muốn đi học nên chị mong muốn tìm rõ căn nguyên. Sau nhiều lần đề nghị, cuối cùng nhà trường đã đồng ý cho chị xem lại camera ngày 5/8/2019, chị Linh thật sự bất ngờ trước hình ảnh con mình bị cô giáo nhốt vào tủ quần áo.

Học sinh tại trường mầm non Maple Bear

Trong khi đó, chị Linh đã rất cẩn trọng chọn trường cho con, thấy cam kết của nhà trường "Maple Bear - tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc" hay "lấy trẻ làm trung tâm" và mức học phí là 20 triệu đồng/tháng.

Ngay sau đó, trường mầm non Maple Bear phát đi thông báo và lời xin lỗi về hành vi sai trái của cô giáo tại cơ sở Maple Bear Westlake Point trong kỷ luật học sinh và áp dụng hình thức xử phạt cao nhất là sa thải. Cụ thể, hai cô giáo bị chấm dứt hợp đồng lao động gồm cô giáo thực hiện hành động kỷ luật học sinh và cả cô giáo chủ nhiệm.

Trường mầm non Maple Bear phát đi thông báo và lời xin lỗi về hành vi sai trái của cô giáo tại cơ sở Maple Bear Westlake Point trong kỷ luật học sinh và áp dụng hình thức xử phạt cao nhất là sa thải.

Dù nhà trường có áp dụng kỷ luật ở khung cao nhất đối với cô giáo nhốt trẻ trong tủ quần áo thì cũng không thể xóa bỏ những nỗi sợ hãi của cháu bé cũng như xóa bỏ được phần trách nhiệm từ phía nhà trường.

Nếu phương pháp giảng dạy của nhà trường được tất cả giáo viên trong trường thông suốt thành parem của nhà trường thì không thể có chuyện một cô làm, cô còn lại đồng lõa? Một cá nhân còn có thể biện bạch nhưng có sự chứng kiến của một cô giáo nữa mà sự việc chỉ được phanh phui khi phụ huynh tận mắt xem được camera thì thật đáng trách.

Vậy hệ thống camera nhà trường quản lý dùng để làm gì? Không lẽ không phải là để giám sát chặt chẽ hơn việc dạy và học của các lớp?

Chưa vội nói đến vấn đề đạo đức vì dư luận đang có câu hỏi lớn dành cho nhà trường là ai chống lưng cho cô giáo kia mà ngay cả khi có camere giám sát vẫn dám bạo hành học sinh? Và việc giáo dục bằng cách nhốt học sinh vào tủ quần áo thì các con liệu có ngoan hơn?

Hình ảnh học sinh bị nhốt vào tủ quần áo trích xuất từ camera Trường mầm non Maple Bear

Mầm non là trường học đầu tiên trong đời của bé. Những cảm giác về trường học, về cô giáo, về bạn bè trong giai đoạn này rất quan trọng vì đó là ấn tượng ban đầu nên rất sâu sắc. Bởi đây là lần đầu tiên trong đời trẻ phải xa bố mẹ, bước vào một môi trường hoàn toàn mới mẻ, gặp gỡ những người hoàn toàn xa lạ, không có bố mẹ hay người thân ở bên. Nếu trong môi trường bỡ ngỡ đó mà cô giáo lại có hành vi bạo hành thì các con biết bấu víu vào đâu?

Qua câu chuyện này, cũng không ít người chia sẻ câu chuyện của mình về nỗi ám ảnh mang theo cả đời vì từng bị cô giáo phạt một cách nhẫn tâm.

Nick name Hương Anh chia sẻ: "Chuyện này chẳng hiếm đâu, đọc thì chua xót nhưng ngày xưa tôi cũng đã từng bị cô giáo nhốt trong phòng đội nhỏ cùng với 1 vài bạn. Tôi còn nhớ như in cảm xúc và khung cảnh lúc đó, lúc cô giáo mở cửa ra, thì tôi với các bạn không ai khóc nhưng khi cánh cửa đóng lại, phòng tối om, chúng tôi khóc như điên dại. Cảm giác lúc đó của tôi là sợ, là lo, là hoảng loạn. Mấy ngày sau tôi cũng không dám đi học, lúc đó tôi học lớp 1, bố mẹ hỏi gì cũng không nói chỉ khóc. Đến giờ vẫn ám ảnh".

Cơ sở Trường mầm non Maple Bear

Đến trường, trò trông cậy vào cô như người mẹ thứ hai. Trẻ đến trường là để học làm người trong đó có đạo đức, lòng nhân ái, học chữ, nhưng ngay từ những lớp đầu đời lại gặp cô giáo không yêu thương trẻ thì trường học với các em sẽ là ác mộng. Mỗi ngày đến trường là lại bị đeo bám nỗi sợ hãi, hoảng loạn.

Lao động của nhà giáo là lao động sư phạm - loại hình lao động đặc biệt. Vì vậy, người làm trong nghề đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao; sự am hiểu nghề nghiệp và đặc biệt là đạo đức, nhân cách người thầy. Nghề giáo, đạo đức của nhà giáo phải là vấn đề được đưa lên hàng đầu với ý nghĩa rộng, gồm cả phẩm chất, năng lực và lương tâm nghề nghiệp...

Để đạo đức nhà giáo tốt hơn, ngành giáo dục cần thực hiện từ khâu đào tạo ngay trong trường sư phạm. Không phải học xong trong trường đại học là ra được hành nghề ngay mà phải có thời gian tập sự, phải được các tổ chức cho phép mới được hành nghề. Ngay nội tại các trường, người quản lý phải hết sức gương mẫu, vừa là nhà quản lý, vừa là nhà sư phạm.

Trường học không thể hô khẩu hiệu vì học sinh nhưng trong hoạt động nội tại lại đi ngược với những điều đã cam kết. Không thể để sự chệch choạc của một trường, một sự bất nhẫn của một cô giáo rồi để "con sâu" tiếp tục làm "rầu nồi canh" được.

Kỳ An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/bi-nhot-vao-tu-quan-ao-lieu-hoc-sinh-co-ngoan-hon-2019081919330532.htm